Con trai cũng có quyền được khóc

17/10/2018 - 20:32
Nhiều lần, con cũng bực tức, không ít lần con tủi thân và vô số lần, con xúc động. Thế nhưng, những lúc như thế, con đều phải kìm nén cảm xúc của mình. Bởi, chỉ cần nhìn thấy con khóc, mẹ lại chế giễu: “Con trai gì mà mít ướt! Đàn ông mà khóc thì khác gì đàn bà”.
Mới đây nhất, trong một lần tranh luận với em gái, em luôn lấy điểm yếu của con ra để chê bai khiến con ức đến phát khóc. Đứng ở gần đấy, lẽ ra mẹ phải “ra chỉ thị” không cho em “lộng quyền” thì mẹ lại hùa vào với em. Ai cũng có điểm yếu và con cũng vậy. Dù mẹ và em có chễ giễu thì không vì thế mà điểm yếu của con biến mất. Con đã rất cố gắng để khắc phục điểm yếu của mình nhưng con biết rằng rất khó thay đổi.
 
Thế nên, con cũng rất buồn, rất xấu hổ trước điểm yếu ấy. Vừa giận mẹ và em, lại giận cả chính bản thân mình nên con đã khóc. Con đã len lén chạy sang phòng khác để mẹ không nhìn thấy giọt nước mắt của con. Vậy mà, nhìn thấy con, mẹ còn không “buông tha”: Chuyện cỏn con như vậy mà cũng khiến con khóc ư? Đàn ông đàn ang thì phải mạnh mẽ lên chứ. Yếu đuối như vậy thì sau này làm ăn được gì!
 
Bực nhất là mẹ cứ nói đi nói lại câu đó như thể con trai thì không có quyền được khóc. Thế nên, không ít lần con tủi thân, xúc động đều phải kìm nén cảm xúc của mình. Mẹ có biết việc cứ phải kìm nén cảm xúc sẽ khiến con ức chế không. Con thực sự muốn mẹ tôn trọng cảm xúc của con và mong mẹ dạy con hãy tôn trọng cảm xúc của mình.
20170923-022926-vi-sao-con-trai-khoc-nhieu-hon-con-gai_600x334.jpg
Ảnh minh họa

 

Những lúc cần, con có thể khóc vì nước mắt sẽ giúp con giải tỏa căng thẳng. Mẹ bắt con đè nén cảm xúc và luôn phải tỏ ra mạnh mẽ sẽ có rất nhiều hậu quả, nó khiến cảm xúc của con chai sạn dần. Chắc hẳn mẹ không muốn con chai lì trước mọi thứ, dửng dưng, trơ như khúc gỗ trước mọi chuyện trong cuộc sống. Kể cả đó là biết thể hiện cảm xúc rung động trước một cô gái con thích...
 
Cũng chính vì suy nghĩ của mẹ là con trai phải thật mạnh mẽ nên mẹ cực lực phản đối việc con thích vào bếp. Mẹ cho rằng đàn ông thì phải chơi thể thao giỏi, còn việc nấu ăn nhường hết cho con gái. Mẹ nói, là đàn ông, con phải làm việc lớn. Nếu suốt ngày chăm chăm làm món ăn nọ món ăn kia thì con mất hết vị thế, chỉ có vợ là sướng, còn người khác sẽ coi thường. Con lại không nghĩ thế mẹ à. Sự mạnh mẽ nam tính không thể hiện ở cơ bắp hay sức mạnh mà thể hiện ở việc con muốn gì, mình là ai và sẵn sàng sống đến cùng không sợ người khác phán xét.
 
Lẽ ra, mẹ nên là người hiểu con nhất, ủng hộ cho niềm đam mê, sở thích của con. Đằng này, lúc nào mẹ cũng sợ những người họ hàng, bạn bè tỏ ý lo lắng vì con “hiền như con gái”, tương lai chẳng rạng danh được. Mẹ à, con trai sống tình cảm cũng đáng tự hào lắm chứ. Có thể con sẽ không làm “ông bọ bà kia” nhưng chắc chắn con sẽ là người đàn ông hạnh phúc khi được làm những điều mình muốn, được vui vẻ, an yên trong tổ ấm của mình, có nhiều thời gian chăm sóc cho bố mẹ.
66d2c5bc-6fea-463c-970d-d4ef22afb179.jpg
Ảnh minh họa

 

 
Thế nên, mẹ hãy cho con sống đúng với bản thân mình và mẹ đừng bắt con mạnh mẽ theo cách mà mẹ muốn. Những buổi chiều đi học về, mẹ hãy để con giúp mẹ vào bếp nấu những món ăn ngon. Những ngày cuối tuần, hãy để con trổ tài với những món ăn vô cùng sáng tạo.
 
Con cảm thấy rất vui và thích thú khi nghe tiếng xuýt xoa, trầm trồ khen ngợi của mọi người và hơn hết con cảm thấy rất hạnh phúc được chăm sóc những người thương yêu, khi cả nhà sum vầy bên mâm cơm mỗi tối. Mẹ hãy chấp nhận và hãnh diện với cậu con trai yếu đuối, thỉnh thoảng có rơi nước mắt, dễ xúc động và sống tình cảm này mẹ nhé!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm