Con gái biếu 10 triệu, bố gọi cảm ơn rồi ôm mặt khóc khi nghe giọng nói vọng lại

QUỲNH CHI (GHI)
15/10/2022 - 15:33
Con gái biếu 10 triệu, bố gọi cảm ơn rồi ôm mặt khóc khi nghe giọng nói vọng lại

Ảnh minh họa

Tôi thẫn thờ tắt máy, ôm mặt ngăn không cho nước mắt rơi.

Bà nhà tôi mất cách đây 7 năm. Lúc ấy con gái cả của tôi mới bước vào năm nhất đại học, còn con trai thì đang học cấp 2. Một mình tôi cố gắng vượt qua nỗi đau mất vợ và nuôi các con ăn học.

Con gái cả của tôi kết hôn năm ngoái, gia đình chồng nó rất có điều kiện. Ai cũng xuýt xoa con tôi chẳng khác gì “chuột sa chĩnh gạo”, tôi thì không nghĩ như vậy nhưng cũng mừng khi con tìm được người đàn ông vững chãi để trao gửi. 

Vợ chồng nó cũng bận rộn nên không mấy khi về thăm bố, tuy nhiên con tôi lúc nào cũng gọi điện hỏi han bố và em. Nhìn các con trưởng thành có cuộc sống riêng hạnh phúc, tôi rất mừng vì mình đã không phụ lòng bà nhà. 

Tôi mừng khi con tìm được người đàn ông vững chãi để trao gửi. (Ảnh minh họa)

Tuần trước tôi bị ốm phải nhập viện mấy hôm. Con gái tôi đang đi công tác, khi nó về thì tôi cũng xuất viện rồi. Con gọi điện xin lỗi bảo rằng công việc bận quá, không về thăm bố được, dặn tôi cố gắng ăn uống nghỉ ngơi để nhanh khỏe lại. Sau đó thì con chuyển cho tôi 10 triệu biếu bố. 

Tôi cũng chỉ ốm bình thường, số tiền con gửi quá lớn, tôi không muốn nhận nhưng con bảo nếu tôi mà trả lại thì nó sẽ giận. Ngẫm nghĩ mãi hôm sau tôi quyết định gọi cho con rể. Bởi vì tôi cho rằng chúng nó đã là vợ chồng, tiền nong là của chung, con tôi biếu bố số tiền lớn thế chắc hẳn đã được con rể đồng ý. Tôi cũng nên gọi điện cảm ơn con rể một câu mới phải.

- Bố cảm ơn hai vợ chồng nhé nhưng bố chỉ ốm qua qua thôi, biếu bố 10 triệu là nhiều quá. Thôi thì bố cứ để ở đây, khi nào hai đứa cần đến, bố sẽ đưa lại cho nhé. 

- À… vâng… Con đang bận chút, nói chuyện với bố sau nhé.

Đó là cuộc nói chuyện giữa tôi với con rể. Lúc đó con rể đang ở nhà, chỉ đáp lại tôi một câu rồi vội vàng kết thúc cuộc trò chuyện. Nhưng có lẽ vì vội quá nên con rể quên ngắt máy, tôi nghe được cuộc đối thoại của vợ chồng con gái vọng lại mà sững sờ:

- Cô ra đây ngay, cô giỏi lắm, gửi cho bố đẻ hẳn 10 triệu cơ đấy. Cô lấy đâu ra từng đó tiền, cô bòn rút từ tiền chợ tôi đưa cho phải không? Đúng là nhà tôi nuôi ong tay áo, cô được gả về đây nở mày nở mặt, ở nhà lầu đi xe hơi mà còn không biết điều, còn ăn cây táo rào cây sung!

- Anh ăn nói cho cẩn thận nhé, tôi cũng đi làm có lương không phải ở nhà ngửa tay xin tiền anh. Tiền chợ mỗi tháng anh đưa 6 triệu thì bòn rút vào đâu được nữa? Tôi vẫn phải góp thêm mới đủ chi tiêu cho cả nhà đấy thôi. 

Tôi đi công tác về, anh bảo bố xuất viện khỏe rồi không cần phải đến thăm nữa. Tôi cũng cắn răng nghe theo anh cho yên cửa yên nhà, bây giờ tôi gửi biếu bố bằng tiền tôi làm ra mà anh cũng hằn học còn đổ oan cho tôi. 

- Được, cô giỏi lắm. Đã vậy từ tháng sau tôi chỉ đưa 4 triệu tiền chợ. Để xem cô còn bòn rút kiểu gì!

- Nhà 4 người lớn, bố mẹ với anh và tôi, một tháng anh có biết chi tiêu hết bao nhiêu không mà anh nói cái giọng đó! Tháng nào cũng hết 10 - 12 triệu, bố mẹ ăn uống kĩ tính, anh đưa 6 triệu tôi bù vào thêm 6 triệu nữa mới đủ đấy!

- Tôi mặc kệ cô muốn chi tiêu sao thì chi tiêu, tôi chỉ đưa từng ấy tiền thôi. Không chịu được thì ly hôn!

Sau câu nói đó của con rể, con gái tôi im lặng không đáp lời nữa. Tôi thẫn thờ tắt máy, bụm mặt ngăn không cho nước mắt rơi. Cả đêm không ngủ được, trong đầu tôi luôn văng vẳng những lời con gái và con rể nói. Càng nghĩ mà tôi càng thương con gái đến quặn lòng. 

Nhìn thái độ của con gái, tôi biết nó cũng chán người chồng và cuộc hôn nhân ấy lắm rồi. (Ảnh minh họa)

Không ngờ được đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy con rể lại đối xử với vợ như vậy. Nhà lầu xe hơi, công việc tốt lương cao mà tính toán chi li với vợ từng đồng, còn vô lý quá đáng không quan tâm đến thực tế chi tiêu. Con gái tôi cũng đi làm, biếu bố tiền thì bị chồng quy cho tội bòn rút tiền nhà anh ta. 

Nhìn thái độ của con gái, tôi biết nó cũng chán người chồng và cuộc hôn nhân ấy lắm rồi nhưng vẫn không muốn ly hôn. Tôi đoán là vì không muốn bố phải suy nghĩ, gia đình bị bàn tán chỉ trỏ. Nhưng mấy lời đàm tiếu ấy làm sao quan trọng bằng việc con bé có được hạnh phúc hay không. Tôi có nên nói chuyện nghiêm túc với con, khuyên con không sống được thì ly dị không?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm