Cư dân “xóm chạy thận”: “Cả năm mới có Tết sum vầy, không về được… cũng buồn”

Trường Hùng
07/02/2021 - 14:59
Cư dân “xóm chạy thận”: “Cả năm mới có Tết sum vầy, không về được… cũng buồn”

Bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, quê quán tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đống Đa.

Đó là tâm lý chung của hơn 100 cư dân nơi “xóm chạy thận” (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội). Vì dịch bệnh Covid-19 và quy định của từng địa phương, họ đã thống nhất cùng ở lại Hà Nội ăn Tết.

Từ sáng tới giữa trưa, ngày 6/2, những người dân nơi đây đã 3 lần nhận quà Tết từ các đoàn hảo tâm. Khi những đoàn từ thiện đến trao quà, con ngõ trở nên vẻ rôm rả, tuy chật chội nhưng ai cũng vui vẻ nói cười. Nhưng rồi sau đó, ai về nhà lấy, con ngõ nhỏ với những ngóc ngách trở nên vẻ buồn thiu, vắng lặng, nhất là trong những ngày cuối năm.

Anh Hoàng Văn Tuấn (47 tuổi, quê quán tại xã Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định) không chịu nổi không khí ngột ngạt trong căn phòng vẻn vẹn 10m2, nên phải ra ngoài cổng hóng tiếng người, mỗi cuộc trò chuyện tuy ngắn ngủi nhưng sẽ giúp anh át đi sự cô đơn.

Cư dân “xóm chạy thận”: “Cả năm mới có Tết sum vầy, không về được,… cũng buồn” - Ảnh 1.

Anh Hoàng Văn Tuấn (47 tuổi, quê quán tại xã Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định)

Đây là năm thứ 19 anh Tuấn "nhập tịch" nơi đây để chữa bệnh và giờ đây suy thận đã sang giai đoạn cuối. Bệnh tật đã lấy của anh tất cả, nghề nghiệp, tuổi trẻ và cả những ước mơ. Trước đây, anh vốn làm công nhân sản xuất ngọc trai ở một công ty ở Hạ Long, sống tự lực trên đôi tay của mình, còn giờ đây anh phải nhờ vào người vợ tảo tần sớm hôm. Với chi phí sinh hoạt cộng chữa bệnh mỗi tháng trung bình mỗi tháng từ 6 - 7 triệu đồng, đã tạo nên gánh nặng cực lớn đối với gia đình anh, đói nghèo lại hoàn đói nghèo.

Cuộc đời anh ít khi có niềm vui, lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, lúc đến ngày chạy thận thì càng khó thở, những ngày bình thường đêm sẽ mất ngủ. Giờ đây, điều duy nhất níu kéo lại anh với cuộc sống này là người con đang học lớp 8 và vì vậy anh mong rằng mình có thể đi lại được, không phải ngồi xe lăn như những người "đồng nghiệp" của mình.

Tết năm nay, cũng như biết bao người khác, anh cũng mong muốn có thể được về quê sum vầy cùng gia đình. Nhưng do dịch dã, cộng thêm trên đường tàu xe về cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh, nên anh đã quyết định thêm một năm nữa ở lại đây, "Tôi không đếm, nhưng có lẽ cũng được 4 - 5 cái Tết rồi!", anh Tuấn tâm sự.

Cư dân “xóm chạy thận”: “Cả năm mới có Tết sum vầy, không về được,… cũng buồn” - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, quê quán tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đi chạy thận tại Bệnh viện Đống Đa

Đi sâu vào phía trong dãy nhà trọ, một dãy nhà cấp 4, lối đi nhỏ hẹp nhưng lại nơi những bệnh nhân tận dụng để đồ đạc và là nơi nấu nướng hàng ngày. Ngay phía trên đầu là ngói fibro và những tấm lợp nhựa sắp xếp một cách lộn xộn. Trong căn phòng cuối cùng của dãy, bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, quê ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã sắp ba lô để chuẩn bị lên Bệnh viện Đống Đa chạy thận. Ba lô đựng hồ sơ bệnh án, nước uống và bữa ăn buổi trưa. Để đỡ tốn tiền và tránh nguy cơ lây nhiễm, bà Sự và một số người khác đã hẹn để cùng thuê xe taxi.

Bà Sự chia sẻ, năm nay là năm thứ 15 bà chạy thận trên này, bà sống với bệnh tật tuy đã quen nhưng những ngày Tết này vẫn mong ngóng về quê ăn Tết. Giờ đây bà đang nghe ngóng tình hình dịch bệnh ở địa phương, nếu trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát và được phép về, bà sẽ bắt xe để về sum vầy cùng con cháu. "Ước mong thì nhiều lắm, nhưng giờ đây tôi chỉ mong muốn dịch dừng lại để được về quê", bà Sự chia sẻ.

Cùng ở với bà Sự trong căn phòng chặt hẹp là bà Trần Thị Kim Oanh (58 tuổi, quê quán tại TP Nam Định). Giá thuê căn phòng này là 2 triệu, để đỡ tốn kém 2 bà đã quyết định thuê chung. Căn phòng bí bách, chỉ để lọt vừa chiếc ván, dưới ván được tận dụng để đồ đạc, ngoài ra còn vừa một lối đi chung.

Cư dân “xóm chạy thận”: “Cả năm mới có Tết sum vầy, không về được,… cũng buồn” - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Kim Oanh (58 tuổi, quê quán tại TP Nam Định) trong căn phòng giá thuê 2 triệu đồng/tháng

Tuy năm nay mới chỉ là năm thứ 6 bà Oanh chạy thận, nhưng đến nay bà đã ở phòng trọ đón Tết 4 lần rồi. Những ngày Tết trước ở khu trọ này tuy mọi người cũng đi chúc Tết nhau, nhưng ăn Tết thì chỉ có mỗi mình. "Tôi vẫn mong muốn rằng được về quê, bởi trong năm mùng 1 Tết là quan trọng nhất, và lúc giao thừa được ở nhà với gia đình là vui nhất", bà Oanh chia sẻ.

Mọi năm, vào dịp Tết, nhà bà Oanh vẫn nấu bánh chưng tại nhà, gói thì thuê người, còn trông lửa là chồng và con trai. Nhờ hai người ngày làm lụng, những năm qua bà mới có tiền ở Hà Nội chữa trị. Bà không có lương hưu, bởi trước đây bà làm công nhân công ty bông y tế nhưng về hưu mất sức, về một cục.

Mỗi tháng dù đã rất tiết kiệm, nhưng chi phí trên đây cũng là một khoản quá lớn đối với sức của gia đình bà. Nhất là năm nay, khi gia đình bà được chính quyền địa phương đưa ra khỏi hộ cận nghèo thì chi phí chạy thận mỗi tháng lại tăng lên, thay vì đóng 500.000 đồng/tháng như trước, giờ đây bà phải đóng hơn 2.000.000 đồng tiền viện phí.

Cư dân “xóm chạy thận”: “Cả năm mới có Tết sum vầy, không về được,… cũng buồn” - Ảnh 4.

Một con ngách nhỏ ở xóm chạy thận - ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

3h30 chiều, bà Oanh sẽ lên Bệnh viện Bạch Mai lọc thận, mỗi tháng trung bình bà lọc thận 12 lần (tháng 30 ngày), còn tháng 31 ngày là 13 lần. Và nếu lọc chậm một ngày thì bệnh tình sẽ biến chứng rất nặng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Bởi vậy, để an toàn cho bản thân và cho mọi người, bà cũng như hơn 100 người dân ở xóm thận đã xác định tâm lý ở lại đón Tết.

Chia sẻ về tình hình ở đây, ông Mai Anh Tuấn, tổ trưởng "xóm chạy thận" cho biết, tại đây có 134 bệnh nhân chạy thận, cho đến thời điểm này chưa có ai về quê ăn Tết. Mọi người rất lo trong quá trình di chuyển về quê sẽ bị lây nhiễm.

Được biết, những người ở xóm chạy thận hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn đến đặc biệt khó khăn. Các bệnh nhân chủ yếu bệnh tình đang ở giai đoạn cuối, trong đó số người chạy thận 10 năm trở lên chiếm phần lớn, ngoài ra người ở lại đây lâu nhất là 25 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm