pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cúm tác động đến não như thế nào?
![Cúm tác động đến não như thế nào?](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/12/sick-woman-flu-cold-tissue-headache-influenza-virus-sore-throat-glass-of-water-1024x683-17393286440612092395969-7-0-647-1024-crop-17393286509551989008823.jpg)
Khi làn sóng nhiễm cúm đang lan rộng, điều quan trọng là chúng ta phải lưu ý đến các khía cạnh mà cúm có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thông thường, cúm sẽ gây ra các vấn đề về hô hấp như khó thở, ho, đau họng,... nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng cúm cũng tác động đến não của bạn, đây là một trong những biến chứng cúm mùa cần lưu ý.
1. Cúm tác động đến não như thế nào?
Khi bị cúm, người bệnh thường cảm thấy chậm chạp, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng,... tất cả những điều này là do sự tác động của vi-rút đối với não.
Theo Timesofindia, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng một nhóm tế bào thần kinh trong cổ họng phát hiện ra vi-rút cúm và gửi tín hiệu đến não, gây ra các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn và chậm chạp.
Ngoài ra, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature nhằm tìm hiểu lý do tại sao điều này xảy ra. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng đó là do nhiễm trùng dẫn đến sản xuất các hoá chất gọi là prostaglandin, giúp cơ thể chống lại bệnh tật nhưng cũng khiến bạn cảm thấy không khoẻ. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các hoá chất này không cần di chuyển đến não thông qua mạch máu. Thay vào đó, các tế bào thần kinh trong cổ họng phát hiện chúng trực tiếp và gửi tín hiệu đến não.
![Cúm tác động đến não như thế nào?- Ảnh 1. Cúm tác động đến não như thế nào?- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/179072216278405120/2025/2/12/flu-sos1200-17393264004171218328347-1739328609165-1739328610006366945534.jpg)
Cách cúm tác động đến não (Ảnh: ST)
Theo Draxe, khi vi-rút tấn công cơ thể, tế bào bạch cầu T trong hệ thống miễn dịch tổng hợp và giải phóng các cytokine. Cytokine là protein kháng thể tiền viêm kích hoạt và tổ chức phản ứng miễn dịch đó đối với nhiễm trùng do vi-rút.
Cytokine cũng được giải phóng trong các vùng khác nhau của não và gây ra các triệu chứng sốt, mệt mỏi, cùng với việc giảm cảm giác thèm ăn, động lực, tâm trạng, chức năng vận động tâm lý và khả năng tập trung.
Ngoài ra, cytokine kích hoạt một con đường làm cạn kiệt tiền chất của một số chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh này có nhiều vai trò như:
+ Dopamine và serotonin có liên quan đến tâm trạng tốt, khả năng ghi nhớ và học tập.
+ Noradrenaline liên quan đến phản ứng
+ Choline liên quan đến ghi nhớ thông tin mới
Khi các chất dẫn truyền thần kinh này bị gián đoạn hoặc cạn kiệt, cơ thể sẽ phản ứng chậm hơn, mệt mỏi, không thể ghi nhớ và học tập.
2. Biến chứng não liên quan đến cúm
Biến chứng cúm mùa có thể bao gồm viêm phổi, viêm cơ tim, hen suyễn,... và có thể gây ra các vấn đề về não. Một nghiên cứu từ Đại học Michigan đã phát hiện ra rằng những người nhập viện vì nhiễm cúm nặng có thể phải đối mặt với nguy cơ tổn thương não lâu dài cao hơn so với những người nhập viện vì Covid.
Tương tự như Covid kéo dài, cúm có thể kéo dài ở một số người và để lại một loạt các triệu chứng khó chịu bao gồm sương mù não, đau đầu dai dẳng, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng. Theo nghiên cứu này, cúm nặng có thể để lại tác động lâu dài hơn lên não so với nhiễm Covid nghiêm trọng tương đương.
Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân nhập viện vì cúm có khả năng tìm kiếm sự trợ giúp y tế cho các vấn đề về thần kinh cao gấp gần 2 lần trong năm sau khi mắc bệnh so với những người nhập viện vì Covid. Điều này bao gồm nguy cơ đau thần kinh tăng 44%, nguy cơ phải chiến đấu với chứng đau nửa đầu dai dẳng cao hơn 35% và nguy cơ đột quỵ hoặc chứng mất trí cao hơn tới 10%.
Lý do cho điều này có thể là tình trạng viêm lan rộng khắp cơ thể do nhiễm trùng gây ra, có thể gây hại cho các mạch máu.
![Cúm tác động đến não như thế nào?- Ảnh 2. Cúm tác động đến não như thế nào?- Ảnh 2.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/179072216278405120/2025/2/12/flutissuefever-17393281771841226666278-1739328612104-17393286121661395679992.jpg)
Những người bị cúm nặng có thể đối mặt với nguy cơ tổn thương não lâu dài cao hơn (Ảnh: ST)
Dưới đây là 4 biến chứng não liên quan đến cúm, trong đó có những biến chứng nguy hiểm:
- Sương mù não
Sương mù não không chỉ liên quan đến COVID-19 mà còn có thể xảy ra với bệnh cúm và các bệnh nhiễm trùng khác. Các protein gây viêm hình thành như một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể với vi-rút làm suy giảm chức năng nhận thức. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những suy giảm này có thể kéo dài vài tuần sau khi các triệu chứng cúm thông thường đã thuyên giảm.
Các triệu chứng của sương mù não:
+ Khó tập trung hoặc chú ý
+ Lú lẫn
+ Mệt mỏi
+ Hay quên
+ Mất đi mạch suy nghĩ
+ Mệt mỏi về mặt tinh thần
+ Không nghĩ ra từ ngữ phù hợp
+ Quá trình suy nghĩ và phản ứng chậm
Không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho chứng sương mù não, trước tiên bạn có thể tăng cường miễn dịch bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, vận động thể chất khoảng 30 phút mỗi ngày, nghỉ giải lao ngắn khi làm việc để não không quá sức, trò chuyện với mọi người.
![Cúm tác động đến não như thế nào?- Ảnh 3. Cúm tác động đến não như thế nào?- Ảnh 3.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/179072216278405120/2025/2/12/head-in-hands-stock-gty-jef-2204011648845987135hpmain-17393265040491787113766-1739328613076-1739328613315422683352.jpg)
Sương mù não do cúm có thể kéo dài trong vài tuần (Ảnh: ST)
- Viêm dây thần kinh tiền đình
Đây là một rối loạn tai trong có thể gây chóng mặt, buồn nôn, mất cân bằng và khó tập trung. Tình trạng này cũng có thể gây ra chứng ù tai và mất thính lực tạm thời. Cúm, nhiễm trùng tai trong và thậm chí cả vi-rút gây bệnh zona và thủy đậu có thể dẫn đến viêm dây thần kinh tiền đình.
- Viêm thần kinh dài hạn
Các khiếm khuyết về nhận thức bao gồm suy giảm khả năng hình thành trí nhớ không gian (xử lý thông tin về vị trí và môi trường xung quanh) và suy giảm lâu dài hệ thần kinh trung ương đã được báo cáo là hậu quả của bệnh cúm.
- Bệnh não liên quan đến cúm
Đây là tình trạng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm và có thể đe doạ tính mạng. Vi-rút cúm có thể xâm nhập vào não thông qua các tế bào nội mô, tạo thành một hàng rào bảo vệ giữa máu và não. Khi vào bên trong, virus không nhân lên mà tích tụ các protein vi-rút, làm hỏng hệ thống phòng thủ của não.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại thuốc kháng vi-rút thông thường ngăn chặn sự phát triển của vi-rút có thể không hiệu quả đối với bệnh não liên quan đến cúm. Tuy nhiên, các loại thuốc ngăn chặn sản xuất protein vi-rút đã cho thấy kết quả khả quan ở chuột, làm giảm tổn thương não và cải thiện tỷ lệ sống sót.
3. Cách điều trị và chăm sóc khi bị cúm tránh biến chứng lên não
Mặc dù là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, nhưng nếu chủ quan và lơ là trong việc điều trị và chăm sóc cúm, bạn có thể trở nặng và có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là một số lời khuyên khi bị cúm để giúp bệnh nhanh khỏi và phòng tránh sự ảnh hưởng của cúm đến não:
- Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể tập trung năng lượng vào việc chống lại vi-rút, giúp cơ thể "rửa sạch" các chất thải tích tụ giữa các tế bào não.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp các dưỡng chất cho cơ thể để tăng cường hệ miễn dịch và chống lại vi-rút. Bạn nên ăn nhiều trái cây, rau củ quả giàu vitamin C và ăn những thực phẩm giàu kẽm.
- Sử dụng thuốc không kê đơn khi bị đau nhức hoặc sốt và có thể sử dụng thuốc kháng vi-rút nếu được bác sĩ kê đơn.
- Uống nhiều nước để bù nước lại cho cơ thể, bạn có thể uống nước lọc, nướp ép trái cây, nước dừa,...
Nhìn chung, cúm thường sẽ tự khỏi trong khoảng vài ngày hoặc dưới 2 tuần. Tuy nhiên, cúm cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm - đặc biệt đối với những trường hợp như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch kém hoặc suy yếu. Do đó, khi bị cúm bạn không nên chủ quan mà cần có chế độ chăm sóc sức khoẻ tốt.
Nếu thấy các triệu chứng khó thở hoặc thở gấp, đau ngực, da xanh xao, không cắt sốt, buồn nôn, chóng mặt khi bị cúm, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.