Tới dự Lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải...
Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 trong gia đình nhà Nho yêu nước thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xuất thân từ tầng lớp trí thức, cụ được nhiều người biết đến bởi tài năng, đức độ. Cụ tham gia sáng lập và là Hội trưởng Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, một phong trào có nhiều ảnh hưởng trong xã hội Việt Nam đương thời.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Cụ tham gia Cách mạng, giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946, Cụ được cử tri tỉnh Nam Định bầu làm đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, Cụ được bầu giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội). Tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ tham gia Chính phủ mới và giữ chức Bộ trưởng không bộ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cụ sát cánh cùng Chính phủ rời thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp tập kích vào thị xã Bắc Kạn, Cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc bắt, tra tấn dã man và đã hy sinh.
Thời gian giữ chức Trưởng ban Thường trực Quốc hội không dài nhưng là quãng thời gian nước nhà đang ở tình thế nghiêm trọng, nạn đói, nạn dốt, nạn xâm lăng đe dọa nền độc lập. Cùng với Quốc hội, Chính phủ, Cụ Nguyễn Văn Tố có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước còn hết sức khó khăn, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội đoàn kết chặt chẽ, cùng sát cánh với Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, hoạch định và chỉ đạo thực thi các chính sách đối nội, đối ngoại; thay mặt cho Quốc hội và nhân dân góp ý, đề nghị sửa đổi những sắc lệnh về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội của Chính phủ (trước khi các sắc lệnh được ban hành).
Một trong những cống hiến to lớn của Cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - đó là bản Hiến pháp năm 1946. Với những nội dung tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam; khẳng định quyền làm chủ Nhà nước của mỗi công dân, quyền và nghĩa vụ xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố cùng Ban Thường trực Quốc hội tích cực ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc thực thi sách lược đối ngoại tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và những phần tử tay sai. Cụ thể là Ban Thường trực Quốc hội do Cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu đã ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Điều đó cho thấy sự đồng cảm của những tư tưởng lớn luôn gặp nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Nguyễn Văn Tố đã hoàn toàn thống nhất trong những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Cụ Nguyễn Văn Tố đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc. Cụ đã nêu tấm gương mẫu mực của một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa uyên bác; nhà lãnh đạo đức độ, tài năng của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là tấm gương sáng luôn nêu cao tinh thần cần kiệm, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý cá nhân”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của Cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
“Noi gương Cụ, trong mọi hoạt động, công tác, mỗi chúng ta phải luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc và của Đảng lên trên hết; không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các tiên liệt anh hùng dân tộc, trong đó có Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố - Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của Quốc hội Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố, Văn phòng Quốc hội tổ chức trưng bày "Một số hình ảnh về Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố". Sau đây là một số hình ảnh tại triển lãm: