Cua đồng sơ chế, ăn theo cách này dễ phải đi cấp cứu

LÊ PHƯƠNG
27/06/2022 - 14:20
Cua đồng sơ chế, ăn theo cách này dễ phải đi cấp cứu
Rất nhiều người vì lười hoặc tiện thể nên chọn cách mua cua xay sẵn ở ngoài chợ hoặc mua qua mạng rồi nhận giao tới tận nhà. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ với sức khỏe.

Cua đồng xay sẵn rất nguy hiểm

Ai cũng biết canh cua đồng là món ăn phổ biến và được yêu thích vào mùa hè. Loại thực phẩm này dù ngon và bổ dưỡng, nhưng việc lựa chọn và chế biến cũng không hề dễ dàng. Theo đó, nếu kết hợp thực phẩm không đúng, lựa chọn nguồn cua không đảm bảo hoặc sử dụng sai cách sẽ ảnh hưởng ngay tới sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, cua đồng là món ăn bổ dưỡng, giúp giải nhiệt trong mùa hè, nhất là khi kết hợp một số loại rau như rau đay, mướp, mùng tơi, rau ngót để nấu canh. Tuy nhiên, đây cũng là thực phẩm không phải ai cũng ăn được, vì trường hợp dị ứng với hải sản, khi ăn có thể phải nhập viện cấp cứu.

Qua quan sát, PGS Thịnh cảnh báo, hiện nay rất nhiều người lười sơ chế cua đồng nên ra chợ mua hoặc đặt hàng qua mạng cua đã xay sẵn. Đây là sai lầm cần phải thay đổi, vì nó làm tăng nguy cơ ngộ độ khi ăn.

PGS Thịnh cảnh báo, mọi người mua sẵn cua đã say về chế biến nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn. Ảnh: Lê Phương

“Với cua đồng, khâu lựa chọn và chế biến rất quan trọng. Điều này không chỉ làm tăng độ ngon, độ ngọt của bát canh, mà còn tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, khi chọn cua cần chọn con sống khỏe, về bóc mai chế biến sạch sẽ để loại bỏ tạp chất, ký sinh trùng…

Với cua đã chế biến sẵn ở chợ hay bán qua mạng mà không rõ xuất xứ, tiểu thương có thể trộn cua sống, cua chết với nhau. Đó là chưa kể, khi sơ chế ẩu rất dễ bị sót ký sinh trùng như sán, thậm chí là cả đỉa ở trong cua. Điều này, là vô cùng tai hại”, ông Thịnh cho hay.

Theo khuyến cáo của PGS Thịnh, nếu ngại làm thì tốt nhất người nội trợ nên ra chọn cua trực tiếp, giám sát quá trình sơ chế và xay cua của người bán. Bởi những con cua sau chết sẽ sinh ra độc tố có tên acid amin histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Lượng độc tố này sinh ra càng nhiều khi cua chết để càng lâu. Khi ăn lại chế biến không kỹ dễ ngộ độc cấp.

Cần đặc biệt lưu ý đến khâu chế biến cua đồng, tuyệt đối không ăn cua đã chết (Ảnh minh họa)

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo, người dân tuyệt đối không nghe lời truyền tai uống nước cua say sống để nhanh hồi phục thể lực, chóng lành vết thương. Việc làm này không chỉ trái nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, mà sẽ tăng nguy cơ nhiễm giun sán, nhất là sán lá phổi rất cao.

Không ăn cua đồng nấu lại

Ngoài những vấn đề trên, lương y Vũ Quốc Trung cũng cho rằng, khi nấu canh cua mọi người chỉ nên nấu vừa đủ ăn, ăn không hết nên đổ bỏ, tuyệt đối không nấu lại canh cua để ăn. Bởi cua đồng là thực phẩm giàu đạm nên nếu tiếp xúc ngoài không khí trong một thời gian dài rất dễ sinh ra các vi khuẩn có hại, gây thiu, hỏng nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng mùa hè.

Tuyệt đối không ăn cua nấu đi, nấu lại nhiều lần. (Ảnh minh họa)

Không chỉ có vậy, khi ăn cua xong cũng không nên dùng nước chè hoặc ăn quả hồng. Việc làm này có thể gây ra một số phản ứng như lợm giọng, đau bụng, tiêu chảy hay nôn mửa... do tanin trong trà hoặc quả hồng kết hợp với protein có trong cua đồng sinh ra phản ứng, điển hình nhất là vón cục thức ăn ở đường tiêu hóa.

Với những người có tiền sử dị ứng, người bị tiêu chảy, người mới ốm dậy hay bị bệnh gout cũng không nên ăn cua đồng. Bởi cua đồng có tính hàn, ăn vào sẽ gây lạnh bụng khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Ngoài ra, trong cua đồng có chứa nhiều kali và prunes nên không tốt cho người bị bệnh gout.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm