Việt Nam có hơn 96,2 triệu dân, nữ chiếm 50,2%

Bài và ảnh: An Khê
19/12/2019 - 15:44
Việt Nam có hơn 96,2 triệu dân, nữ chiếm 50,2%
Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức "Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”.

Theo đó, kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở vào 0 giờ ngày 1/4/2019 cho thấy: Tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người; trong đó dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%.

Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019  - Ảnh 1.

Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TƯ - cho hay: Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên chất lượng số liệu được nâng cao, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra năm 2019, tiết kiệm kinh phí hàng trăm tỷ đồng và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; tạo sự đồng thuận và tiện lợi cho điều tra viên.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo TƯ - để bổ sung thông tin đánh giá những biến động về nhân khẩu học như tình hình sinh, chết, di cư của người dân, thông tin về lao động việc làm, điều kiện sống của các hộ dân cư và một số thông tin khác, điều tra mẫu trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện với quy mô mẫu 9% hộ dân cư trên cả nước (khoảng 8,2 triệu người sinh sống tại hơn 2,3 triệu hộ dân cư). Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra, giúp nâng cao chất lượng thông tin, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian xử lý để công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm kinh phí so với các cuộc điều tra và Tổng điều tra theo phương pháp điều tra truyền thống.

Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở

Cũng theo ông Lâm, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm).

Tổng số hộ dân cư trên cả nước là 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với cùng thời điểm năm 2009. Bình quân mỗi hộ có 3,6 người, thấp hơn 0,2 người/hộ so với năm 2009. Trong giai đoạn 2009 - 2019, tỷ lệ tăng bình quân số hộ dân cư là 1,8%/năm, thấp hơn 1,2 điểm % so với giai đoạn 1999 - 2009 và là giai đoạn có tỷ lệ tăng số dân cư thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019  - Ảnh 3.

Tổng số dân của Việt Nam hiện là 96.208.984 người,. Ảnh minh họa

Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ

Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính gần như cân bằng ở nhóm 45 - 49 tuổi (100,2 nam/100 nữ) và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50 – 54 tuổi (95,9 nam/100 nữ).

Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019  - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Đến thời điểm Tổng điểu tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo Công giáo là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo Phật giáo với 4,6 triệu người, chiếm 35,0% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước. Các tôn giáo còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ.

Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh, đạt 98,8%. Kết quả này đã vượt mục tiêu về đăng ký khai sinh của Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 (mục tiêu đến năm 2020 có 97% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).

Ông Lâm cho biết thêm, tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Trên phạm vi toàn quốc, phụ nữ chưa thành niên (từ 10-17 tuổi), sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3%; cao nhất ở Trung du và miền núi phía Bắc (9,7%) và Tây Nguyên (6,8%). Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ phụ nữ sinh con khi chưa thành niên thấp nhất (1,1%).

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm đa số (tới 68% tổng dân số); dân số có khả năng lao động đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số, dự báo Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn "cơ cấu dân số vàng" vào khoảng năm 2040.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm