Ai cũng mong bữa cơm tối để cả gia đình được vui vẻ, đầm ấm bên nhau. Thế nhưng, con lại rất sợ khoảng thời gian ấy. Bởi, không biết lúc nào, con trở thành người hứng mọi tội lỗi trong các cuộc cãi nhau của bố mẹ.
Như hôm trước, nói chuyện bình thường với nhau được mấy câu, bố mẹ đã lại khục khoặc. Và con lại bị “tóm” vào “tiếng bấc tiếng chì” của những người sinh ra con. Bố thì mắng mẹ: Cô có mỗi việc dạy con học mà không nên hồn. Cô xem con của bạn bè cô, đứa nào cũng học giỏi, cũng giải nọ giải kia. Còn con cô học có ra gì không? Môn Hóa hôm trước được có 4 điểm. Bao nhiêu tiền đi học thêm mà học như thế thì học làm gì? Cô làm mẹ kiểu gì thế?
Mẹ cũng không kém, “trả lại” cho bố những lời chanh chua. Trong đó, con vẫn là tác nhân chính trong cuộc cãi nhau của bố mẹ. “Anh làm bố thì hơn gì mà chê tôi. Anh thử dạy nó xem nó có giỏi hơn không. Nó dốt là do anh! Lúc bé bảo nó học thì anh bảo để nó phát triển tự nhiên. Giờ nó học kém thì lại đổ tại mẹ…”.
Con thực sự cảm thấy vô cùng ức chế và ngột ngạt. Bố mẹ có thể cãi nhau nhưng đừng mang con ra làm “vật tế thần”. Bố mẹ có biết, khi bố mẹ cãi nhau, con đã buồn chán, mệt mỏi đến thế nào không? Bị lôi vào cuộc xung đột giữa hai người, con vô cùng tổn thương.
Không ít lần chán nản, con nghĩ, nếu không hợp nhau, thà bố mẹ cứ ly hôn đi, mỗi người một nhà, khi đó con dù không có gia đình trọn vẹn nhưng không bị stress thế này. Nhiều lúc con mơ, giá như bố mẹ đừng lấy nhau rồi đừng sinh con thì con đã không khổ như vậy. Cũng có lúc con nghĩ, có khi đứa trẻ mồ côi còn sung sướng hơn con. Chúng chẳng bao giờ trở thành “vũ khí” trong các cuộc “chiến tranh” của người lớn.
Con không còn nhỏ để không hiểu hết những gì bố mẹ giày vò nhau. Con đã quá mệt mỏi, áp lực từ việc học ở lớp, từ các mối quan hệ bạn bè, bố mẹ có biết con thèm được bố mẹ quan tâm, hỏi han lắm không. Bữa cơm tối là lúc cả nhà đoàn tụ, thay vì hỏi xem con học hành thế nào, có gặp khó khăn gì không, có chuyện gì không vui không thì bố mẹ lại mang những cảm xúc tiêu cực từ bên ngoài đổ vào đầu con. Con không biết có lúc nào bố mẹ nghĩ đến con không? Có bao giờ bố mẹ nghĩ con tổn thương thế nào sau những cơn trút giận của mình?
Con không thể quên được những câu nói hậm hực của mẹ: Anh sống chẳng ra gì, thằng con anh cũng giống tính anh, sau này lại khổ vợ khổ con. Bố mẹ cứ lôi cái xấu của nhau ra và đổ lên đầu con. Con không hiểu mình có ý nghĩa thế nào với hai người hay chỉ là “tội đồ”, là đứa con sinh ra không phải từ tình yêu của bố mẹ. Nếu thế thì thà con làm trẻ mồ côi hơn là làm con của bố mẹ.
Khoảng thời gian sống cùng bố mẹ lẽ ra là khoảng thời gian ấm áp, hạnh phúc nhất của đứa trẻ thì với con, đôi khi không khác gì địa ngục. Con chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để có thể đi học đại học, con sẽ xa nhà và không phải đối diện với những trận cãi vã nhau triền miên của bố mẹ nữa.