pnvnonline@phunuvietnam.vn
Con trai ngại yêu vì mẹ mắc "rối loạn tích trữ"
Ảnh minh họa
Cô Thanh Tâm thân mến!
Cháu là con trai duy nhất trong nhà nên từ bé đã được bố huấn luyện làm việc nhà. Tính cháu cũng sạch sẽ nên giá sách, bàn học, giường ngủ của cháu rất gọn gàng, ngăn nắp. Nhưng mẹ cháu thích giữ đồ nên trong nhà như một cái kho, nhất là từ khi thương mại điện tử phát triển.
Món đồ bắt mắt qua ảnh, qua quảng cáo của người bán hàng, giá lại rẻ nên mẹ cháu đặt hàng nhiều lắm. Rất nhiều món đồ mẹ cháu mua về còn chưa mở ra, chưa sử dụng một lần nào.
Nhưng nếu bố con cháu nói động đến thú vui này của mẹ, lập tức sẽ bị mẹ phản kháng mạnh mẽ. Mẹ bảo bố con cháu ngăn cấm mẹ làm điều mẹ thích. Thậm chí, nếu bố con cháu thu dọn đồ của mẹ, xếp vào tủ hay giá còn bị mẹ mắng vì "bạo hành sắp xếp" với mẹ, khiến mẹ thấy bị đảo lộn, không còn nhớ cái gì để đâu.
Nhà cháu sống trong một căn hộ chung cư rộng 120m2, có ban công nhưng bây giờ khắp nơi trong nhà đều có thùng lớn, thùng bé, gói to, gói nhỏ. Ngay cả phòng khách cũng đầy đồ xếp xung quanh bộ bàn ghế.
Đồ nhiều đến nỗi giờ không thể lách vào mà lau đồ hay lau nhà được nữa nên khắp nơi đều bám bụi bẩn. Bố cháu sau nhiều lần tranh luận với mẹ, khuyên nhủ không thành công, giờ chấp nhận "sống chung với lũ" rồi cô ạ. Cháu đã vào đại học, đã có rung động với bạn gái.
Nhưng cháu thực sự không dám yêu vì sợ đưa bạn gái về nhà, một là bạn ấy "chạy mất dép", hai là bạn ấy bị mẹ "đồng hoá" thì cũng chết cô ạ. Mong cô tư vấn cho cháu sớm nhé!
Cháu xin được giấu tên.
Chào cháu!
Cô rất hiểu cảm giác của cháu trong tình huống này. Một phần là cháu yêu thích sự ngăn nắp, gọn gàng, phần khác là cháu cảm thấy có trách nhiệm với không gian sống của gia đình và lo lắng về phản ứng của mẹ khi có ý kiến về vấn đề này.
Bây giờ lại thêm mối lo ngại về chuyện tình cảm cá nhân, làm cháu cảm thấy ngại ngùng khi nghĩ đến chuyện yêu đương.
Trước tiên, cô muốn cháu hiểu rằng tình trạng "rối loạn tích trữ" là một xu hướng tâm lý mà nhiều người có thể mắc phải. Trong đó, người mắc cảm thấy sự gắn bó và an toàn khi tích trữ đồ vật. Và họ khó nhận ra mức độ ảnh hưởng của việc này đến người xung quanh.
Mẹ cháu có thể thuộc tuýp người này. Nhưng điều đó không có nghĩa là mẹ không thương cháu và bố. Đơn giản là mẹ có cách nhìn riêng về giá trị và nhu cầu với đồ đạc, điều mà bố và cháu cần tôn trọng.
Để cân bằng, cháu có thể thử vài cách sau đây xem sao nhé! Thay vì đối đầu, cháu có thể chọn cách trò chuyện cùng mẹ theo kiểu "đồng cảm, đồng hành". Cháu hãy bày tỏ tình cảm và sự tôn trọng dành cho sở thích của mẹ, đồng thời nói lên mong muốn có một không gian gọn gàng hơn, giúp mọi người cảm thấy thoải mái và dễ dàng sinh hoạt.
Để không làm ảnh hưởng đến sở thích tích trữ của mẹ, cháu có thể gợi ý cùng mẹ tổ chức lại đồ đạc, sắp xếp một khu vực riêng, như một góc trong phòng ngủ của mẹ hoặc một phòng nhỏ.
Đây sẽ là "kho" để mẹ có thể thỏa sức tích trữ đồ mà không chiếm quá nhiều không gian sinh hoạt chung. Cháu có thể thử đề xuất tổ chức một buổi dọn dẹp định kỳ, ví dụ mỗi tháng một lần, với mục tiêu làm cho không gian chung sạch sẽ hơn mà không phải bỏ đi đồ của mẹ.
Nếu có thể, cháu hãy khéo léo giới thiệu các chương trình từ thiện hoặc nơi mà đồ chưa dùng đến có thể chia sẻ với người khác. Cách này có thể giúp mẹ cảm thấy ý nghĩa hơn.
Còn trong chuyện tình cảm, cháu có thể chia sẻ với bạn gái để cô ấy hiểu và đồng cảm với tình huống gia đình. Cháu không cần quá lo lắng về việc bạn gái có thể "chạy mất dép" vì khi hai cháu có sự thấu hiểu và đồng cảm, những vấn đề nhỏ về môi trường sống của gia đình thường không phải là rào cản quá lớn.
Sự ngăn nắp hay bừa bộn của không gian sống là một phần của cuộc sống nhưng không nên là yếu tố quyết định việc cháu có thể gắn bó tình cảm với ai đó. Tình yêu là sự chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau. Người bạn gái phù hợp sẽ không ngại ngần trước hoàn cảnh của cháu, thậm chí còn có thể đồng hành và giúp cháu tìm giải pháp.
Chúc cháu sớm tìm được tiếng nói chung cùng mẹ cũng như có đủ tự tin trong hành trình giữ tình yêu của mình nhé!