pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cụ bà 78 tuổi tiết lộ chốn về lý tưởng nhất của người già
Nhiều người nói rằng, khi già đi, cơ thể không còn khỏe mạnh thì khó mà sống được. Đặc biệt là những người già mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân, cuộc sống sau này có thể dùng từ “chật vật” để hình dung.
Bà Ngô, 78 tuổi, nói rằng khi tuổi tác ngày một lớn hơn, xương cốt bị thoái hóa, bà không thể đi lại bình thường được nữa.
Để bản thân được an hưởng tuổi già trong an nhàn, bà đã từng thuê người chăm sóc, từng sống trong viện dưỡng lão và cũng từng thay phiên đến nhà các con. Cuối cùng, bà Ngô thở dài: “Tôi sẽ nói cho bạn biết đâu là chốn về lý tưởng nhất cho người già”.
Bà Ngô chia sẻ: “Năm nay tôi 78 tuổi, gần 30 năm trước, chồng bị tai biến qua đời đột ngột. Sau đó, tôi đã tái hôn, nhưng cuộc hôn nhân mới không thể hòa thuận như một gia đình, khiến tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng.
Mặc dù chồng sau không thiếu tiền, nhưng ông ấy chưa bao giờ sẵn sàng chi tiền cho tôi. Ông ấy nói rằng vì chúng tôi không có con chung, việc tôi tiêu tiền sẽ xâm phạm đến quyền lợi của con ông ấy. Do đó, ông ấy có thể đối xử tốt với tôi nhưng không thể chi quá nhiều tiền cho tôi”.
Bà chia sẻ rằng người chồng thứ hai cực kỳ chi li, điều này khiến bà không thể quen với cuộc sống như vậy. Hai người chỉ sống với nhau hơn một năm thì ly hôn. Cuộc hôn nhân thứ hai thất bại, bà không bao giờ nghĩ đến việc tái hôn nữa. Bà Ngô nói tiếp:
“Tôi đã sống một mình bao nhiêu năm nay, cuộc sống tuy có chút cô đơn nhưng cũng có nhiều cái lợi. Ở một mình, đôi tai bớt đi đau nhức vì không có cãi vã, cũng không có bất đồng quan điểm. Tôi muốn làm gì thì làm cái đó, không cần lo lắng đối phương không vui, cuộc sống của bản thân tôi có thể do chính tôi quyết định.
Không có gì sai khi độc thân, hãy làm quen với điều đó. So với những cãi vã trong hôn nhân, tôi thích ở một mình hơn. Sau khi nghỉ hưu, tôi đi du lịch rất nhiều. Được ăn những món mình thích, thỉnh thoảng ra ngoài hóng gió, cuộc sống rất thoải mái.
Tôi đã nghĩ rằng tôi có thể tiếp tục hạnh phúc mãi mãi, nhưng khi già đi, tôi không thể đi du lịch theo ý mình, cũng không thể ăn và làm bất cứ điều gì mình muốn. Càng lớn tuổi, sức khỏe càng sa sút, chân lúc nào cũng đau nhức, không thể đi bộ đường dài hay ra ngoài mua thức ăn”.
Bà Ngô kể rằng khi bà mất khả năng tự chăm sóc bản thân, các con đưa bà về nhà của họ để phụng dưỡng. Sống ở nhà của các con được nửa năm, bà quyết định dọn đi vì nghĩ rằng mình đã trở thành chướng ngại cho các con.
Con cái sau khi kết hôn đều có nửa kia của mình, nếu ở nhà con cái hàng ngày thì nửa kia của chúng sẽ rất không vui, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng.
Có một lý do khác khiến bà không muốn dưỡng già ở nhà của các con: “Cho dù các con có tốt với tôi đến đâu, tôi cũng không quen sống trong nhà của chúng. Nói gì cũng phải cẩn thận, luôn suy nghĩ rất lâu trước khi mở miệng chỉ sợ mình nói ra sẽ khiến các con không hài lòng và gây mâu thuẫn”.
Đồng thời, bà Ngô cho biết bà cũng không quen đồ ăn ở nhà các con. Người già thích ăn thức ăn mềm, nhưng người trẻ chỉ ăn đồ cứng và dai. Mặc dù bà không thích nhưng cũng khó mở lời.
Sống trong mái ấm của các con, bà luôn cảm thấy thời gian trôi thật chậm. Ngược lại, chỉ khi sống trong ngôi nhà của mình, cơ thể và tâm trí của bà mới có thể được thư giãn hoàn toàn.
Chính vì thế bà Ngô đã nhờ các con giúp bà thuê một người giúp việc và dọn về nhà của mình.
Lương hưu hàng tháng của bà Ngô chỉ đủ để trả lương cho người giúp việc. Bà phải dùng đến tiền tiết kiệm để chi trả phí sinh hoạt. Các con muốn chu cấp cho mẹ hàng tháng nhưng bà không đồng ý.
Sau một thời gian, bà Ngô lại không hài lòng cách làm việc của người giúp việc. Đôi bên có sự khác biệt trong nếp sống. Người giúp việc không thích ăn đồ ăn mềm, hơn nữa còn có tính không trung thực trong việc sử dụng tiền mua đồ hàng ngày.
Sau khi sa thải người giúp việc, bà Ngô thuê thêm vài người nữa nhưng vẫn không vừa ý. “Họ sống trong nhà tôi, nhận tiền của tôi và tự do ăn uống, nhưng họ làm việc không tốt, luôn lén lút, bày trò và bí mật làm những điều khiến tôi tức giận. Tôi đã mất đi khả năng di chuyển nhưng tôi vẫn biết họ làm gì”.
Không còn cách nào khác, bà Ngô đưa ra quyết định: “Tôi vào viện dưỡng lão. Mặc dù rất nhiều tin tức tiêu cực về viện dưỡng lão trên mạng xã hội, nhưng tôi tin rằng nhất định phải có những viện dưỡng lão tốt”.
Để tìm được viện dưỡng lão phù hợp với nhu cầu của mình, bà Ngô chịu khó thử từng nơi, nếu không hài lòng thì đổi sang viện dưỡng lão khác.
Sau khi sống thử ở 6 viện dưỡng lão, cuối cùng bà đã chọn một nơi để “làm nhà” cho những năm cuối đời. Viện dưỡng lão này không thu phí cao nhất, nhưng chất lượng dịch vụ lại tốt nhất.
Một vấn đề phổ biến ở các viện dưỡng lão đó là thiếu hộ tá chăm sóc, nên mỗi khi người già cần thường không gọi được ai. Hộ tá quá bận rộn nên dễ có thái độ không tốt với người già, khi họ cáu kỉnh thì thường nóng nảy và quát mắng.
Sau khi sống trong viện dưỡng lão này được một năm, bà Ngô cho thuê căn nhà của mình và kiếm được một khoảng tiền mỗi tháng. Sống trong viện dưỡng lão giúp bà Ngô thoải mái kinh tế hơn nhiều, vì bà dành tiền thuê nhà để chi trả cho viện phí mỗi tháng, tiền lương hưu có thể đưa vào tài khoản tiết kiệm.
Vào cuối tuần, các con vào viện và mang cho bà Ngô những món bà thích. Cả nhà ngồi lại với nhau, vừa ăn vừa nói cười vui vẻ, cảm thấy thật hạnh phúc.
Sau khi trải nghiệm ba cách “an hưởng tuổi già”, cụ bà 78 tuổi phát hiện ra chốn về lý tưởng nhất cho người già là viện dưỡng lão.
Đương nhiên điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có thể bà vẫn được con gái nhớ đến và quan tâm, được nhân viên chăm sóc tận tình và hơn hết là đủ đầy về kinh tế để tự chi trả cho cuộc sống của mình.
Đây hoàn toàn là sự lựa chọn của mỗi người và phụ thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Để có được quyết định cuối cùng, cụ bà 78 tuổi này đã trải qua rất nhiều, có trải nghiệm rồi mới có đúc kết.