Bà Tiêu năm nay đã ngoài 80 tuổi. Bà có 3 người con, 2 con trai và 1 con gái. Cuộc sống của bà trước đây vốn do hai con trai luân phiên chăm sóc. Do tuổi cao sức yếu, bà không thể làm nông, nên cho người khác thuê đất của mình để canh tác. Tiền thuê đất thu được bà gửi cho con trai thứ hai, từ đó bà cũng ăn ở cùng gia đình con trai thứ hai. Con cả và con gái không tham gia phụng dưỡng.
Năm 2018, bà Tiêu đã kiện ba người con của mình ra tòa, yêu cầu mỗi người phải trả trợ cấp sinh hoạt hàng tháng 500 tệ (khoảng 175 nghìn đồng). Tòa án sau khi xem xét mức yêu cầu của bà Tiêu, kết hợp với mức sinh hoạt phí chung ở khu vực đưa ra phán quyết: Mỗi người con phải trợ cấp cho mẹ 300 tệ hàng tháng (khoảng 105 nghìn đồng), ngoài ra chi phí y tế của bà Tiêu nếu phát sinh trong tương lai sẽ chia đều cho ba người.
Sau khi phán quyết của quan tòa có hiệu lực, con gái của bà Tiêu là cô Thạch không chấp hành nghĩa vụ cấp dưỡng cho mẹ. Tòa án đã nhiều lần cho triệu tập nhưng người phụ nữ này không đến. Thẩm phán đã cử người đến nhà điều tra nhưng nhà cô này luôn đóng kín cửa.
Đầu tháng 6/2019, nhân viên tòa án đã đột kích cô Thạch tại nhà. Người phụ nữ này ban đầu khóc lóc kể hoàn cảnh khó khăn không thể cấp dưỡng cho mẹ. Nhân viên tòa án khuyên nhủ nhiều lần cũng không có tác dụng. Khi nhân viên nhắc đến từ “bắt giữ” nếu không thực hiện nghĩa vụ và gian dối về kê khai tài sản, cô Thạch mới thay đổi thái độ một chút, vẫn khóc lóc và mở ngăn kéo chứng minh chỉ có vài trăm tệ, xin thêm hai ngày để gom tiền. Nhân viên tòa án cho rằng người phụ nữ này vẫn đang nói dối, gọi đồng nghiệp tiến hành đưa đương sự về tòa án. Lúc này cô Thạch mới hoang mang nói: “Hay là để tôi nộp một phần, phần còn lại tôi sẽ nghĩ cách.”
Người phụ nữ đi vào bếp, mở tủ đá và lấy ra một cục tiền: “Đây là 5000 tệ, phần còn lại tôi sẽ gom trong hai ngày”. Thì ra sau khi nhận được thông báo về nghĩa vụ cấp dưỡng từ tòa án, cô Thạch biết sớm muộn cũng có ngày nhân viên tòa án tới nhà, cũng nghe nói về chuyện sẽ bị điều tra thống kê tài sản, người phụ nữ này đã đem tiền giấu vào “nơi an toàn” trong nhà là tủ đá.
Nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, nhân viên tòa án vô cùng bất ngờ, sau đó đã tiến hành giáo huấn về hành vi gian dối của cô Thạch. Người phụ nữ này cũng tỏ ra hối lỗi vì đã không chấp hành nghĩa vụ cấp dưỡng cho mẹ và nói dối về tài sản sở hữu.
Hiện câu chuyện đang được dư luận vô cùng quan tâm. Đa số đều chỉ trích hành vi của người phụ nữ là bất hiếu, vô ơn với đấng sinh thành.