Con quay giải trí spinner nguy hại thế nào mà trường học Mỹ phải cấm

18/05/2017 - 19:15
Spinner là loại đồ chơi cầm tay dạng con quay với bộ phận chính là ổ bi, có nhiều hình dạng và chất liệu khác nhau – có thể bằng đồng, nhựa, sinlicon, có từ 2-6 cánh quay. Nó còn được biết tới với tên gọi “con quay xả stress” hoặc “con quay giải trí”.

Mới xuất hiện tại Mỹ trong năm 2016, nhưng spinner đã nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” ở nhiều nước.
Tại Việt Nam, món đồ chơi này đã xuất hiện và được bán với giá trung bình từ 40.000-300.000 đồng/chiếc hoặc đắt hơn.

2.jpg
Spinner là loại đồ chơi cầm tay, hiện đã hiện diện tại Việt Nam

Một số người buôn bán spinner cho biết, khách hàng chính của họ là học sinh, sinh viên. Không chỉ bán trên mạng hay một số cửa hàng đồ chơi, mà hiện giờ có nhiều loại spinner giá rẻ được bày bán nhiều bởi những người bán hàng rong gần các trường học.

Spinner có thể phân chia ra từng “đẳng cấp” căn cứ theo thời gian quay. Hàng chất lượng thấp, giá rẻ thường có thời gian quay trên tay trên dưới 1 phút, hàng tầm trung có thời gian quay từ 3 đến 4 phút còn các loại cao cấp với vòng bi được gia công tinh xảo có thể quay trên 5 phút.

maxresdefault.jpg
Có rất nhiều mẫu mã spinner, sản phẩm tại Việt Nam chủ yếu có xuất xứ Trung Quốc

Một số loại spinner đang được người mua ưa thích hiện nay dựa trên các chủ đề như UFO, siêu anh hùng, loại gắn bảo thạch...

“Sản phẩm này có khá nhiều công dụng, vừa có thể giải tỏa stress, vừa giúp người dùng bỏ được những thói quen xấu. Khi sử dụng sản phẩm này, người chơi có thể bỏ được thói quen cắn móng tay, xoay bút, thậm chí hút thuốc, giúp nhiều người lấy lại bình tĩnh, giảm stress”, đó là một trong những nội dung quảng cáo đang lan truyền trên mạng xã hội và một số shop đồ chơi online.

Cũng đã xuất hiện một số “hội Fidget Spinner” với cả hàng nghìn thành viên, để thi thố xem ai có thể xoay Fidget Spinner lâu hơn, hay chồng được nhiều Fidget Spinner đang xoay trên cùng một trục hơn. Cũng đã có một số trẻ cất công sưu tầm các loại spinner, giống như trước đây đã từng sưu tầm các loại yoyo – món đồ chơi từng mê hoặc và “gây nghiện” ở nhiều trẻ em Việt Nam.

5.jpg
Spinner đang dần trở thành "cơn sốt" trong giới học sinh, sinh viên

Spinner ban đầu lan truyền trong giới trẻ, đặc biệt là cộng đồng những người hút vape (một dạng thuốc lá điện tử) tại Mỹ. Từ giữa năm ngoái, spinner bắt đầu được sản xuất tại Trung Quốc với số lượng rất lớn.

Mặc dù được quảng cáo là thứ có thể giúp người chơi tập trung, kích thích học tập, nhưng nhiều nhà khoa học đã chứng minh cho thấy điều ngược lại. Đặc biệt với trẻ em, khi spinner có thể mang lại khả năng “tập trung tuyệt đối”, nhưng lại là sự tập trung vào việc nhìn những vòng quay của chiếc spinner hàng giờ liên tục, quên hết mọi chuyện xung quanh.

Nhà tâm lý học lâm sàng Mark Rapport từ Đại học Central Florida (Mỹ) cho rằng, chưa nghiên cứu nào chỉ ra spinner cải thiện chứng tự kỷ hay tăng động. Ngược lại, món đồ chơi này thậm chí mang đến nhiều rủi ro hơn là lợi ích, bởi nó khiến trẻ tự kỷ hay tăng động phân tâm khỏi thứ cần chú ý.

3.jpg
Không có bằng chứng khoa học nào ch thấy spinner có tác dụng chữa trị chứng tự kỷ hay tăng động

Trong khi trẻ em mắc chứng tự kỷ hay tăng đồng cần được hỗ trợ bằng cách giao tiếp với bố mẹ, uống thuốc và ở trong môi trường thân thiện, thì việc giao cho trẻ một chiếc spinner để trẻ chơi một mình trong thời gian dài có thể khiến cho bệnh trạng trở nên trầm trọng hơn. 

“Spinner khiến cả đứa trẻ lẫn gia đình phân tâm. Gia đình với trẻ bị rối loạn phát triển thần kinh rất dễ tổn thương và họ sẵn sàng làm mọi thứ để thay đổi hiện thực”, bác sĩ Mark Stein, Trưởng Khoa tăng động (ADHD) cùng các rối loạn liên quan tại Bệnh viện Nhi Seattle (Mỹ) nhận định.

Trong bối cảnh tác dụng sức khỏe của spinner đang gây tranh cãi, hàng loạt trường học ở Mỹ đã ra lệnh cấm món đồ chơi này bởi sự mất tập trung nó gây ra. Bên cạnh đó, trên mạng xã hội, tin tức về các vụ tai nạn do spinner gây ra cũng tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. 

4.jpg
Một số nhà khoa học cảnh báo, spinner có thể "gây nghiện" cho trẻ em, giống như đồ chơi yoyo mấy năm trước

Với những trẻ bình thường, việc “say mê” spinner thái quá cũng có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực cả về tâm lý lẫn sức khỏe. Nó có thể vừa khiến trẻ ham chơi, xao nhãng chuyện học tập, không quan tâm tới những người và sự vật xung quanh, mà còn “tạo điều kiện” để trẻ ngồi ỳ một chỗ trong thời gian dài, trở nên lười vận động. Một số nghiên cứu của giới khoa học cảnh báo, về lâu dài nó còn có thể “gây nghiện”, khiến những trẻ nhỏ có nguy cơ lúc nào cũng cầm một chiếc spinner trên tay, không làm bất cứ việc gì khác.

Với giá gốc tại Mỹ chỉ 2 USD nhưng có thể bán với giá gấp 7-8 lần, nhiều nhiều nhà kinh doanh đồ chơi coi nó như một công cụ kiếm tiền hiệu quả, đang cố gắng “thổi phồng” tác dụng của spinner nhằm đẩy lượng tiêu thụ lên cao. “Thật đáng lo ngại khi các doanh nghiệp bước vào lĩnh vực tâm thần”, bác sĩ Mark Stein bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm