Công an TP Đà Lạt "vẽ rắn thêm chân"?

Hưng Long
06/09/2020 - 07:28
Công an TP Đà Lạt "vẽ rắn thêm chân"?

Bà Dương thị Nguyệt Thủy và ông Nguyễn Văn Dũng. Ảnh: Hưng Long

Gia đình cụ bà 81 tuổi đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh tù tội khi bị truy tố về hành vi “Hủy hoại tài sản” trên chính phần đất đang sử dụng từ năm 1972 đến nay.

Từ việc ngang nhiên làm nhà, trồng cây trên đất tranh chấp…

Năm 1972, ông Dương Văn Vinh (đã chết) và bà Huỳnh Thị Nguyệt (hiện nay 81 tuổi, ngụ 54C Hồ Xuân Hương, Phường 11, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã khai phá 2.400 m2 đất và sử dụng diện tích đất này. Hằng năm, ông Vinh và bà Nguyệt vẫn nộp thuế sử dụng đất mang tên Dương Văn Vinh căn cứ theo thửa đất số 225, tờ bản đồ số 08 (Phường 10, thành phố Đà Lạt).

Năm 2001, nhà nước thu hồi đất để mở rộng đường, phần còn lại 1.800 m2, bà Nguyệt và người con Dương Thị Nguyệt Thủy cùng ông Nguyễn Văn Dũng (chồng bà Thủy) vẫn tiếp tục sử dụng.

Ngày 19/2/2018, ông N.V.S (ngụ Phường 3, Quận 3, TPHCM) đã thỏa thuận và lập giấy viết tay mua lại 1.000 m2 thuộc một phần thửa đất này từ ông Trần Văn Bảy. Ông Bảy không phải là chủ sử dụng thửa đất nói trên. Việc mua, bán không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và lập các thủ tục cần thiết theo qui định của pháp luật. 

Ngay khi phát hiện sự việc, bà Nguyệt cùng con gái là Dương Thị Nguyệt Thủy và ông Dũng (chồng bà Thủy) đã làm đơn tố cáo gửi tới chính quyền địa phương. Ngày 22/11/2018, UBND Phường 10 đã lập biên bản và yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng đất không ai được tác động khi đang có tranh chấp. Trong văn bản có nêu: "Nếu bên nào vi phạm sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật".

Tuy nhiên, ông S. không chấp hành, vẫn tiếp tục rào chắn và xây dựng nhà kiên cố trên khu đất này mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ngày 25/2/2019, gia đình bà Nguyệt tiếp tục có đơn khởi kiện và TAND thành phố Đà Lạt đã ra thông báo thụ lý số 107/TB-TLVA ngày 22/5/2019.

Trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, ông S. đã rào chắn và xây dựng nhà trên diện tích đất này. Gia đình bà Nguyệt tiếp tục tố cáo, khiếu nại đến chính quyền địa phương sự việc trên nhưng không được giải quyết. Ông S. vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng, rào chắn trên đất nói trên và không có động thái chấm dứt hành vi vi phạm.

Đầu năm 2019, bà Thủy cùng chồng và các con đến thăm khu đất nên thấy sự việc diễn ra như vậy, có dẫm ngã một số cây đang được trồng bất hợp pháp. Sau đó, ông S. đã làm đơn tố cáo gia đình bà Nguyệt đến cơ quan chức năng.

… đến con đường tù tội?

Vụ án được khởi tố, ngày11/7/2020, Công an TP Đà Lạt đã có Kết luận Điều tra vụ án hình sự số 138. Tiếp đến, ngày 12/8/2020, Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Lạt đã tống đạt Cáo trạng truy tố gia đình bà Nguyệt về hành vi "Hủy hoại tài sản". Theo đó, ông Nguyễn Văn Dũng và bà Dương Thị Nguyệt Thủy bị truy tố về tội "Hủy hoại tài sản" quy định tại điểm b, d Khoản 2, Điều 178 Bộ luật Hình sự.

Trao đổi với Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Thủy cho biết, bản Kết luận Điều tra đề nghị truy tố vợ chồng tôi về tội "Hủy hoại tài sản" theo khoản 2, điều 178, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là không phù hợp với quy định của pháp luật. 

Bà Thủy phân tích: "Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, tài sản mà chúng tôi tác động đến không phải là tài sản hợp pháp của ông S. vì đất do gia đình tôi là chủ sở hữu, vì vậy chỉ có gia đình tôi có đầy đủ 03 quyền là: Chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Ông S. tự ý trồng cây trên đất là chiếm hữu trái pháp luật, cây ông S. trồng trên đất do gia đình tôi là Chủ sở hữu là tài sản bất hợp pháp".

Bà Thủy dẫn chứng, theo quy định tại Điếu 166, Điều 170 của Luật Đất đai 2013 thì khi đất đang có tranh chấp và chưa có kết luận cuối cùng của Toà án mà gia đình bà Thủy có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu với mảnh đất đó thì vẫn có quyền tiếp tục sử dụng và hoạt động, khai thác công dụng của mảnh đất đó.

Công an TP Đà Lạt "vẽ rắn thêm chân"? - Ảnh 1.

Vị trí thửa đất đang tranh chấp. Ảnh: Hưng Long

Cho đến thời điểm này, Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt vẫn chưa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm dừng việc sử dụng, canh tác trên đất đối với gia đình của bà Nguyệt. Vì vậy, hành vi tác động vào một số cây mà ông S. trồng trên đất mà gia đình bà Nguyệt đang sử dụng là không có cơ sở để xác định tội danh "Hủy hoại tài sản".

Bà Thủy khẳng định, số lượng cây mà gia đình bà tác động đến là những cây nhỏ mà một người có thể nhổ được bằng tay và không sử dụng công cụ. Trong khi đó, Kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố liệt kê: "65 cây Tùng đang trong độ 4 – 5 năm tuổi; 148 cây Cẩm Tú Cầu cao 35 cm; 42 cây Cúc thân gỗ cao 73 cm, 02 mắt camera hiệu HIK VISSON; 2 cuộn dây cáp nối camera dài 700 m; 2 cuộn dây cáp nối camera dài 200 m; 01 bồn nước inox, hình trụ tròn, hiệu Phương Nam, loại 1000L; 01 dây điện hiệu Daphaco, loại 1,5, dài 100 m; 08 cây nước nhựa, hiệu Bình Minh, dài 4 m, phi 27 cm".

UBND phường 10 rất nhiều cưỡng chế trên đất tranh chấp

Ngày 3/9, đại diện UBND phường 10 (TP Đà Lạt) đã cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Đại diện UBND phường 10 cho biết, trong thời gian qua, UBND phường đã yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng đất. 

Ông S. có dựng cột, trồng một số cây nhưng UBND phường đã yêu cầu ông S. ngưng không tiếp tục canh tác trên đất để đảm bảo quyền lợi các bên. Ông S vẫn tiếp tục trồng bông và có làm nhà tạm trên đất tranh chấp. Kết cấu nhà bằng gỗ, sắt.

Sau đó, UBND phường ra quyết định cưỡng chế căn nhà, tháo dỡ phần hàng rào với lý do lấn chiếm hành lang lộ giới. Sau khi cưỡng chế xong, ông S. tiếp tục trồng cây thì mỗi lần trồng, bà Thủy đến UBND phường trình báo. UBND phường đã thu cuốc, thu xẻng của những người tiến hành trồng cây.

UBND phường cưỡng chế nhà xong, bà Thủy lại cho người vào rào lại hàng rào và đặt thùng xe tại đây. UBND phường quay sang cưỡng chế thùng xe của bà Thủy trong tình trạng vắng chủ. Kế đến, ông S. đã có đơn khởi kiện bà Thủy.

Nói về trách nhiệm dẫn đến của UBND phường 10 để xảy ra vụ việc ông Dũng bà Thủy bị truy cứu về hành vi "Hủy hoại tài sản" trên mảnh đất đang tranh chấp, đại diện UBND phường khẳng định đã làm hết trách nhiệm.

Suốt 2 năm qua, UBND phường liên tục cưỡng chế hành vi vi phạm xảy ra đối với người của ông S. tiến hành làm các công trình trên đất. Các bên thay đổi hiện trạng là UBND phường luôn có mặt để xử lý.

UBND phường 10 xác nhận đã cưỡng chế rất nhiều lần trên đất đang tranh chấp nhưng không có mặt ông S. Toàn bộ tài sản, tang vật đều được thu giữ và đưa về UBND phường để cất giữ. Cho đến thời điểm này, ông S. vẫn chưa trình diện tại địa phương để xử lý các vụ việc có liên quan mà ủy quyền cho người khác để giải quyết.

Đại diện UBND phường 10 đặt nghi vấn, có lẽ nào cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Lạt tính luôn phần tài sản UBND phường 10 đã cưỡng chế của ông S. để đưa vào vụ án hay không?

Tính đến thời điểm hiện tại, UBND phường đã 2 lần ra quyết định cưỡng chế tài sản của ông S. và bà Thủy đều ở trong tình trạng vắng chủ. Còn những lần tiến hành trồng bông và trồng cây, UBND phường có đến hiện trường để tiến hành cưỡng chế và chặt cây để ngăn chặn việc tác động trên đất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm