Covid-19 có gây tiểu đường type 2 ở trẻ không?

Châu Anh
02/10/2022 - 16:19
Theo một nghiên cứu mới của Johns Hopkins Medicine, đã có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em trong đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi lứa tuổi theo nhiều cách. Bản thân tác động của Covid-19 đã để lại những ảnh hưởng lâu dài (chẳng hạn như Covid kéo dài) tới sức khỏe của chúng ta, bao gồm cả sức khỏe của trẻ nhỏ.

Theo một nghiên cứu mới của Johns Hopkins Medicine, đã có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em trong đại dịch Covid-19. Theo báo cáo từ nghiên cứu thì đã có sự mắc mới gia tăng 77% trong năm 2020 so với năm 2018 -  2019. Nghiên cứu này đã xem xét lý do tại sao có sự gia tăng về tỷ lệ trẻ mắc tiểu đường type 2 như vậy.

1. Covid-19 có gây ra tiểu đường type 2 không?

1.1. Bệnh tiểu đường type 2 là gì?

Theo các thống kê, bệnh tiểu đường type 2 là dạng phổ biến nhất, chiếm tới 85 - 90 % tổng số bệnh nhân tiểu đường. Tiểu đường type 2 còn được gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin hay tiểu đường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Hiện nay, không ít trường hợp người bệnh là thanh niên, thậm chí là trẻ em cũng mắc tiểu đường type 2.

Bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 thường kháng insulin. Điều này có nghĩa là tuyến tụy vẫn tiết một lượng insulin nhất định nhưng lượng insulin này hoạt động không được hiệu quả như mong muốn. Lúc này, tuyến tụy sẽ phản ứng lại bằng cách cố tạo thêm insulin, nhưng lại không thể tạo đủ để giữ cân bằng lượng đường trong máu và mức đường huyết tăng cao.

1.2. Covid-19 có gây ra tiểu đường type 2 ở trẻ em không?

Theo nghiên cứu thì không có mối liên hệ rõ ràng giữa sự gia tăng của bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em với bản thân virus SARS-CoV-2. Mà các nhà khoa học cho rằng đây là kết quả của việc thay đổi lối sống rõ ràng trong thời gian cách ly và giãn cách xã hội diễn ra trước đó.

COVID-19 có gây tiểu đường type 2 ở trẻ không? - Ảnh 2.

Chưa rõ mối liên hệ giữa bản thân virus COVID-19 và bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ (Ảnh: Internet)

Chẳng hạn như việc ngừng các hoạt động học tập tại trường, vui chơi ngoài trời chuyển sang học online và giảm các hoạt động thể chất khiến trẻ tăng nguy cơ khởi phát bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, việc ở trong nhà thời gian dài thường đi kèm với các thói quen ăn uống không lành mạnh - tác động trực tiếp tới đường huyết và tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường ở trẻ em và thanh thiếu nien thường mờ nhạt chẳng hạn như tăng cảm giác khát hoặc đói, mệt mỏi hơn, vùng da nách hoặc sau cổ bị sạm, thường xuyên bị nhiễm trùng hơn và mắt bị mờ.

Nhìn chung nếu bệnh tiểu đường type 2 không được điều trị thì bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan nội tạng chẳng hạn như tim, gan và các dây thần kinh với biểu hiện là những cơn đau vùng gan, mất cảm giác bàn tay hay ngón chân, xuất hiện các cơn đau tim, vết thương lâu lành,...

2. Làm cách nào để điều trị tiểu đường type 2 ở trẻ em?

Việc điều trị tiểu đường type 2 ở trẻ em theo phác đồ như thế nào còn phụ thuộc và tình trạng của trẻ và được chia thành nhiều bước khác nhau. Thông thường sẽ là sự kết hợp giữa điều trị nội tiết của bác sĩ chuyên ngành và cải thiện dinh dưỡng từ chuyên gia dinh dưỡng.

Các kế hoạch điều trị thường bao gồm các loại thuốc như metformin, GLP-agonists hoặc insulin, ngoài các biện pháp can thiệp không dùng thuốc.

Việc ngăn ngừa tiểu đường type 2 tiến tiển tránh gây ra các hậu quả lâu dài là điều vô cùng quan trọng. Và mặc dù rất khó để đảo ngược kết quả nhưng bằng cách tập trung vào việc thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh và tập thể dục sẽ đem lại những tác động lớn.

COVID-19 có gây tiểu đường type 2 ở trẻ không? - Ảnh 3.

Thông thường điều trị tiểu đường type 2 sẽ là sự kết hợp giữa điều trị nội tiết của bác sĩ chuyên ngành và cải thiện dinh dưỡng từ chuyên gia dinh dưỡng

Bên cạnh đó, trẻ em mắc tiểu đường type 2 cần phải thường xuyên tái khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra đường huyết và dự phòng các nguy cơ sức khỏe (có thể xuất hiện mới) kèm theo.

3. Covid-19 còn gây ra những vấn đề nào đối với sức khỏe trẻ em?

Hậu Covid có thể xảy ra ở bất cứ nhóm trẻ nào nhiễm Covid-19, bao gồm cả trẻ mắc Covid-19 mà không có triệu chứng. Những triệu chứng này có thể hình thành từ những ngày đầu tiên sau khi trẻ nhiễm bệnh và kéo dài cho tới các giai đoạn sau.

Theo các chuyên gia, các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 ở mỗi trẻ khác nhau và có thể kéo dài đến 120 ngày hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng sức khỏe.

Hậu Covid ở trẻ em có thể gây ra:

- Mệt mỏi

- Rối loạn giấc ngủ

- Suy giảm cảm giác chẳng hạn như thị lực kém, thay đổi thị lực, tê tay, giảm hoặc mất khứu giác,...

- Tâm trạng thay đổi thấy thường

- Một số vấn đề về tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày...

- Nhức đầu, chóng mặt

- Hội chứng viêm đa hệ cơ quan ở trẻ còn gọi là MIS-C

- Các tổn thương về thần kinh...

Tuy nhiên không phải trẻ nào cũng sẽ bị hậu Covid sau khi nhiễm bệnh. Điều quan trọng chính là cha mẹ cần chăm sóc triệu chứng cho trẻ khi nhiễm Covid-19 tốt, quan sát các biểu hiện bất thường...

4. Phòng ngừa tiểu đường type 2 ở trẻ như thế nào?

Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ em. Khuyến khích con bạn:

- Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Cho trẻ ăn thức ăn ít chất béo và calo. Tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Cố gắng đa dạng để ngăn chặn sự nhàm chán ở trẻ

- Hoạt động thể chất nhiều hơn. Khuyến khích con bạn tham gia các hoạt động thể chất cùng bạn bè sẽ giúp trẻ có hứng thú hơn.

Ngoài ra, với trẻ chưa nhiễm Covid-19 thì phụ huynh cần có các biện pháp phòng ngừa bệnh như đeo khẩu trang cho trẻ khi tới những nơi đông người, hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên... đặc biệt khi thời gian này các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang gia tăng thì các biện pháp bảo vệ bản thân trẻ lại càng quan trọng hơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm