Con công nhân nhập cư gửi ở đâu nếu không phải trường tư giá rẻ?

30/11/2017 - 07:15
Việc 3 bảo mẫu tại trường mầm non tư thực Mầm Xanh (HT05, khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) đánh đập, hành hạ các bé 2-5 tuổi khiến nhiều người phẫn nộ, đòi hỏi pháp luật phải xử lý nghiêm khắc.
Qua vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, Chính quyền TPHCM đã ngay lập tức có những phản ứng quyết liệt, trong đó có việc tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở mầm non ngoài công lập. Có một vấn đề đặt ra là, nếu đóng cửa tất cả các cơ sở sai phạm thì con công nhân sẽ gửi ở đâu khi họ không có nhiều lựa chọn?
Phạm Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở Mầm Xanh, lên làm việc với cơ quan điều tra quận 12
“Đánh liều” đem con đi gửi

Trao đổi với chúng tôi về lý do gửi con ở cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyến, quê An Giang, một công nhân may ở quận 12, chia sẻ: “Thực ra, chúng tôi cũng có nghe chuyện các cháu gửi ở những cơ sở mầm non ngoài công lập có thể gặp rủi ro, như chế độ ăn uống không đảm vệ sinh và dinh dưỡng, thậm chí là bị bạo hành, bởi giáo viên, bảo mẫu ở đó nhiều người không có chuyên môn.
Thế nhưng, không gửi ở đó thì biết gửi ở đâu? Chỗ chúng tôi không có nhà trẻ, mẫu giáo công lập dành cho con công nhân với giá rẻ, muốn vào trường công lập của phường phải có hộ khẩu mà chúng tôi toàn dân nhập cư.

Còn muốn gửi vô trường chất lượng khá một chút thì mỗi tháng phải đóng 4-5 triệu đồng, bằng cả tháng tiền lương của tôi. Công nhân nghèo lắm, nên việc gửi con đi học mẫu giáo là không có nhiều lựa chọn”.

“Chúng tôi đều là công nhân thu nhập thấp, nên dù biết những nhà trẻ tư thục tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng “đánh liều” đem con đi gửi. Không ai ngờ rằng, các cô ấy hằng ngày vẫn niềm nở đón chào nhưng lại đánh đập, hành hạ con mình như vậy”, anh Nguyễn Văn Tuấn, một phụ huynh có con học ở cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh, chia sẻ…

Xin nghỉ để giám sát an toàn cho con đâu dễ!

Khi nghe tin các cháu ở cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh tại quận 12 bị hành hạ man rợ, chị Thu Nga, công nhân tại KCN Tân Bình (quận Tân Phú), cũng như nhiều công nhân có con nhỏ đang gửi tại các cơ sở mầm non ngoài công lập vô cùng lo lắng.
Nhiều phụ huynh và người dân tập trung khá đông trước cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh với thái độ bức xúc

Chị Nga cho biết, sáng 28/11, hàng chục nữ công nhân tại nhà máy của chị đã thảo luận, tìm giải pháp “theo dõi” con ở trường. Vì hầu hết các trường này đều không có camera, hoặc có cũng không thể truy cập được, nên một số người “đề xuất” xin nghỉ nửa buổi để đến “kiểm tra đột xuất”. 

Nếu thấy có biểu hiện bất thường thì lập tức báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Mặc dù vậy, đa số các mẹ cho rằng, cách này không dễ thực hiện, bởi nội quy làm việc của công ty rất ngặt nghèo, lo cho con quá mà ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất cũng dễ mất việc như chơi!

Một số người khác cho biết, họ sẽ chú ý hơn tới thái độ của con khi đưa trẻ đi học. Nếu con vui vẻ khi gặp cô thì mình an tâm, còn con thấy cô mà tỏ vẻ sợ hãi thì phải tính tới phương án chuyển trường.

“Thật ra, chuyển trường cũng chỉ là “liệu pháp tâm lý” thôi, chứ tôi nghĩ rằng cơ sở tư nhân, nhất là tự phát, nếu may mắn gặp người “có tâm” thì con được nhờ”, chị Thanh Thúy, công nhân công ty Freetrand (Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức) chia sẻ.

“Cung” không đáp ứng “cầu”

Chúng tôi đã có dịp đến thăm trường mầm non Hoa Đào, quận Thủ Đức. Đây là một trong số không nhiều trường mầm non dành cho con công nhân mà thành phố đầu tư từ vốn ngân sách, đã được đưa vào sử dụng trong thời gian qua. Trường khang trang, cô giáo hiền hòa, các cháu sạch sẽ, ngoan ngoãn…
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyến cho biết, vì các phụ huynh đều là công nhân lao động nghèo nên việc phải gửi con vào những cơ sở mầm non tư thục như Mầm Xanh gần như là lựa chọn duy nhất

Thế nhưng, không nhiều người có may mắn được gửi con ở đây. Bởi trường chỉ có “công suất” nhận khoảng 400-500 cháu nhưng một nửa trong số đó là dành cho con các gia đình có hộ khẩu tại địa phương, trong khi số gia đình công nhân có con nhỏ trên địa bàn phải lên tới cả chục ngàn!

Số liệu thống kê cho thấy, cả TPHCM hiện có hơn 1 triệu công nhân lao động, đa phần là người nhập cư. Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đã có hơn 250.000 công nhân lao động, ít nhất cũng có 40.000-50.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Trong khi đó, thành phố đang triển khai 22 dự án nhà trẻ dành riêng cho con công nhân (đến năm 2020), tối đa giữ được 11.000 trẻ. Có nghĩa, “cầu” đang vượt rất xa so với “cung”!

Còn quận 12, nơi có cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh, có 53 trường mầm non, 257 nhóm lớp ngoài công lập đang nhận giữ 2.937 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và 20.527 trẻ mẫu giáo. Trên toàn thành phố, theo thống kê của Sở GDĐT TPHCM, hiện có 1.100 trường mầm non công và ngoài công lập, hơn 1.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục.

Trong đó có hơn 3.000 nhóm nhà trẻ và hơn 10.000 lớp mẫu giáo. Không thể phủ nhận việc phát triển hệ thống trường, lớp mầm non ngoài công lập đã phần nào đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhiều gia đình, trong đó có lao động nhập cư.

Tuy nhiên, do tồn tại nhiều “lỗ hổng” trong quá trình cấp phép và quản lý, nên chất lượng của nhiều trường, lớp mầm non ngoài công lập luôn tồn tại nhiều vấn đề bất ổn – bao gồm cả tình trạng bạo hành trẻ.

Sau vụ việc bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm Xanh bị phát giác, UBND TPHCM đã lên kế hoạch tổng kiểm tra các cơ sở mầm non ngoài công lập, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Nếu đóng cửa tất cả các cơ sở sai phạm thì con công nhân sẽ gửi ở đâu?

Một số phụ huynh cho biết sẽ đưa con đi “gửi nhờ” ở các cơ sở khác. Tuy nhiên đây chỉ là “giải pháp tình thế”. Bởi có trường thì quá đông học trò, ít giáo viên, trường lại có mức học phí quá cao…

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, không thể quản lý theo kiểu “phát hiện bảo mẫu bạo hành rồi đóng cửa nhà trẻ” như cách làm bấy lâu nay.

Nếu không sớm phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân đủ khả năng đáp ứng nhu cầu, đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý, chặt chẽ hơn trong khâu cấp phép mở nhà trẻ, mẫu giáo ngoài công lập theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, thì phần lớn công nhân lao động và người nhập cư vẫn cứ phải quay quắt với bài toán khó là “gửi con ở đâu?”. Còn những đứa trẻ vẫn phải đối diện với nguy cơ thiếu an toàn ngay trong môi trường học đường.

Ngày 28/11/2017, Đại tá Đoàn Văn Phúc, Trưởng Công an quận 12, TPHCM, cho biết: Công an quận 12 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Thị Mỹ Linh để điều tra về tội Hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự. Các quyết định nói trên đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Trước đó, chiều 26/11, một đoạn clip khoảng 6 phút được đăng tải ghi lại cảnh 3 bảo mẫu tại trường mầm non tư thực Mầm Xanh dùng nhiều dụng cụ như nắp vung, bình nhựa hoặc chổi lau nhà… đánh đập vào đầu, vào người các bé, mặc cho các em ôm đầu khóc lóc sợ hãi.

Ba bảo mẫu đó là  Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi), chủ trường cùng Phạm Như Quỳnh và Đào (quê ở Cà Mau và Đồng Tháp). Tại cơ quan điều tra, bước đầu, bà Linh đã thừa nhận toàn bộ hành vi đánh đập, dùng chổi, bình nhựa, dao, chảo để đe dọa, đánh đập các bé. Cũng theo lời khai của Linh, 2 bảo mẫu Quỳnh và Đào không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề dạy dỗ, chăm sóc trẻ mầm non.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia đình, hành vi của các bảo mẫu trên có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự. Về khung hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Trường hợp hành hạ người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm