pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cùng mẹ đỡ đầu tạo điểm tựa vững chắc cho trẻ mồ côi
Bà Lại Thị Mai Hương
Một trong những vấn đề đặt ra sau hơn 2 năm triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" là duy trì hiệu quả và đảm bảo tính bền vững của Chương trình. Bối cảnh kinh tế khó khăn đã và đang tác động không nhỏ đến việc duy trì nguồn lực chăm lo cho trẻ mồ côi.
Từ thực tế địa phương, bà Lại Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nhà Bè (TPHCM), đã chia sẻ một số kinh nghiệm, hoạt động đồng hành cùng các mẹ đỡ đầu, tạo điểm tựa vững chắc cho trẻ.
PV: Xin bà cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu", tình hình của những trẻ được đỡ đầu trên địa bàn huyện hiện nay như thế nào?
Bà Lại Thị Mai Hương: Trên địa bàn huyện Nhà Bè có 53 trẻ có cha, mẹ mất do Covid-19, trong đó, 6 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 47 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Hiện nay, tất cả số trẻ này đều có mẹ đỡ đầu. Các mẹ đỡ đầu trở thành người mẹ thứ hai, đồng hành cùng các con, vừa là "cầu nối", vừa là điểm tựa, thường xuyên quan tâm, chăm sóc, trò chuyện, định hướng để trẻ không bị chông chênh.
Với sự đồng hành của mẹ đỡ đầu, các con đã lạc quan hơn, có thêm động lực để cố gắng, hướng đến tương lai tốt đẹp. Một số con đã gửi thư đến cho chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn với mẹ đỡ đầu, các mạnh thường quân, khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.
Trong đó, em Nguyễn Ngọc Tường Vy (Trường Tiểu học Trang Tấn Khương, huyện Nhà Bè) đã xúc động chia sẻ với tôi rằng: "Cha con mất do Covid-19. Cuộc sống của gia đình khó khăn nhiều lắm, mẹ con bán hàng rong, ông bà ngoại thì già yếu. Con sợ không được đi học, không được đến lớp. Với sự yêu thương, hỗ trợ học bổng của các cô chú, con đã được đi học trở lại".
Những lời nói đó là động lực để chúng tôi thêm nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả và lan tỏa Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chương trình "Vòng tay yêu thương" do Hội LHPN TPHCM phát động.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, ắt hẳn cũng có không ít khó khăn, thưa bà?
Bà Lại Thị Mai Hương: Việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ đến năm 18 tuổi là một hoạt động dài hơi. Tính trung bình số tiền hỗ trợ mỗi tháng là từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng thì tổng kinh phí hỗ trợ cho 1 con đỡ đầu đến năm 18 tuổi có thể lên đến khoảng 200 triệu đồng.
Thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh có những khởi sắc. Tuy nhiên, các công ty, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Các mạnh thường quân, các doanh nghiệp trực tiếp hỗ trợ chương trình "Mẹ đỡ đầu" trên địa bàn huyện cũng không nằm ngoài khó khăn chung đó.
Ngoài ra, một số trẻ mồ côi do Covid-19 thuộc đối tượng tạm trú nên việc rà soát, cập nhật tình hình không dễ dàng.
PV: Vậy Hội LHPN huyện Nhà Bè đã có những hoạt động gì để duy trì hoạt động chăm lo cho các con?
Bà Lại Thị Mai Hương: Hiện nay, 53 trẻ mồ côi do Covid-19 được nhận đỡ đầu vẫn đang được chăm lo đều đặn hàng tháng, với số tiền hỗ trợ từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng/em. Để làm được điều này, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã nỗ lực không ngừng trong việc đồng hành cùng các mẹ đỡ đầu, thường xuyên có những trao đổi để kịp thời tháo gỡ những khó, vướng mắc của các mẹ.
Bên cạnh việc vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng cho trẻ hằng năm, Hội đã hỗ trợ chăm lo nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, sữa và bánh kẹo cho các em, đồng thời, phân công cán bộ Hội trên địa bàn cùng chăm sóc trẻ được nhận đỡ đầu.
Để có kinh phí triển khai hoạt động chăm lo này, chúng tôi đã tổ chức "Ngày hội trẻ em", Ngày hội "Thiếu nhi vui xuân". Các Ngày hội này không chỉ tạo sân chơi cho các con đỡ đầu mà qua đó còn huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm để trao quà và học bổng cho trẻ mồ côi, với tổng kinh phí 132 triệu đồng.
Tại "Ngày hội trẻ em" cấp thành phố, chúng tôi đã phối hợp với Hội LHPN huyện Cần Giờ tổ chức gian hàng nước phục vụ cho 500 trẻ. Số tiền thu được từ Ngày hội dành để hỗ trợ các em.
Để đảm bảo chỗ dựa vững chắc cho các con, Hội đã tổ chức thực hiện công tác giám sát thường xuyên việc thực hiện chế độ hỗ trợ con đỡ đầu, đồng thời, phân công Chi hội phụ nữ phụ trách từng trường hợp và thực hiện báo cáo kết quả chăm lo hằng tháng.