Cử tri Ireland ủng hộ bãi bỏ luật cấm phá thai khắt khe

26/05/2018 - 11:53
Hơn 3,2 triệu người dân Ireland đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi bỏ Luật cấm phá thai. Cuộc thăm dò do tờ Irish Times thực hiện cho thấy, 68% người tham gia ủng hộ bãi bỏ, trong khi có 32% phản đối. Theo đánh giá báo giới, cử tri Ireland đã “làm nên lịch sử”.
leo-varadkar.jpg
Thủ tướng Leo Varadkar bỏ phiếu ủng hộ bãi bỏ Luật cấm phá thai
 
Bà Penny Mordaunt, Bộ trưởng Phụ nữ và Bình đẳng Anh, gọi kết quả ngày 25/5 là một "ngày lịch sử và tuyệt vời cho Ireland". Chính Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Ireland là ông Leo Varadkar (39 tuổi), người được coi là đại diện cho tầng lớp mới, tiến bộ, cho rằng đất nước "làm nên lịch sử" nếu bãi bỏ Luật cấm phá thai.
 
Ireland là quốc gia có một trong những bộ luật về phá thai khắt khe nhất thế giới. Điều 8 sửa đổi trong Hiến pháp Ireland quy định cấm phá thai, ngoại trừ trường hợp mạng sống của người mẹ bị đe dọa. Còn với các trường hợp mang thai do bị cưỡng hiếp, loạn luân hoặc thai nhi có dị tật, việc phá thai cũng không được phép thực hiện. Vì phá thai là bất hợp pháp ở Ireland nên hằng năm, có 3.000 phụ nữ Ireland phải vượt 200km để phá thai ở Anh. 
ireland-quyen-pha-thai-3.jpg
Đấu tranh đòi quyền phá thai để tránh xảy ra chuyện thương tâm với Savita Halappanavar
 
Luật sửa đổi thứ 8 bắt đầu gây làn sóng phản đối sau cái chết của cô Savita Halappanavar (31 tuổi) năm 2012. Cô Savita đến một bệnh viện bởi cơn đau dữ dội. Các bác sỹ nói rằng khả năng sẩy thay của cô là "không tránh khỏi" nhưng lại từ chối hủy cái thai. Cô Savita qua đời sau đó vài ngày vì nhiễm trùng máu. Chồng cô lúc bấy giờ nói rằng vợ mình có thể vẫn sống nếu như phá thai. Sự việc sau đó lan rộng và làm nảy sinh làn sóng biểu tình rộng lớn ở Ireland. "Nó đã không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết chỉ bởi Luật sửa đổi thứ 8", cha của cô Savita nói với tờ Guardian hồi đầu tháng 5 vừa qua.
 
 
Các tranh luận xung quanh vấn đề quyền phá thai tại đây đã kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ qua. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc từ lâu đã kêu gọi Ireland xem xét lại vấn đề cấm đoán gần như hoàn toàn hoạt động nạo phá thai. Trong suốt 35 năm qua, Ireland đã tổ chức 6 cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến vấn đề nạo, phá thai nhưng cuộc bỏ phiếu lần này được cho là quan trọng nhất, nắm vai trò quyết định liệu người dân Ireland có được phép phá thai khi thai nhi đã được 12 tuần tuổi. 
 
ireland-quyen-pha-thai-4.jpg
Biểu ngữ của người tuần hành với thông điệp "Hãy cho phụ nữ quyền lựa chọn" hay "Ireland cần cho phép phá thai"
 
Nhóm ủng hộ việc sửa đổi luật lại cho rằng phụ nữ cần nhận được nhiều sự cảm thông và bao dung hơn. Họ đưa ra những trường hợp bi thảm cần thiết phải phá thai như thai nhi bị mắc những di chứng, tật nguyền nguy hiểm đến tính mạng hay một người phụ nữ bị hãm hiếp dẫn đến có thai… để nhấn mạnh đây là lúc Ireland cần thay đổi cái nhìn của họ về Luật Phá thai. Trường hợp của Amy và Conor Callaghan là một ví dụ điển hình, cặp đôi này đã phải tới Liverpool để bỏ đi đứa con gái 12 tuần tuổi của mình sau khi phát hiện cô bé mắc một di chứng nguy hiểm có tên “Anencephaly” (Không não) - hiện tượng thiếu một phần hoặc toàn bộ xương sau sọ và các bán cầu não. “Đây không phải câu chuyện mà chúng tôi muốn kể ra với tất cả mọi người nhưng tôi muốn họ biết rằng đã đến lúc phải thay đổi cái nhìn về việc phá thai”, Conor giải thích về quyết định của họ.
 
3 năm trước, Ireland đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính bằng cách bỏ phiếu phổ thông. Đó cũng là động lực để các nhà hoạt động nữ quyền có thêm quyết tâm. Hiện các lá phiếu thăm dò mới nhất cho thấy phe nói "Có" với việc bãi bỏ luật cấm phá thai đang trên đường giành chiến thắng. Cuộc thăm dò do tờ Irish Times thực hiện và công bố mới đây cho thấy 68% người tham gia ủng hộ bãi bỏ Luật sửa đổi thứ 8, trong khi chỉ 32% phản đối. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm