Đi dọc theo sông Hoài từ cầu Cẩm Nam, nhiều du khách sẽ dễ dàng bỏ qua chiếc thuyền nhỏ của vợ chồng bà Xong bởi chúng lọt thỏm giữa hàng trăm tàu thuyền máy móc hiện đại.
Thế nhưng, hễ nhìn thấy ai đó du khách nào, vợ chồng bà Xong đã hồ hởi đưa tay vẫy chào. Chẳng biết tiếng Tây, tiếng Tàu, hai ông bà chỉ tay vào tấm biển rồi chỉ vào chiếc thuyền. Du khách có khi chẳng kịp hiểu, duy chỉ nụ cười móm mém của bà Xong, ông Tới khiến ai cũng nán lại để chuyện trò.
“Nhiều người không đi thuyền nhưng nhận ra bà qua bức ảnh của ông Réhahn, họ ghé lại chuyện trò, chụp ảnh. Nhiều người khác cũng đi thuyền gọi là ủng hộ, vậy là có đồng ra đồng vào đi chợ”, bà Xong cười vang sau mỗi lần chuyện trò.
Vẻ đẹp mộc mạc của “cụ bà đẹp nhất thế giới” |
Kể về cuộc đời mình, bà tên đầy đủ là Bùi Thị Xong cùng chồng là ông Đỗ Tới đã có hơn nửa đời người gắn với con sông Hoài. Ngày trước ông đi đánh cá thì bà chèo thuyền chở người dân buôn bán qua lại hai bờ. Vài năm nay, khi bến cá quy hoạch, dù gần 80 tuổi, vợ chồng ông bà cũng xoay xở sang chèo thuyền chở khách du lịch.
Cùng nhờ duyên nợ với con sông, con thuyền với hơn nửa đời người trên sông Hoài mà bà Xong tình cờ lọt vào ống kính của nhiếp ảnh gia người Pháp, Réhahn Croquevielle. “Lúc đó chỉ có tôi chèo thuyền, ông người Pháp nói được vài ba chữ tiếng Việt xin chụp ảnh. Nghĩ mình già, có gì đẹp đâu nên tôi che mặt lại xấu hổ lắm. Vậy mà ông ấy chụp ra được người ta khen quá. Chắc vì ông ấy chụp đẹp thôi”, bà Xong nói như thể giải thích cho sự ngợi ca của mọi người về mình, nhưng trong giọng vừa có chút tự hào.
Đó cũng chính là những cảm xúc mà bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” mang đến cho người xem, hình ảnh một cụ bà bình dị Việt Nam được cả thế giới yêu mến gọi tên “cụ bà đẹp nhất thế giới”.
Nhiều người thắc mắc sao bà đã nổi tiếng rồi sao còn đi chèo thuyền, bà Xong vẫn cười nói, “Đứa con lớn của tôi bị bệnh, lớn rồi vẫn như trẻ con, vẫn cần nhờ cha mẹ. Chèo thuyền mỗi ngày có được đồng đi chợ, rồi tích góp chút gì cho con sau này”.
Những ngày mưa hay trái gió trở trời, ông bà phải nghỉ ở nhà nhưng cứ hễ khỏe là họ lại đẩy thuyền ra đi. “Vất vả chứ nhưng còn sức làm là còn vui, được gặp bà con, gặp du khách đưa họ đi thăm Hội An quê mình, tự hào biết mấy”, bà Xong hồ hởi.
Hai vợ chồng cụ mỗi ngày vẫn chèo thuyền đón đưa khách với nụ cười thường trực. |
Cứ mỗi lần chuyện trò, bà Xong lại nhìn khách, nhìn chồng cười giòn tan. Dẫu cuộc đời gắn với sông nước có bấp bênh, có thăng trầm thì qua giọng kể của bà, nụ cười móm mén với những vết chân chim in hằn ở mắt cũng trở nên giản đơn và êm đềm đến kì lạ.
Cũng từ dạo được chụp ảnh, bà Xong kể nhiều khách đi qua sông Hoài cũng để ý tìm thuyền của bà hơn. Có khách muốn tìm bà, hỏi bất kì ai ven sông cũng đều được chỉ dẫn. Những ngày nắng, cứ 8 giờ sáng, hai ông bà lại chèo thuyền lên sông Hoài chờ khách đến tận 6 giờ tối. Từ ngày “bỗng dưng” nỗi tiếng, cuộc sống bà có thêm nhiều điều mới, được đi máy bay ra Hà Nội, được đi chơi. Rồi bà chỉ vào chiếc thuyền đang chở khách: “Quà Réhahn tặng đó, chiếc thuyền cũ đi một đoạn là phải tát nước. Có thuyền mới rồi hai vợ chồng yên tâm chèo thuyền, kiếm tiền nuôi con. Đây là món quà lớn nhất trong đời mà vợ chồng tôi từng được nhận trong đời”.
Bà Xong nay đã gần 80 tuổi thì có nửa đời người gắn với chiếc thuyền và con sông Hoài. |
Có lẽ, vẻ đẹp của bà Xong mà thế giới ca ngợi không hẳn là một hình ảnh mà chính ở đôi mắt đầy nghị lực, luôn sáng bừng trong khó khăn, nụ cười hiền hậu, chân chất của người dân quê nghèo mà bình yên, hạnh phúc. Chẳng biết tiếng Tây tiếng Tàu, đôi mắt và nụ cười gần như là thứ duy nhất bà Xong giao tiếp với du khách. Chẳng cần xa hoa, văn vẻ, với những người lữ khách, vậy là đủ cho một hình ảnh Việt Nam mến khách.