Công chúa Maha Chakri Sirindhorn của Thái Lan được người dân yêu mến gọi bằng cái tên "Công chúa quốc dân" hay "Công chúa có trái tim thiên thần" nhờ các công việc từ thiện mà bà đã làm cho người nghèo và cộng đồng.
Công chúa Maha Chakri Sirindhorn sinh ngày 2/4/1955, là con gái thứ hai và là người con thứ ba của nhà vua Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu Sirikit của Thái Lan. Vì nhà vua chỉ có một con trai nên năm 1974, hiến pháp Thái Lan đã được sửa đổi để cho phép phụ nữ được kế vị ngai vàng. Do công chúa Ubolratana Rajakanya, con cả của quốc vương Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu Sirikit đã từ bỏ danh tước hoàng gia vào năm 1972 để kết hôn với một người Mỹ sau đó sang Mỹ định cư cùng chồng trong 26 năm nên bà Sirindhorn trở thành người thừa kế ngôi vua thứ hai sau thái tử Vajiralongkorn.
Công chúa Maha Chakri Sirindhorn lúc còn nhỏ. |
Không giống như những thành viên Hoàng gia khác khi thường xuyên du học nước ngoài, công chúa Sirindhorn theo học và tốt nghiệp đại học trong nước.
Bà từng đứng thứ tư trong kỳ thi đại học quốc gia, tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật đại học Chulalongkorn tại Bangkok năm 1980 và có bằng tiến sĩ về Phát triển Giáo dục năm 1987. Công chúa còn tham gia nhiều khóa học để nâng cao kiến thức và kỹ năng hội nhập về máy tính, khí tượng, bản đồ học, viễn thám.
Mặc dù phải cùng nhà vua Bhumibol Adulyadej tham gia rất nhiều cuộc gặp gỡ, thăm hỏi ngoại giao từ khi mới mười mấy tuổi nhưng bà luôn nỗ lực hết sức để hoàn thành công việc học tập. Theo bà, những kiến thức tích lũy được trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường là vô giá và có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời mỗi người sau này.
Công chúa Sirindhorn thích du lịch, viết thơ văn, truyện ngắn. Bà chơi được nhiều nhạc cụ truyền thống của Thái Lan, thích nhảy múa, vẽ tranh và cả các môn thể thao như đi bộ, bơi lội, đạp xe, leo núi. Bà giao tiếp thành thạo bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp và học cả tiếng Trung, Đức và Latin.
Công chúa Maha Chakri Sirindhorn ngày trẻ cùng bố mẹ. |
Do được cùng vua cha đi vi hành tới những vùng nông thôn hẻo lánh từ năm 16 tuổi nên công chúa Sirindhorn đã bắt đầu tìm hiểu và tìm cách phát triển chất lượng cuộc sống cho người dân, trong đó bao gồm điều kiện sống, giáo dục, giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay tạo công ăn việc làm cho những người kém may mắn.
Công chúa Sirindhorn có nhiều đóng góp cho các hoạt động cộng đồng và xã hội. Bà từng giữ vị trí lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Thái Lan, các quỹ về phát triển và bảo tồn môi trường, thúc đẩy văn hóa, giáo dục và y tế.
Qua hàng chục năm, Công chúa Sirindhorn đã đóng góp rất nhiều tâm huyết và công sức trong việc phát triển đất nước. Trên cương vị Công chúa Thái Lan, bà đã có các chuyến vi hành và viếng thăm người dân khắp nơi trên cả nước, hỗ trợ các dự án của hoàng gia để phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục về kiến thức và ý thức cho người dân Thái Lan.
Bà am hiểu về nghệ thuật, biết chơi nhiều môn thể thao và thành thạo nhiều ngoại ngữ. |
Không chỉ giúp đỡ người dân trong nước, bà còn được UNESCO đánh giá cao do có những hoạt động nhân đạo giúp đỡ những người tị nạn ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia ở Thái Lan từ năm 1978.
Năm 1991, công chúa đã được trao tặng giải thưởng thường niên Magsaysay cho các cá nhân châu Á có thành tích xuất sắc vì những nỗ lực trong phục vụ cộng đồng.
Năm 2005, bà được cử làm đại sứ thiện chí của UNESCO. Với những cống hiến không ngừng của bản thân cho ngành giáo dục, từ thiện, công chúa Sirindhorn đã được chính vua cha trao giải thưởng danh dự vào năm 2005. Bà được hàng triệu người dân Thái Lan kính trọng và yêu mến, gọi là “công chúa của người nghèo” bởi trong nhiều năm qua đã hết lòng vì người nghèo Thái Lan và nhiều nước khác trong các công việc từ thiện.
Trong cuộc đời mình, bà luôn hết lòng với công việc từ thiện và giúp đỡ người nghèo. |