pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con chỉ thích gặm, xé rồi vứt sách lung tung, bố mẹ nên xử lý thế nào cho đúng?
Ảnh minh họa
Sách/ truyện là những đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình có con nhỏ hiện nay. Ngay từ khi mang bầu, nhiều bà mẹ đã ấp ủ về việc tạo hứng thú và cho con đọc sách ngay khi bé vừa chào đời. Chính vì thế mà giá sách lúc nào cũng đầy ắp từ quyển nọ đến quyển kia. Thế nhưng, không phải bé nào cũng thích đọc sách. Trong khi một số em bé tỏ ra khá hợp tác, có thể ngồi đọc sách suốt 10-15 phút trong trạng thái say mê thì nhiều em bé khác chẳng hứng thú gì, thậm chí còn vứt, xé sách lung tung khiến bố mẹ chán nản.
Những lúc này, không ít ông bố, bà mẹ tức giận vì con mình không giống con nhà người ta, làm hỏng hết sách lại còn chẳng tập trung. Thế là trong cơn nóng giận, một số người mắng mỏ, quát tháo con khiến trẻ càng thêm sợ hãi. Một số khác thì ép con tiếp tục đọc sách cho đến khi hết quyển thì thôi nhưng bé tỏ ra vô cùng khó chịu. Vậy trong tình huống này, bố mẹ nên làm gì?
Hãy dừng lại nếu con có dấu hiệu chống đối
Mỗi một bé là một cá thể, sở hữu tính cách hoàn toàn khác biệt, thế nên việc chúng có phản ứng khác nhau khi cùng tiếp xúc với một đồ dùng nào đó là điều hoàn toàn bình thường. Nhiều trẻ mất tập trung khi đọc sách và có các biểu hiện như gặm/ăn sách, cầm xé, giành lấy sách tự lật hoặc đòi đi ra. Tất cả đều bình thường và đang cho thấy 1 sự phát triển của não bộ về nhận thức.
Cha mẹ không nên quá lo lắng khi thấy bé như vậy. Trước tiên nên chọn sách phù hợp với độ tuổi vì những quyển sách không đúng độ tuổi sẽ làm cho bé không tập trung, bé 2 tuổi đọc sách của bé 1 tuổi sẽ cảm thấy quá dễ, nhanh chán, ngược lại bé 2 tuổi đọc sách của bé 4 tuổi sẽ khiến con thấy khó, cảm giác nản vì không hiểu gì. Khi chọn sách đúng độ tuổi, mà bé ít tập trung, cha mẹ có thể tìm cách gây ra sự chú ý cho con, ví dụ như cầm sách đọc cho bé, hạn chế đọc chữ mà chỉ xem tranh, đọc chữ ít đi đủ để bé thấy hứng thú....
Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực nhưng bé vẫn tỏ ra ghét sách, thậm chí bực tức quay mặt đi hoặc ném sách thì bố mẹ nên dừng lại hoàn toàn, cho con chơi trò khác và đợi khi nào bé vui vẻ lại rồi mới tiếp tục cho con đọc sách. Bố mẹ không nên nóng vội bởi càng ép trẻ sẽ càng ghét, hãy nuôi dưỡng cho con tình yêu với sách một cách tự nhiên.
Nên đọc sách cho bé từ khi mấy tuổi
Câu trả lời là bố mẹ có thể đọc sách/ truyện cho con nghe ngay từ khi bé còn ở trong bụng mẹ. Đây còn gọi là phương pháp thai giáo cho bé. Con được làm quen với giọng nói của mẹ nên khi sinh ra sẽ dễ dàng hợp tác với bố mẹ hơn. Sau đó, vài tuần sau sinh mẹ cũng đã có thể đọc sách cho con. Ban đầu chỉ là những hình ảnh trắng/ đen với nhiều hình khối để con luyện mắt, tiếp đến là những bộ sách vải, sau đó mới tới sách giấy, sách âm thanh... Thực tế, đến 6 tháng tuổi bé mới có thể biết hứng thú với việc đọc sách, tất nhiều điều này còn tùy vào tính cách của từng bé.
Đọc sách cho con trong thời gian bao lâu?
Với các bé mới bắt đầu làm quen với sách, chỉ nên dành từ 5-10 phút để đọc sách cho con. Đừng quá lo lắng những hành động mất tập trung của bé như: nhảy, đòi đi ra, gặm và muộn tự lật trang. Tất cả những hành động đó là hoàn toàn bình thường và đang thể hiện sự phát triển về mặt nhận thức của não bộ.
Một số bé hiếu động chỉ có thể tập trung 1-2 phút nên bạn cũng đừng bỏ cuộc nếu bé có vẻ không thích. Những sự lặp lại như vậy sẽ giúp bé phát triển não bộ và tư duy, tạo một bước phát triển rất lớn trong giai đoạn này.
Bé chỉ thích duy nhất 1 quyển sách thì phải làm sao
Đây là băn khoăn của không ít các bà mẹ bởi con mình có thói quen chỉ đọc một quyển sách duy nhất, các quyển sách khác đều bị bé cho ''ra rìa'', chẳng thèm quan tâm và chỉ tập trung vào sở thích của bản thân mà thôi. Trong trường hợp này, mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi cách nhìn của trẻ con và người lớn không giống nhau. Có thể bố mẹ thấy quyển này hay hơn, nhiều giá trị hơn nhưng trong mắt con lại thích hình ảnh khác, nội dung khác và chẳng muốn thay đổi.
Do đó, việc bé hứng thú với 1 quyển sách, luôn chọn quyển sách đó là điều cha mẹ nên mừng hơn là lo lắng vì bé đang phát triển nhận thức tốt. Bạn không cần phải cố gắng giới thiệu quyển mới cho bé. Cứ đợi khi bé hết hứng thú với quyển đó là bạn chuyển sang quyển mới là tốt nhất vì lúc đó cũng là sự chuyển đồng bộ với nhận thức của não bộ.
Đôi khi, bé cũng có thói quen thích được bố mẹ đọc một loại sách trước khi đi ngủ. Lý do là vì khi con đã nắm hết nội dung, con sẽ cảm thấy yên tâm chìm vào giấc ngủ chứ không lo lắng về việc suy đoán hay phải lắng nghe sự việc gì sẽ diễn ra tiếp theo. Thế nên, hãy tìm hiểu và lắng nghe con trong việc đọc sách nhé bố mẹ.
Nên đọc sách cho trẻ như thế nào là tốt nhất?
Mỗi bé sẽ có một sở thích khi ngồi vẽ, đọc sách, chơi đồ chơi... Có bạn thích ngồi bàn, có bé thích nằm trên giường, có bé lại thích đứng đọc... Tuy nhiên, tư thế bé ngồi vào lòng mẹ là tốt nhất vì dễ gây sự chú ý cho bé và bé có thể nghe giọng bố mẹ gần gũi hơn. Tư thế tốt thứ 2 là bé nằm ngửa và bố mẹ nằm bên phải của con mình.
Trước 3 tuổi, mẹ hoàn toàn có thể tự chọn sách cho con, tuy nhiên sau đó, bạn nên đưa bé đến nhà sách, giới thiệu cho con những quyển sách trong độ tuổi và để bé tự lựa chọn. Việc được chọn những gì con thích sẽ khiến bé hào hứng và thích thú hơn với việc đọc sách, để việc đọc không phải là ép buộc mà tự bé thấy muốn khám phá chúng.
Đọc sách vào thời gian nào là hiệu quả?
Không có một thời gian nào cố định cho việc đọc sách, khi nào con thích mẹ hoàn toàn có thể cho bé tiếp xúc với sách. Thông thường nhiều gia đình chọn thời điểm buổi tối trước khi đi ngủ vì đó là lúc bố mẹ có nhiều thời gian dành cho con sau một ngày dài bận rộn. Nên hiểu, đọc sách như là một hoạt động trò chơi mà bạn và bé cùng nhau chơi khi thời gian thật sự thoải mái và vui vẻ cho cả hai.
Chọn sách đúng độ tuổi cho con
- Dưới 6 tháng tuổi: Cha mẹ nên chọn những quyển sách lớn, có hình ảnh màu sắc tương phản, ít chữ.
- 7 tháng-12 tháng: Vào thời điểm này, các bé có thể lặp lại những từ mà mẹ nhấn mạnh với bé. Cha mẹ nên chọn sách có một vật hoặc một người trên một trang sách. Khi nghe bạn nói vật đó hoặc người đó, bé sẽ ghi nhận và bập bẹ nói theo. Bạn nên đọc chậm và rõ, đồng thời chỉ vào hình đó cho bé thấy hình ảnh của từ bạn đang nói. Cố gắng đọc biểu cảm, thay đổi cảm xúc khuôn mặt, tay chỉ vào hình, giọng nói lặp lại nhiều lần.
- Từ 1 tuổi-1,5 tuổi: Cha mẹ có thể chọn sách có một hoặc hai câu ngắn cho bé trong giai đoạn này. Hãy làm cho câu chuyện của bạn càng trở nên hay ho sẽ càng giúp bé học hỏi nhanh hơn. Ví dụ: Sách có hình một con vật nào đó, thì hãy giả tIếng kêu của con vật đó. Sách có hình con mèo thì bạn có thể giả kêu "meo meo" nhiều lần, chọc bé cười và bé sẽ cảm thấy nó rất thú vị. Một ngày nào đó, bạn sẽ ngạc nhiên rằng con bạn sẽ "chọc" lại bạn bằng mấy tiếng kêu ngờ nghệch như "gâu gâu", "meo meo", "ú oà''. Điều này thể hiện bé đang phát triển tư duy rất tốt.
Ngoài ra, hãy biến thời gian đọc thành cuộc chơi ngôn ngữ với bé bằng cách cho bé tham gia vào việc đọc của bạn thông qua việc hỏi bé những câu hỏi khi đọc. Ví dụ như: Con có thấy con mèo không? Nó kêu "meo meo". Bạn hãy chỉ vào hình con mèo; hoặc bạn có thể hỏi "mũi của con đâu?" và chỉ lên hình cái mũi trong sách và cả cái mũi của bé nữa.
- Từ 1,5 tuổi trở lên: Chọn những quyển sách có 1-2 câu trên 1 trang và hình ảnh to. Ở độ tuổi này, bé có thể nhận biết sách nào bé thích và đó là lý do tại sao mà bé sẽ yêu cầu bạn chỉ đọc một vài quyển sách nào đó. Đừng lo lắng và cảm thấy chán khi làm điều này, hãy đọc cho bé và hãy sáng tạo trong mỗi lần đọc để làm bé thú vị hơn. Vào cuối tuần, bạn có thể dẫn bé đến nhà sách nơi có nhiều quyển khác nhau. Bạn nên chọn khu vực sách phù hợp với độ tuổi bé và cho bé chọn.
- Từ 3 đến 6 tuổi: Trong độ tuổi này, sự tò mò và ham học hỏi là lí do khiến trẻ thích đặt nhiều câu hỏi ''Tại sao?''. Trẻ có thể quan tâm đến những cuốn sách về chủ đề thời tiết, thiên nhiên, động vật hay các vật dụng thiết bị trong nhà. Sách cũng giúp trẻ biết đến nhiều loại cảm xúc như sợ hãi, vui vẻ, buồn bã, lo lắng.
Bạn có thể chọn những cuốn sách thể hiện hành động mà bạn muốn trẻ noi gương, chẳng hạn như hòa đồng với anh chị em trong gia đình hoặc biết tự dọn dẹp đồ chơi. Trẻ thích những câu chuyện dễ học thuộc lòng, có vần điệu và những từ có giai điệu vui nhộn. Bạn nên đọc cuốn sách trước để chắc chắn rằng những cuốn sách có kết thúc rõ ràng và nội dung hướng đến những điều hạnh phúc.