Sách gối đầu giường của mẹ đa phần là sách về tuổi teen: Làm bạn với con tuổi teen dễ ợt, Cuộc chiến với con tuổi teen, Cùng con đi qua tuổi teen… Không thể phủ nhận, mẹ đọc sách nhiều nên khá tâm lý với con. Bằng chứng là mẹ ít chửi mắng con hơn các bà mẹ khác. Mẹ cũng không cấm con chơi thể thao trong những thời điểm thi cử quan trọng, cần phải tập trung tối đa cho việc học. Thỉnh thoảng, vào dịp cuối tuần, mẹ cũng cho con về nhà cũ để chơi với bạn bè. Con rất biết ơn mẹ vì điều đó.
Đi họp phụ huynh, thấy các bà mẹ khác cho con đi học thêm tối ngày, mẹ thường khuyên họ giảm áp lực học tập cho con. Mẹ chia sẻ kinh nghiệm, cần cho con một khoảng thời gian trống trong ngày để con chơi thể thao, nghe nhạc hoặc làm bất kỳ điều gì con thích để con được thư giãn. Có như vậy con sẽ không bị stress, mệt mỏi. Mẹ cũng khuyên vài phụ huynh đừng tạo áp lực học tập cho con, hãy chọn trường cho con thi đúng với khả năng của con. Đừng bắt con thi trường cao hơn để con cố quá mà quá sức… Ai cũng trầm trồ khen mẹ như chuyên gia tâm lý mới có thể am hiểu tuổi teen như vậy.
Thế nhưng, không ít lần con thấy mẹ “nói một đằng, làm một nẻo”. Mẹ luôn nói không quan trọng điểm số mà quan trọng là con đã cố gắng hết sức chưa. Vậy mà, mẹ đã làm ngược lại khi nhận điểm thi học kỳ của con. Khi biết con chỉ được 8 điểm Toán, Lý và tiếng Anh, mẹ đã “gào lên” là “ Sao điểm thấp thế, sao không phải là 9, 10. Sao mẹ đầu tư bao nhiêu tiền học thêm giáo viên giỏi mà chỉ được điểm khá thế này. Điểm số này thì ở nhà đi, đừng đi học nữa, tốn tiền bố mẹ…”.
Chưa hết, thỉnh thoảng chở con đi học thêm, mẹ lại dài giọng kể lể: Mưa gió rét thế này mẹ vẫn phải đưa đón con đi học, mẹ vất vả vì con thế nào con có biết không. Thế mà điểm của con chỉ được 8 thì công sức của mẹ đổ hết xuống sông xuống bể à?...
Mẹ luôn nghĩ, cứ học thêm giáo viên giỏi thì đương nhiên con sẽ học giỏi, sẽ phải đạt điểm 9, điểm 10. Với kiến thức nhiều và nặng như lớp 9, số điểm ấy đâu dễ dàng. Hơn nữa, con đâu chỉ học 3 môn đó mà phải học tất cả hơn chục môn. Mẹ không bao giờ nhìn thấy sự nỗ lực của con mà chỉ nghĩ đến đồng tiền, công sức mình bỏ ra thì kết quả phải nhận được tương xứng. Suy nghĩ ấy có thể đúng với nhiều việc nhưng với việc học thì chưa chắc. Kết quả còn phụ thuộc vào khả năng, sự tiếp nhận kiến thức của học sinh là chính.
Mẹ cũng nói với các phụ huynh hãy chọn trường đúng với khả năng, lực học của con chứ đừng bắt con “với cao để rồi ngã đau”. Thế nhưng, với con mình, mẹ “nói một đằng, làm một nẻo”. Mẹ ép con thi vào trường chuyên bằng được dù con biết rõ con chỉ học khá, chứ không học giỏi, không có niềm đam mê với môn Lý. Thế nên, dù mẹ có tìm cho con thầy giáo ôn thi chuyên có tiếng thì con cũng không thể thêm động lực hay niềm khát khao học Lý. Học cùng các bạn giỏi thực sự, con thấy mình đuối và cứ phải cố, cố mãi. Nhưng đến giờ con thấy mệt mỏi thực sự. Chia sẻ với mẹ, mẹ lại ép con phải nỗ lực hơn.
Giá như mẹ đừng “nói một đằng, làm một nẻo” thì con thấy dễ chịu hơn. Đôi khi, con nghĩ, mẹ cứ như ông bố, bà mẹ khác, cứ quát mắng, ép buộc con, như thế con sẽ thấy ức chế nhưng không mất niềm tin thế này.