Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu, nêu bật "cố Tổng bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, người đảng viên cộng sản kiên trung cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân".
Tổng Bí thư ôn lại quá trình tham gia cách mạng và những đóng góp to lớn của cố Tổng bí thư Đỗ Mười với sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước.
Cố Tổng bí thư Đỗ Mười tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông sớm giác ngộ cách mạng, 19 tuổi đã tích cực tham gia phong trào bình dân, tổ chức ái hữu thợ mỏ Hòn Gai.
Tháng 6/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt kết án 10 năm tù. Dù bị tra tấn dã man nhưng ông hết mực kiên trung với cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản, không chịu khuất phục. Ông cùng các chiến sĩ trong tù bí mật tìm cách vươt ngục, bắt liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Đỗ Mười đã vào sinh ra tử, giữ nhiều trọng trách như Bí thư các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình; Phó Bí thư kiêm phó chủ tịch uỷ ban kháng chiến Liên khu III; Chính uỷ quân khu, Bí thư khu uỷ, chủ tịch uỷ ban kháng chiến khu tả ngạn sông Hồng; Bí thư thành uỷ, chủ tịch Uỷ ban quân chính TP Hải Phòng; trưởng ban chỉ đạo khu 300 ngày; phó chủ tịch hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong toả cảng Hải Phòng.
Ông là người trực tiếp tổ chức xây dựng đường ống dẫn dầu bí mật từ Lạng Sơn vào chiến trường miền Nam. Đường ống nhiên liệu huyết mạch góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Sau lễ truy điệu lúc 9h, linh cữu cố Tổng bí thư sẽ qua nhiều tuyến phố trước khi ông an nghỉ tại quê nhà ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì.