Nhiều người cha dùng phương pháp "độc tài" để uốn nắn con trai tuổi teen. Ảnh minh họa internet. |
Có 2 con, 1 trai, 1 gái, vì thế với mỗi đứa con, anh Hoàng Dương (Q.Hà Đông, Hà Nội) dạy một cách khác nhau. Với con gái út, anh có thể cưng chiều “vô đối”. Con nhõng nhẽo, đòi hỏi gì anh cũng đáp ứng. Trong khi đó, với cậu con trai, anh rất nghiêm khắc, thậm chí dùng phương pháp “độc tài”.
Chỉ cần con làm trái ý, anh có thể dùng “chân tay” để dạy con. Con chơi điện thoại nhiều, anh quăng vỡ cả điện thoại. Con học hành chểnh mảng, anh quát mắng, đuổi con ra khỏi nhà. Con tủi thân khóc, anh mắng mỏ con là "đồ yếu đuối".
Anh Hoàng Dương quan niệm, con trai phải uốn như thế mới mạnh mẽ, nam tính. Cách dạy con trai của anh là “kiểm soát, khích lệ và huấn luyện con bằng cách tạo cho trẻ cảm giác xấu hổ, tội lỗi".
Anh Trần Hùng John, người Mỹ gốc Việt, tốt nghiệp ngành Tâm lý giáo dục ở Mỹ, tác giả các cuốn "John đi tìm Hùng", “Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ” cho hay, hậu quả của cách nuôi dạy con theo phương pháp độc tài là trẻ em sẽ trở nên kém tự tin, rất tự ti và dễ bị tổn thương về tâm lý và tình cảm bởi các chứng trầm cảm, lo âu và rối loạn nhân cách.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng phương pháp độc đoán cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ. Một điều tra cho thấy, việc khiến trẻ cảm thấy xấu hổ với kết quả kém (một chiến thuật phổ biến của các phụ huynh) sẽ khiến trẻ trở nên kém cỏi hơn khi thực hiện các nhiệm vụ giải quyết vấn đề được giao sau đó.
Người bố hãy đối xử với con trai theo cách mà họ từng muốn được đối xử khi còn nhỏ. Ảnh minh họa internet. |
Chính vì vậy, người bố cần thay đổi “chiến thuật” dạy con. Ngoài việc dành nhiều thời gian cho con, Trần Hùng John khuyên, người bố đừng ngại thể hiện tình yêu với con trai bằng những cái ôm, những lời thương yêu. Việc này sẽ khiến con phát triển tâm lý và tình cảm một cách lành mạnh.
Người bố hãy đối xử với con trai theo cách mà họ từng muốn được đối xử khi còn nhỏ. “Nếu bạn từng có một người cha tuyệt vời, hãy học hỏi và bắt chước cách làm cha của ông ấy. Nếu cha bạn đã không làm được những điều bạn mong muốn, đây là cơ hội để bạn trở thành một người cha tốt hơn, nhạy cảm hơn, yêu thương hơn và biết cách gắn bó với con hơn”, Trần Hùng John chia sẻ.
Việc người bố “thiết quân luật” với con là cần thiết, tuy nhiên phải dựa trên sự công bằng và yêu thương. Tất cả trẻ em đều cần sự chỉ dẫn và kỷ luật, chứ không chỉ có các hình phạt. "Hãy nhắc nhở con về hậu quả mà những hành dộng của con có thể gây ra, giúp con hiểu vấn đề. Người bố cần đưa ra kỷ luật cho con một cách bình tĩnh và công bằng để tránh các phản ứng gay gắt và hung hăng", Trần Hùng John nhấn mạnh.