Cụ bà 60 năm lưu lạc ấm lòng nơi Sài Gòn tình nghĩa

26/09/2016 - 11:28
Không gia đình, con cái, những năm tháng cuối đời, cụ lấy vỉa hè, lề hẻm làm nơi trú ngụ, sống trong tình yêu thương, đùm bọc của bà con lối xóm.
Chiếc giường xếp cũ kĩ, èo ọt nằm sát con hẻm nhỏ số 90 đường Lý Thái Tổ, phường 2, quận 3 từ nhiều năm nay đã trở thành “mái nhà” của cụ Nguyễn Thị Mai (88 tuổi), người ở cái tuổi gần đất xa trời.
anh-3.JPG
 Chiếc giường xếp ọp ẹp là nơi sinh sống của cụ Mai từ nhiều năm nay
Sinh ra tại mảnh đất xứ Huế nhưng vì gia cảnh khó khăn nên từ nhỏ cụ phải rời quê vào Phú Yên đi giúp việc, kiếm tiền phụ chăm lo cho gia đình. Đến khi 15 tuổi, bà trở về quê thì mẹ mất, chỉ còn người cha già đau yếu, bệnh tật. Không còn lựa chọn nào khác, bà khăn gói vào Sài Gòn với niềm hi vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói, có một cuộc sống ổn định hơn. Thế nhưng, từ khi vào Sài Gòn, cuộc sống của cụ liên tiếp gặp khó khăn. Cụ cho biết: “Một thân một mình vào đây, bà đi làm mướn khắp mọi nơi, ai kêu gì làm cái đó, ngày đi làm, tối về ngủ nhờ, ở đậu nhà người ta. Số tiền kiếm được mỗi ngày không đủ để bà sinh sống”.
anh-2.JPG
 Không gia đình, con cái, những năm tháng cuối đời cụ chỉ biết nương nhờ tình thương nơi hàng xóm
Trong lúc mưu sinh vất vả, cụ tình cờ quen biết người con trai cũng làm thuê, cuốc mướn như bà rồi nên duyên vợ chồng. Những tưởng hạnh phúc từ đây sẽ đến với cụ nhưng một lần nữa, tình yêu của cụ được đem ra thử thách. Chiến tranh loạn lạc, chồng cụ tử trận. Lúc biết tin chồng mất, cụ như chết ngất đi nhưng không hề ngã quỵ. Cụ phải tiếp tục sống vì giờ đây, cụ sống không chỉ cho riêng mình mà còn cho đứa con đang dần lớn lên trong bụng.
anh-2.png
 Con hẻm nhỏ tuy chật chội nhưng đầy ắp tình thương yêu
Những ngày sau đó, cuộc sống của hai mẹ con cụ gặp muôn vàn khó khăn. Hết làm thuê chỗ này, cụ cùng con lại khăn gói lên vùng kinh tế mới để lập nghiệp nhưng vẫn không khá nổi. Cụ Mai nghẹn ngào: “Hồi đó con trai bà chạy xe ôm, có vợ có con, nhưng sau đó vì bị tai biến mà con trai bà mất đi. Đứa con dâu dẫn cháu nội bà ra đi, bỏ bà lại một mình. Từ lúc đứa con trai chết, bà chỉ biết sống quanh quẩn nơi con hẻm này. Lúc khỏe thì đi bán vé số mưu sinh, giờ già yếu nên chỉ biết nương nhờ tình làng nghĩa xóm”.
anh-4.JPG
 Cụ Mai buồn bã khi nhắc lại cuộc đời của mình
Mỗi ngày từng người dân trong hẻm lại thay nhau chăm sóc cụ, người tắm rửa thay quần áo, người nấu ăn, giặt giũ, người cho cụ ăn, uống thuốc... tất cả đều chung tay với mong muốn cụ Mai sống vui, không phải vất vả ở tuổi xế chiều.

Cô Bảy, hàng xóm của cụ chia sẻ: "Tôi bán nước ngoài đầu hẻm cũng không khá giả gì nhưng thấy cụ Mai không nơi nương tựa nên rất thương. Hàng ngày người dân trong xóm cũng thay phiên nhau chăm sóc cụ. Tội nghiệp lắm khi ở độ tuổi xế chiều mà chỉ lủi thủi có một mình, ai thấy cũng xót xa”.
anh-1.png
Những người hàng xóm luôn gần gũi bên cụ Mai
Có lẽ, niềm hạnh phúc lớn nhất trong những năm cuối đời của cụ Mai là được sống mỗi ngày bên cạnh những người hàng xóm mà cụ coi như những đứa con, đứa cháu tốt bụng. Cụ cho biết: “Bà không có nhà, có cửa mà được mấy cô chú lối xóm thương tình, lo cho bà như vậy là bà mãn nguyện rồi. Mình cứ vui vẻ sống ở đây, chứ giờ bắt bà vào viện dưỡng lão, bà buồn lắm cháu ơi”.

Trải qua một đời vất vả, khổ đau, giờ đây khi đã ở ngưỡng cuối của cuộc đời, cụ Mai không mong gì hơn ngoài việc cơm no ngày ba bữa, sống vui vẻ cùng hàng xóm cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Dẫu chỉ còn một mình nhưng cụ không hề cô độc bởi xung quanh cụ, vẫn còn đó những tấm lòng của những người dân nơi con hẻm nhỏ đầy yêu thương.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm