Cuộc chiến của người mẹ có con 13 tháng tuổi phải ghép gan

05/10/2016 - 14:44
Sinh ra với chứng teo đường mật bẩm sinh, dù được phẫu thuật nhưng bé trai T.H 13 tháng tuổi vẫn tiến triển xơ gan nên bé đã phải trải qua cuộc phẫu thuật ghép gan sinh tử hôm 4/10 vừa qua.

Ngồi đợi con trai và chồng đang trong phòng phẫu thuật, chị V. (32 tuổi), ngụ tại quận Tân Bình (TP.HCM) không giấu được sự lo lắng. Trong sâu thẳm trái tim người mẹ trẻ này, chị ước có thể thay con nằm trong phòng phẫu thuật, giúp con giảm bớt những cơn đau.

Theo lời kể của chị V., từ khi kết hôn với anh H. (sinh năm 1978), hai vợ chồng chị từng trải qua nhiều năm tháng làm đủ mọi biện pháp điều trị hiếm muộn. Ngày chị biết tin mình đậu thai là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị. Vậy là sau bao nỗ lực, cố gắng của hai vợ chồng, “trái ngọt” là cậu con trai kháu khỉnh chào đời, với chị, đó là tài sản vô giá.

Tuy nhiên, khi bé T.H., vừa chào đời thì xuất hiện triệu chứng vàng da, đi ngoài và được bác sĩ chẩn đoán xơ gan do teo đường mật bẩm sinh. “Khi đó, con mới được 7 tuần tuổi, vợ chồng tôi tâm niệm dù khó khăn như thế nào cũng phải điều trị bệnh cho con. Kể từ ngày đó, mỗi lần con sốt nóng, vàng da, mệt mỏi, quấy khóc..., chúng tôi lại phải đưa cháu vào viện. Tôi cũng từ bỏ công việc của mình để có thời gian chăm sóc con, đưa con đi bệnh viện và "chiến đấu" cùng con”, chị T. chia sẻ.

Tại thời điểm đó, bé T.H. đã phải trải qua cuộc phẫu thuật Kasai (phẫu thuật nối đường mật) tuy nhiên đó chỉ là biện pháp tạm thời.

nh-2.jpg
 Chồng chị T. hiến một phần gan cho con trai.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, con trai chị cần được ghép gan. Nhưng ghép ở đâu, nguồn gan như thế nào, chi phí lấy đâu ra...? là những câu hỏi luôn ám ảnh khiến chị T. chưa một ngày nào ngon giấc. Chị kể: “Tìm hiểu khắp nơi, chúng tôi cũng biết ghép gan cần bác sĩ giỏi, bệnh viện có kinh nghiệm, chi phí cao... Nhưng, vợ chồng tôi quyết tâm, khó mấy cũng phải cùng con vượt qua. Khi được giới thiệu, chúng tôi tìm đến BV Nhi đồng 2, trải qua nhiều xét nghiệm, con may mắn có kết quả phù hợp với gan của cả cha và mẹ. Nhưng, nhóm máu của chồng tôi tương thích hơn nên anh tình nguyện cùng con bước qua cuộc chiến sinh tử này”.

nh-3.jpg
 Ca ghép gan được thực hiện bởi ekip bác sĩ đầu ngành.

Là người cố vấn cho ekip phẫu thuật ghép gan của bé H. vào sáng 4/10 tại BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), GS.BS Trần Đông A cho biết, trong 10 ca ghép gan được thực hiện thành công từ năm 2005 tại BV Nhi đồng 2, đây là ca duy nhất người cho gan là cha ruột. Trên hình ảnh học, gan người cha không thấy nhiễm mỡ nhưng các bác sĩ vẫn tính đến phương án phẫu thuật nếu gan có nhiễm mỡ, xuất hiện tình trạng chảy máu thì sẽ truyền máu hoàn hồi. Các tình huống dự trù xử lý chảy máu sau mổ cũng được chuẩn bị sẵn sàng. “Ghép gan cho trẻ dưới 2 tuổi đòi hỏi kỹ thuật khó khăn hàng đầu trong ghép tạng. Do mạch máu, đường mật rất nhỏ, phải nối bằng vi phẫu nên quá trình mổ không được phép sơ sót”, GS Đông A cho biết.

Còn theo BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, khả năng thành công của phẫu thuật có thể lên đến 90%. Sau 10 giờ phẫu thuật, ca ghép gan đã kết thúc, sớm hơn so với dự kiến khoảng hai giờ, mảnh gan lấy ra nặng 230 g được ghép cho bé H. thuận lợi. Sức khỏe cả hai cha con sau mổ đều khá ổn định, đã được chuyển vào phòng hậu phẫu và hồi sức để tiếp tục theo dõi. “Bé H. còn trải qua nhiều giai đoạn như chống nhiễm trùng, chống thải ghép, phải nuôi ăn bằng chế độ đặc biệt, chích vitamin bổ sung… đòi hỏi phải rất kiên nhẫn và gian nan”, BS Thạch chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm