pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con gái 2 tuổi mọc nhiều lông, mẹ đưa đi khám dậy thì bất ngờ phát hiện bệnh lạ
Con bị chứng rậm lông, mẹ nghĩ bình thường
Chị Tuyết Loan (ở Hà Nội) vừa chia sẻ câu chuyện về chứng rậm lông của con gái hiện 3 tuổi lên trang cá nhân, mong những người đọc được đúc rút ra bài học trong quá trình nuôi con nhỏ. Người mẹ trẻ kể, con gái chị lúc mới sinh có làn da trắng trẻo, nhẵn nhụi. Sau sinh, chị có làm xét nghiệm máu gót chân cho con xem có vấn đề về nội tiết hay không thì cho kết quả bình thường.
Đến khi bé 2 tuổi, con gái chị Loan kén ăn, cân nặng dưới chuẩn và thường bị nôn trớ khi ăn dặm, uống sữa. Khi đi khám tiêu hóa, bác sĩ kết luận bé rối loạn tiêu hóa, điều trị bằng thuốc và đã khỏi bệnh.
Một lần tắm cho con, chị Loan thấy lưng bé có nhiều lông, nhưng nghĩ chuyện này cũng bình thường, nhiều bé mới sinh ra lông cũng nhiều và sẽ tự rụng. “Sau đó, tôi sinh con thứ hai, phải kiêng cữ và chăm bé nhỏ nên không thường xuyên tắm cho con nữa”, chị Loan nhớ lại.
Phần lưng của con gái chị Loan lông mọc nhiều. Ảnh: NVCC.
Khi mùa hè đến, thời tiết Hà Nội trở nên nóng nực, con gái chị Loan phải thường xuyên mặc quần ngắn, áo cộc tay. Lúc này, để ý vai con gái có nhiều lông đen và dài, chị tưởng con dậy thì sớm nên rấtlo lắng. Khi tìm đọc các thông tin trên các mạng xã hội, thấy nhiều người nói trẻ rậm lông là đang bị bệnh, chị càng hoang mang. Chị cùng chồng đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám về nội tiết, xem con có bị dậy thì sớm không.
Bác sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Khoa Nội tiết Nhi là người trực tiếp khám cho con gái chị Loan. Khi được bác sĩ hỏi các thông tin về con, chị Loan cho biết, từ bé đến lớn, con gái chị ít ốm vặt nên ít phải dùng thuốc. Hơn nữa, chị cũng khá cẩn thận, mỗi lần con bị sổ mũi, viêm họng, ho là đưa đi khám, uống thuốc theo toa do bác sĩ kê, không tự mua thuốc theo triệu chứng. “Tôi chỉ tự mua nước muối sinh lý và vitamin D dùng cho con”, chị Loan nói.
Sau khi loại bỏ các dấu hiệu của bệnh dậy thì sớm ở trẻ, bác sĩ Thảo nghi ngờ bệnh nhi bị rậm lông là do u tuyến yên hoặc suy vỏ thượng thận nên chỉ định siêu âm ổ bụng và xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy, bệnh nhi có chỉ số ACTH (là một hormone được tiết ra bởi thùy trước tuyến yên, có nhiệm vụ kích thích vỏ thượng thận bài tiết glucocorticoid, đặc biệt là cortisol) thấp hơn bình thường.
Bác sĩ Thảo kết luận, chứng rậm lông của bé là do ACTH thấp gây nên. Nguyên nhân của tình trạng này do u tuyến yên, suy vỏ thượng thận, quá liều corticoid, bị bẩm sinh… Bác sĩ Thảo khuyến cáo, chị Loan không được tự ý dùng thuốc cho con và hẹn tái khám sau 3 tháng sau.
Bé gái 4 tháng tuổi ở Nghệ An cũng bị chứng rậm lông do dùng corticoid quá liều như con gái chị Loan. Ảnh: BSCC.
Hối hận vì cho con dùng thuốc quá liều corticoid
Mới đây, vợ chồng chị Loan đưa con đi tái khám. Sau khi nghe tim phổi, xem các loại thuốc bé dùng trong 3 tháng qua và các triệu chứng biểu hiện ra ngoài, bác sĩ Thảo kết luận, bệnh của con gái chị Loan đã bình thường. “Bây giờ, con không còn có dấu hiệu mọc lông rõ rệt nữa. Da con đã hồng tươi, không còn sạm, mặt không tròn căng nữa. Con cũng đã lên cân bình thường rồi”, chị Loan hạnh phúc chia sẻ.
Người mẹ hai con cho rằng, chị chia sẻ câu chuyện của con mình là mong những người mẹ khác khi thấy con có dấu hiệu bất thường, dù là nhỏ nhất cũng nên đưa đi khám, khám càng sớm càng tốt cho con, đừng nên chủ quan. “Con đi khám, nếu không sao thì mừng. Còn nếu không may con bị bệnh, biết sớm, việc chữa trị sẽ đơn giản hơn. Đặc biệt, các mẹ đừng nên tự ý mua thuốc cho con, tất cả hãy nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ. Về con gái tôi, có thể do tôi dùng thuốc quá liều corticoid (trong thuốc nhỏ mũi) nên con mới bị như vậy. Tôi đã rất hối hận”, chị Loan chia sẻ.
Từng điều trị cho bé gái 4 tháng tuổi bị bệnh tương tự con gái chị Loan, BS.CKII Nguyễn Chí Sỹ, Trưởng Khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết, chứng rậm lông ở trẻ còn gọi là hội chứng Cushing. Trẻ bị chứng này sẽ có các triệu chứng điển hình như: tăng cân, mặt tròn, béo trung tâm, rậm lông, da mỏng, rạn da, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng, tăng đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn tâm thần, chậm phát triển chiều cao ...
Theo các bác sĩ, hầu hết trẻ bị rậm lông là do ba mẹ dùng thuốc có thành phần corticoid cho con. (Ảnh minh họa)
Chứng rậm lông ở trẻ thường do corticoid gây nên. Corticoid là một hormone do tuyến thượng thận tiết ra, có tác dụng điều hòa chuyển hóa đường trong cơ thể và chống lại các stress.
Theo y khoa, corticoid là 1 chất kháng viêm mạnh, thường có trong thành phần của nhiều loại thuốc điều trị các bệnh lí của nhiều chuyên khoa như: thuốc nhỏ, xịt trong tai mũi họng, thuốc bôi trong da liễu, thuốc uống chống viêm trong nhiều bệnh lý và các thuốc không có nguồn gốc rõ ràng với quảng cáo giúp trẻ ăn ngon, tăng cân.
Bác sĩ Sỹ khuyến cáo, cha mẹ không nên tự ý sử dụng những thuốc có chứa thành phần các dấu hiệu dậy thì sớm trên người cho trẻ, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Bởi, trẻ sử dụng các chế phẩm corticoid liều cao, kéo dài không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dễ mắc các bệnh: đái tháo đường, tăng mỡ máu, loãng xương, chậm phát triển, suy thượng thận có khả năng tử vong nếu không xử lý kịp thời.
* Tên người mẹ đã thay đổi.