Con biết tiêu tiền sớm dễ sinh hư?

27/06/2019 - 08:27
Dạy con về tiền thường được nhắc đến rất nhiều trong các phương pháp nuôi dạy con nhưng không nhiều bố mẹ Việt áp dụng, một phần cũng bởi quan điểm cho rằng, dạy con tiếp xúc sớm với đồng tiền trẻ sẽ “sinh hư”. Song, liệu quan điểm đó có còn phù hợp?
“Con biết tiêu tiền sớm ngày nào, sinh hư ngày đó”
 
Chị Oanh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có cậu con trai năm nay lên lớp 6. Tuy đã bước vào cấp II nhưng từ trước đến nay, chị Oanh chưa bao giờ cho con tiền tiêu vặt, tất cả nhu cầu mua sắm, chi tiêu của con chị đều lo toan đầy đủ. Chị quan điểm không dạy con về tiền, trong nhà không nói về chuyện tiền nong, lương bố mẹ bao nhiêu, để dành bao nhiêu, chi tiêu trong gia đình như thế nào cũng không thể để con được biết. Chị tự tin rằng, với phương pháp này sẽ giúp con tránh sử dụng hoang phí tiền bạc, không sa đà đua đòi theo chúng bạn… 
 
Tuy nhiên, sau một lần tình cờ phát hiện con trai  lén lấy trộm tiền của mẹ để đi ăn chơi với các bạn, sự tự tin vì cách quản lý con “cách ly” với tiền bạc của chị Oanh đã hoàn toàn sụp đổ. 
 
 
chi-tieu.jpg
Nhiều bố mẹ không cho con tiếp xúc sớm với đồng tiền sớm vì sợ trẻ sẽ “sinh hư”

 

Câu chuyện của chị Oanh là một trong rất nhiều câu chuyện về dạy con tư duy tài chính là vấn đề đang được quan tâm. Nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng, cho con cái tiền tiêu sớm sẽ khiến chúng hoang phí, dùng tiền vào những mục đích không tích cực; trẻ con  cầm tiền mà không biết giữ, nói dối để xin thêm tiền tiêu… Chính vì vậy dù con cái đã khá lớn, họ vẫn không cho con tiếp xúc với đồng tiền.
 
Trên thực tế, cách giải quyết đó không phải là không có mặt trái. Khi trẻ quá tò mò mà bị ngăn cấm, chúng sẽ dẫn đến hành động ăn trộm tiền để được tiêu tiền như chúng bạn. Khi trẻ đã có tiền trong tay mà không được định hướng cách sử dụng thì còn nguy hiểm hơn nhiều.
 
Tại sao nên giáo dục tài chính cho trẻ từ nhỏ?       
 
Theo một nghiên cứu từ Đại học Cambridge, thói quen sử dụng tiền được định hình từ khi trẻ lên 7 tuổi. Tức là, trẻ càng được dạy sớm, kỹ năng quản lý tài chính càng được phát triển tốt về sau, vì trẻ hiểu giá trị đồng tiền, học cách chi tiêu - tiết kiệm thông minh.
 
Song song đó, tính chia sẻ và cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn cũng được hình thành trong suy nghĩ của các em. Nói cách khác, dạy con tiêu tiên và kiếm tiền cũng là cách giáo dục nhân cách.
 
 
chi-tieu-2.jpg
Dạy con tiêu tiên và kiếm tiền cũng là cách giáo dục nhân cách.

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các bậc phụ huynh, làm thế nào để định hướng tư duy về tài chính một cách đúng đắn cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, nhiều nơi đã triển khai các lớp học dạy trẻ kỹ năng chi tiêu từ nhỏ.
 
Các lớp học thường được tổ chức theo hình thức mô-đun, dự án, trải nghiệm giúp trẻ hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của đồng tiền để có thái độ, cảm xúc đúng đắn với tiền bạc, biết tạo ra dòng tiền từ sức lao động, từ trí tuệ và biết tiết kiệm phân chia tiền bạc có được vào các quỹ tài chính phù hợp với trẻ em. Trên cả là trẻ biết sử dụng đồng tiền sao cho ý nghĩa và mang lại giá trị cao, có thể tự định hướng được cuộc sống về tài chính độc lập và tiến tới tự do trong tương lai.
 

Trong các ngày 12, 13, 14/7, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, số 20 Thụy Khuê, Hà Nội tổ chức Trại hè triệu phú, dành cho các bé từ 10 đến 15 tuổi, cung cấp cho các bạn nhỏ các hiểu biết về tài chính cơ bản, cách kiếm tiền chân chính, tích lũy thông minh, tiêu dùng thông thái…

 

Trong loạt bài tiếp theo, báo PNVN cũng giới thiệu các kỹ năng chi tiêu, giáo dục tài chính dành cho trẻ nhỏ. Mời bạn đọc theo dõi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm