Còn nặng định kiến: Phụ nữ bị quấy rối tình dục là do ăn mặc gợi cảm

28/11/2018 - 15:19
Vấn nạn quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng vẫn liên tiếp xảy ra. Không ít ý kiến cho rằng đây là một loại “văn hóa” ở Việt Nam. Còn nạn nhân thì vẫn phải nhận những chỉ trích, lên án, bị đổ lỗi.

Bị mẹ trách, cấm không cho mua váy áo

Cách đây không lâu, trên tuyến xe bus số 32 đi về phía Nhổn (Hà Nội), Hoàng T. M. (16 tuổi) - một học sinh THPT ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm đã bị một người giở trò quấy rối. Khi ấy là chiều, không phải giờ cao điểm, trên xe còn khá nhiều ghế trống nhưng khi xe ghé vào bến gần phía trường THPT Minh Khai thì người đàn ông đó đi lên.

Ông ta ngồi ghế cạnh M. Mỗi lần dựa thế xe lắc lư, người đàn ông lại nhích vào cố ý cọ sát vào đùi, vào vai M. Cô gái đã cố né, nhưng vào đúng lúc xe phanh gấp, người đàn ông này đã sàm sỡ lên ngực M. và không buông tay. Cô gái cố gắng kêu, gạt tay ông ta ra. 2 người khách phát hiện chuyện bất thường, ngoái nhìn lại. Người đàn ông kia buông tay khỏi ngực M. và gằn giọng với họ: “Nhìn gì?”.

Gặp thái độ này, 2 người khách kia lẳng lặng quay đi, không nói gì. Vì sợ hãi, M. đã đứng vội lên, đi về cửa xe và nhanh chóng xuống ngay ở bến gần nhất...

1d.jpg
Tình trạng phụ nữ, trẻ em gái bị quấy rối trên xe bus được cho là "không hiếm gặp"

Khi M. về nhà, nói lại chuyện này với mẹ. Phản ứng đầu tiên của mẹ là nhìn con gái rồi trách tại sao đi học lại chọn mặc áo màu trắng, quá mỏng, lộ hết cả ra thì khác gì “mơi mơi” người khác. Mẹ lại còn quàng luôn sang chuyện trách cô mới tí tuổi đã đua đòi trang điểm, ăn diện. Sau đó, mẹ cấm luôn cả việc mua sắm áo sát nách và váy… Thậm chí, ngay cả lịch được ra ngoài chơi vào buổi tối cuối tuần cũng bị mẹ mang ra đe dọa, hạn chế.

Mang nỗi ấm ức này kể với đám bạn thân ở lớp, M. lại nghe có bạn bảo: “Ai bảo ngực mày nở nang, ngon lành quá cơ”. Có bạn trai còn nói tại nhìn M. có vẻ sexy… Chia sẻ câu chuyện của mình trong hội thảo về chủ đề thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái tại Hà Nội, M. đã từng đặt câu hỏi: “Em vẫn không thể hiểu được tại sao mình là người bị sàm sỡ, bị gây sợ hãi, bị mất an toàn nhưng lại bị mọi người lên án là lỗi tại phía bản thân mình?”.

1a.jpg
Nữ sinh THPT tại Hà Nội phản ánh về tình trạng phụ nữ và trẻ em gái thiếu an toàn ở nơi công cộng 

Trong cuộc tọa đàm "Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc - Nhận diện và ứng phó" (tháng 11/2018) tại Hà Nội, có những ý kiến cho rằng hiện nay vẫn còn tình trạng “đổ lỗi cho nạn nhân” với lý do khá phổ biến đó là việc nạn nhân ăn mặc gợi cảm. Song cần phải khẳng định rằng: Trong một phạm vi riêng tư nhất định, phụ nữ cũng như bất cứ ai thậm chí có quyền lựa chọn không mặc gì và điều đó không thể là nguyên nhân cho hành vi quấy rối tình dục từ người khác. Pháp luật các nước trên thế giới đều có chung nguyên tắc: Mỗi cá nhân đủ năng lực hành vi phải chịu trách nhiệm về chính hành vi của mình và phụ nữ/trẻ em gái không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi của người khác và Việt Nam cũng cần phải có cái nhìn thẳng thắn hơn và khẳng định hành vi quấy rối tình dục luôn đến và chủ động xuất phát từ chính người có hành vi quấy rối…

Tiếp nhận là tiếp tay

Trước đó (tháng 10/2018), tại Hà Nội, trong hội thảo những vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực giới và quấy rối tình dục diễn ra tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, cũng đã có những đại biểu cho rằng: Nạn quấy rối tình dục hiện khá phổ biến tại trường học, công sở, nơi công cộng (xe bus, công viên...).

Đàn ông nói riêng và nhiều người Việt nói chung thường không nghĩ những hành vi lấy cơ thể phụ nữ ra để đùa cợt, tán tỉnh, ôm eo, nắm tay, sờ mông, sàm sỡ… phụ nữ là quấy rối mà thường nghĩ đó là hành vi trêu đùa theo kiểu (văn hóa của người Việt) "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu". Thậm chí, nhiều người vẫn còn cho rằng đáng lẽ phụ nữ phải nên tự hào về việc đó vì chứng tỏ, khi “được quấy rối” tức là người phụ nữ ấy có sức hút, đẹp, hấp dẫn, có sức hút…

 

1b.jpg
Những ý kiến bức xúc tại Học viện Phụ nữ Việt Nam xoay quanh quan niệm "khó giải quyết" về tình trạng quấy rối tình dục ở Việt Nam

Tuy nhiên, điều mà hiện vẫn còn ít người đề cập đến đó là cần phải dựa trên căn cứ của “đùa” và “quấy rối” chính là thái độ của người tiếp nhận. Nếu không thích, không đồng ý, khó chịu, lảng tránh, bối rối hoặc thẳng thừng từ chối… thì hành vi “quấy rối” cần bắt buộc dừng lại, phải bị lên án và phải thừa nhận đó là hành vi sai trái… Chính vì thế, đã có những nghiên cứu ở Việt Nam chỉ ra rất ít nạn nhân bị quấy rối tình dục lên tiếng. Họ sợ mình không phải là người biết giao tiếp thân thiện, họ sợ bị phán xét, bị tấn công ngược, họ xấu hổ, sợ không có ai bảo vệ mình…

sexual-harassment-2.jpg

Ở nhiều quốc gia như Đức, Úc, Mỹ… vấn đề này được  quy định vào luật cụ thể. Tất cả những hành vi khiến nạn nhân bối rối khó chịu như cố tình tiếp cận, nhìn chằm chặp, bình luận về cơ thể, huýt sáo gây chú ý, gửi email, tin nhắn gợi ý… đều bị coi là quấy rối tình dục. Còn đụng chạm vào cơ thể mà không được sự tiếp nhận/cho phép có thể coi là tội phạm tình dục.

Theo ActionAid Việt Nam khi thực hiện cuộc khảo sát “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” trước đó với 2.046 người ở hai địa bàn TPHCM và Hà Nội cũng cho thấy: Có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái được hỏi cho rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và có mối tương quan giữa thực trạng không an toàn của phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng với vấn đề bất bình đẳng/phân biệt đối xử giới hiện nay trong gia đình ở Việt Nam.

Có những ông bà, cha mẹ vẫn còn giữ tư tưởng trọng nam khinh nữ, chưa chú trọng việc giáo dục trẻ em trai về giới và cách hành xử tôn trọng người khác giới… Với các trẻ em gái, thay vì giúp em hiểu được quyền của mình, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho con tự bảo vệ thì bố mẹ lại cho rằng con gái là đối tượng yếu thế, nam giới muốn làm gì cũng được, đã là con gái khi ra đường là bị nguy hiểm rồi. Nhiều gia đình vẫn cho rằng con gái thì không nên đi ra ngoài nhiều. Con gái sao ăn mặc hở hang thế, con gái sao phải đi làm...

Những quan niệm này đã kìm kẹp các em, hạ thấp giá trị của người phụ nữ và dẫn đến việc quy kết, đổ lỗi cho nạn nhân khi họ không may bị quấy rối, lạm dụng hoặc cưỡng bức.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm