Công an không bắt cướp và quyền ẩn danh của người tốt

Tiểu Di
19/05/2021 - 12:47
Công an không bắt cướp và quyền ẩn danh của người tốt

Hình ảnh công an xã (mặc quần xanh) đứng bấm điện thoại chứng kiến tài xế taxi vật lộn với tội phạm. Ảnh cắt từ clip.

Vụ việc đại úy công an Nguyễn Văn Lâm mải gọi điện thoại, bỏ mặc tài xế taxi Nguyễn Trần Minh trọng thương vật lộn với tên cướp đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Rất kịp thời, Công an TP Hà Nội đã đưa ra những quyết định xử lý liên quan đến sự việc. Cùng với quyết định khen thưởng tài xế taxi dũng cảm bắt cướp, cơ quan này đã xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời điểu chuyển đại úy công an Nguyễn Văn Lâm (Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Sự việc khá đơn giản và những hình ảnh trong clip cũng thể hện vụ việc, nói cách khác là chẳng có gì để giải thích, thanh minh.

Một lái xe bị thương, máu chảy loang trên ngực áo vật lộn với nghi can từ trong chiếc ô tô xuống lòng đường. Vệt máu chảy loang cả trong xe và cửa xe. Dù đã bị nạn nhân đè xuống lòng đường nhưng nghi phạm vẫn chống trả quyết liệt.

Đó là cuộc chiến không cân sức. Lái xe là người đã bị thương (mà chỉ cần nhìn qua cũng biết là vết thương không hề nhẹ) nhưng vẫn phải lao vào cuộc vật lộn với nghi can đang cố tìm cách tẩu thoát. Có thể nói, cuộc vật lộn ấy phải tính bằng phút bằng giây bởi người không có kiến thức y học cũng hiểu rằng với vết thương hở, nạn nhân rất cần được băng bó, gây áp lực để cầm máu và đặc biết tránh vận động mạnh. Trong cuộc vật lộn ấy, anh Minh, với vết thương đang gây mất máu, có lẽ không thể cầm cự được lâu và hơn lúc nào hết anh cần được hỗ trợ, giúp đỡ.

Công an không bắt cướp và quyền ẩn danh của người tốt  - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, thăm hỏi, động viên và trao tặng giấy khen cho tài xế Nguyễn Trần Minh trong bệnh viện.

Cùng với việc vận lộn ấy, anh đã luôn miệng kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh. Nhưng anh Minh đã không nhận được sự hỗ trợ kịp thời dù khi đó là ban ngày và ở nơi đông người. Xung quanh rất nhiều người đứng xem và... quay clip. Đó đã là điều đáng buồn. "Căn bệnh vô cảm" dường như đã trở nên phổ biến và có xu hướng phát triển ở những đô thị lớn.

Điều đáng buồn hơn nữa, một người mặc sắc phục công an đứng rất gần lại không vào cuộc mà bận bịu với chiếc điện thoại của mình.

Công an nhân dân, nhiệm vụ chính là đảm bảo an ninh trật tự cho xã hội. Từ khi ra đời với lịch sử hào hùng chưa bao giờ thiếu những tấm gương cán bộ chiến sĩ xả thân chiến đấu với tội phạm, thậm chí hy sinh xương máu, tính mạng vì nhiệm vụ, vì bình yên của cuộc sống.

Nhưng lần này, vị đại úy trong clip đã không làm điều mà anh ta cần phải làm.

Luật pháp đã quy định bất cứ công dân nào cũng có trách nhiệm hỗ trợ anh Minh khống chế nghi phạm. Trong trường hội đủ những yếu tố cấu thành tội phạm, công dân có đủ điều kiện hỗ trợ anh Minh nhưng cố tình không làm sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị khởi tố hình sự theo điều 132 Bộ luật Hình sự.

Tất nhiên, với một sĩ quan công an, đại úy Lâm càng có trách nhiệm, nhiệm vụ phải hỗ trợ anh Minh bắt giữ nghi phạm.

Sẽ buồn hơn rất nhiều nếu phút chót vẫn không có ai hỗ trợ nạn nhân khống chế tên cướp. Nhưng rất may cho anh Minh khi vẫn còn 1 người thanh niên đủ dũng cảm, đủ lương thiện để bênh vực lẽ phải, đối đầu với tội phạm, với các ác, giúp đỡ anh một cách kịp thời. Ngay cả cách hành xử của thanh niên ấy cũng đáng khen ngợi: sau khi hoàn thành trách nhiệm của một công dân, hoàn thành mệnh lệnh của lương tri, anh ta đã rời khỏi hiện trường và khi Công an Hà Nội tìm kiếm anh để tuyên dương thì anh cũng không xuất hiện.  

Xã hội vẫn còn những điều tốt đẹp bên cạnh một vài khoảng tối. Cái thiện có quyền từ chối khen thưởng vinh danh, ngược lại, những khoảng tối, những khuyết điểm cần phải bị xử lý một cách nghiêm minh. Việc cần làm của những người làm công tác quản lý là tạo điều kiện để những cái tốt được nhân lên và chính nó sẽ lấn át cái xấu, cái ác trong cuộc sống.

Điều 132, Bộ Luật Hình sự 2015 và sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm