Theo BSCKII Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, BV Đại học Y Dược TPHCM, thai phụ Thủy là một trong nhiều trường hợp đái tháo đường trong thai kỳ (ĐTĐTK), một bệnh lý nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ có thai.
Theo BS Dung, thai phụ Thủy mang thai lần đầu, tiền căn gia đình có mẹ bị tiểu đường. Ban đầu, chị Thủy khám thai ở một BV phụ sản tại TP.HCM, được chỉ định thử đường huyết ở tuần thứ 12 của thai kỳ, kết quả bình thường. Ở tuần thứ 23-24 của thai kỳ, thai phụ đến thăm khám tại BV Đại học Y Dược TP.HCM thì được bác sĩ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường. Kết quả cho thấy, đường huyết lúc đói bình thường, tuy nhiên chỉ số đường huyết 1 giờ sau uống đường là tăng cao và 2 giờ sau uống đường tăng rất cao. Thai phụ được chẩn đoán bị ĐTĐTK.
'Chúng tôi đã cảnh báo mối nguy hiểm ĐTĐTK cho mẹ cũng như thai nhi và đề nghị bệnh nhân đến ngay chuyên khoa Nội tiết để điều trị điều chỉnh lượng đường. Nhưng do chủ quan, thai phụ không điều trị mà về quê. Khi thai khoảng 34-35 tuần, thai phụ quay lại khám thì được phát hiện đa ối, thai to, chúng tôi sử dụng Insulin đường tiêm ngay để điều chỉnh lượng đường nhưng không kịp', BS Dung kể.
Cũng theo BS Dung, ngay trong ngày hôm đó, thai phụ không cảm thấy thai máy nữa, siêu âm kết quả cho thấy thai vừa chết lưu, cân nặng 3.5kg.
Tất cả phụ nữ có thai nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết để kiểm soát ĐTĐTK |
Để phòng tránh ĐTĐTK, BS Dung khuyến cáo, tất cả phụ nữ có thai đều nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT), uống 75 gram glucose để tầm soát ĐTĐTK. Nếu thai phụ không có yếu tố nguy cơ như: Tiền căn gia đình có người bị đái tháo đường, tuổi mẹ khi mang thai trên 40 tuổi, béo phì, tiền sử thai kỳ trước bị ĐTĐTK... nên thực hiện OGTT từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Trong trường hợp thai phụ có yếu tố nguy cơ, cần thực hiện OGTT ở lần khám thai đầu tiên. Nếu kết quả OGTT bình thường, vẫn phải tiếp tục thực hiện OGTT vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ.
'Về chế độ dinh dưỡng, khi có thai nên ăn đủ chất. Các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi… Ngoài ra, thai phụ cần hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt là không nên uống nhiều nước mía, bởi sẽ làm tăng nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ', BS Dung khuyến cáo.
Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc ĐTĐTK ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai. ĐTĐTK có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. |