Cụ bà được phong “Bậc thầy Internet” ở tuổi 97
Cụ Lê Thi sinh năm 1920, hiện trú ở Xa La – Hà Đông (Hà Nội), được nhiều người biết đến với biệt danh là “bà còng Xa La” hay “cụ bà xì tin”. Cụ vừa được Kênh truyền hình châu Á Channel New Asia phong tặng là “Bậc thầy Internet”.
Hàng ngày, cụ đều dành thời gian vào mạng đọc tin tức và lướt qua các diễn đàn văn học, các vấn đề thời sự hàng ngày trong nước cũng như thế giới, đều được cụ quan tâm và theo dõi thường xuyên.
Ở tuổi 97, bà rụng hết răng và chuyển động khó khăn do bị gù. Cụ dành phần lớn thời gian để nằm trên giường và nhai trầu. Tuy nhiên, khi được hỏi về đam mê của cụ với việc viết lách, vẽ tranh và trên tất cả là học tập, cụ như trở thành người khác. Cụ nhanh chóng ngồi thẳng, ánh mắt lấp lánh và nói chuyện về cuộc sống tại Việt Nam cách đây nửa thế kỷ trước, chat Skype với người cháu đang sống tại Moscow và viết sách. Thỉnh thoảng còn tham gia “chém gió” nhiệt thành trên các diễn đàn mà cụ yêu thích.
Hàng ngày, cụ Lê Thi đều lướt mạng để cập nhật tin tức trong nước và trên thế giới. |
Channel New Asia nhận xét, chính sự tò mò và say mê kiến thức này đã giúp cụ Lê Thi trở thành người thông tuệ Internet nhất Việt Nam. Cụ thường đọc tin tức từ Google và Yahoo, cập nhật tài khoản Facebook, liên lạc với gia đình và bạn bè qua Facebook và Skype. Cụ cũng tham gia vào các diễn đàn thơ văn và để lại bình luận.
Cụ Lê Thi bắt đầu học dùng máy tính từ năm 2007 vì đang viết cuốn sách về cuộc đời của mình nhưng rất khó tiếp tục với giấy bút (tay của cụ bị run và không nhìn rõ). Do đó, những người cháu đã mua laptop và dạy cụ đánh máy. 3 năm sau, cụ phát hành cuốn tự truyện 600 trang có tên “Ngược dòng”.
Gia tài của cụ còn có hơn 2.000 bức tranh (dù vậy cụ muốn giữ lại thay vì bán chúng) và viết được khoảng 50 cuốn sách, nhật ký. Tuy nhiên, cụ chưa chịu nghỉ ngơi. Dự án lớn tiếp theo là cuốn sách “Vòng xoáy cuộc sống”, nói về suy nghĩ của cụ trước cuộc sống hiện đại. (Nguồn: cand.com.vn)
Bạc Liêu: Nấu ăn quên tắt bếp gas, một căn nhà bị cháy rụi
Vụ cháy xảy ra tại hộ gia đình của ông Dương Công Bình, ngụ phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo đó, chiều ngày 26/5, vợ chồng ông Bình có nấu cơm chiều bằng bếp gas. Sau đó, 2 vợ chồng ông bỏ đi làm thuê ở gần nhà, nhưng quên tắt lửa bếp gas.
Hiện trường căn nhà bị cháy rụi vì chủ nhà quên tắt bếp ga. |
Trong lúc đang làm việc thì vợ chồng ông Bình nghe hàng xóm báo tin nhà mình bị cháy, 2 vợ chồng mới tá hỏa chạy về thì lửa đã cháy bao trùm cả căn nhà.
Nhiều người dân xung quanh hay tin cũng đã đến hỗ trợ dập lửa, nhưng do lửa cháy quá lớn nên chỉ một lúc sau đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi nhà cấp 4 của ông Bình. Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định có thể do rò rỉ khí gas. (Nguồn: vov.vn)
Cửa hàng 0 đồng hỗ trợ hàng ngàn người dân khó khăn
Cửa hàng rộng chưa quá 20m2 ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri tôn, tỉnh An Giang) nhưng lại có đủ mặt hàng, từ quần áo của các hãng thời trang cho đến các vật dụng thiết yếu trong cuộc sống.
Có những món hàng đã cũ, nhưng cũng có những món mới tinh được gửi về từ khắp mọi miền đất nước.
Nhiều khách vào cửa hàng không chú ý bảng hiệu, khi hỏi giá thì được nhân viên ở đây bảo: “Cứ mang về xài, không cần phải trả tiền”.
Khách đến nườm nượp nhưng ai cũng chỉ lựa cho mình chiếc áo, đôi giày, cái nồi…, vừa đủ cho nhu cầu của mình chứ không tham lam lấy quá nhiều.
Thấy hoạt động của cửa hàng, nhiều người lo rằng ở nơi còn quá nhiều người thiếu thốn, cũng là nơi tạm dừng chân của những người tứ xứ, cửa hàng này chẳng sớm thì muộn sẽ là mục tiêu của nạn... hôi của.
Thế nhưng sau gần 4 tháng mở cửa, từ sáng đến chiều, cửa hàng đã giúp cho hàng ngàn lượt người dân đến đây có được đồ dùng cần thiết, vậy mà hàng hóa luôn luôn đầy ắp.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân (44 tuổi, cửa hàng trưởng) cho biết, trước đây chị có mở điểm nhận và phát hàng hóa ở công viên Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) với tên cửa hiệu là “Cho đi và nhận lại”. Nghĩa là ai có thứ gì, đồ mới hay đồ cũ còn sử dụng được có nhu cầu muốn cho lại người khác còn cần thì ở đây chị sẽ tiếp nhận, giống như một hình thức ký gửi.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân (trái) niềm nở tiếp đón khách hàng, dù họ không phải trả tiền - Ảnh: Tiến Trình |
Tình cờ ông Men Pholly, bí thư Huyện ủy Tri Tôn, lên mạng xã hội đọc thấy chuyện của cửa hiệu “Cho đi và nhận lại” của chị Vân nên đã đề nghị chị giúp tổ chức một điểm tương tự ở Tri Tôn. Ông Pholly hứa sẽ là người đóng góp đầu tiên cho cửa hàng.
Cửa hàng không đồng được nằm dưới sự quản lý của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo của huyện Tri Tôn. Rất nhiều người đến đây làm việc không công cho cửa hiệu, từ việc giao nhận hàng các nơi gửi về, phân loại hàng hóa, giặt giũ, phục vụ khách... (Nguồn: tuoitre.vn)
Bến Tre: 42 công nhân nhập viện do nghi ngộ độc thức ăn, thai phụ có dấu hiệu sinh non
Ngày 28/5, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Bến Tre Trần Văn Mướt cho biết trưa 27/5 đã có 42 công nhân Công ty JY Vina Co (Hàn Quốc) ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, Bến Tre phải nhập viện cấp cứu do nghi độc thức ăn.
Trong số trên, Bệnh viện Minh Đức cấp cứu 33 ca, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cấp cứu 9 ca.
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Trách - bác sỹ chuyên khoa 2 Nội tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Minh Đức (Bến Tre), trưa 27/5, Khoa cấp cứu bệnh viện tiếp nhận bốn ca đầu tiên với tình trạng chóng mặt, đau bụng, nôn ói. Sau đó, nhiều công nhân có tình trạng tương tự được đưa vào cấp cứu (trong số đó có một thai phụ).
Các ca nghi ngộ độc thức ăn đang được điều trị tại bệnh viện |
Theo chẩn đoán ban đầu, đây là những ca ngộ độc nặng, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong.
Đến tối 27/5, sản phụ bị ngộ độc ở Bệnh viện Đa khoa Minh Đức có dấu hiệu sinh non đã được chuyển qua Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để các bác sỹ điều trị.
Đến sáng 28/5 đã có một số bệnh nhân được xuất viện. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Minh Đức còn 20 bệnh nhân và 9 bệnh nhân ở Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đang được các bác sỹ tiếp tục theo dõi.
Đây là lần thứ hai tại Công ty JY Vina Co xảy ra ngộ độc thức ăn, lần đầu vào cuối năm 2016 với trên 60 ca ngộ độc. (Nguồn: vietnamplus.vn)