pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cuộc chiến" giành sự sống cho 2 bé sinh non lúc 25 tuần
Cũng giống như bao người khác, chị A Ninh (31 tuổi) đến từ Triều Sán, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, rất vui khi biết mình mang song thai. Tuy nhiên, tới ngày 8/2 năm nay, A Ninh tới Bệnh viện số 3 thuộc trường Cao đẳng Y tế Quảng Châu để kiểm tra sức khỏe vì bị đau bụng thì chị bị dọa sảy thai.
Con của chị A Ninh bị sinh non ở tuần 25 thai kỳ.
Ngày 17/4, chị A Ninh bị co thắt mạnh và hạ sinh một bé trai, một bé gái ở tuần thứ 25 thai kỳ. Hai chị em chào đời cách nhau 40 phút, hơi thở yếu và các cơ quan chưa phát triển hoàn thiện. “Tôi đã phải nhập viện từ tháng 2 và có hy vọng kéo dài thai kỳ tới tuần thứ 28, nhưng không ngờ rằng tôi lại sinh con ở tuần thứ 25”, A Ninh chua xót nói.
Do sinh non nên khi chào đời, cặp song sinh chỉ lớn bằng bàn tay và đầu không to bằng nắm tay. Bé gái là chị, nặng 465g, có làn da mỏng như một tờ giấy, mạch máu nổi rõ, cánh tay nhỏ hơn ngón tay người lớn, bàn chân không to bằng ngón tay cái.
Đứa trẻ chỉ bằng bàn tay người lớn, đỏ hỏn.
“Ngay sau khi sinh con, tôi được các bác sĩ vây xung quanh. Tôi nghe nói con tôi đã ra đời nhưng không nghe ai nói đứa trẻ còn sống hay không cho đến khi tôi nghe tiếng khóc đầu tiên. Tôi cố gắng lắm mới nhìn thấy con mình. Nhỏ và đỏ hỏn chính là ấn tượng đầu tiên của tôi về các con”, A Ninh nghẹn ngào nói.
Theo quy định, để điều trị cho những đứa trẻ, việc đặt nội khí quản phải hoàn thành trong vòng 20 giây. Tuy nhiên, do hai đứa trẻ quá nhỏ nên chiếc ống soi thanh quản nhỏ nhất cũng trở nên rất lớn đối với 2 bé. Điều này mang lại thách thức rất lớn cho các bác sĩ trong việc điều trị.
Nhưng may mắn thay, các bác sĩ tại bệnh viện lại có tay nghề cao, bác sĩ Hoàng Tiểu Hà và bác sĩ Tằng Kiện Phi đã cùng nhau hoàn thành việc đặt nội khí quản cho 2 bé, đồng thời sử dụng máy hồi sức kết hợp ống chữ T để thông khí bằng áp lực dương. Dù vậy, 2 đứa trẻ vẫn thở rất yếu.
Ngô Phồn, Giám đốc khoa sơ sinh cho biết: “Đây là hội chứng suy hô hấp điển hình ở trẻ sơ sinh. Trước tình hình đó, trong vòng 10 phút sau khi những đứa trẻ khi chào đời, các bác sĩ đã phải dùng tới chất hoạt diện phổi (chất giúp duy trì độ căng của bề mặt phổi) rồi đưa chúng vào lồng ấp sơ sinh đặc biệt với nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, chuyển lên khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU)".
Khi vừa mới chào đời, cặp đôi đã phải đối mặt với nhiều thử thách sinh tử.
“Lúc đó, chúng tôi không có thời gian đưa 2 đứa bé ra cho người mẹ xem. Vì chúng còn quá nhỏ so với tuổi thai, cần phải tránh di chuyển quá nhiều, bởi nếu không cẩn thận có thể gây xuất huyết nội sọ”, bác sĩ Ngô Phồn nói thêm. Ngoài ra, mọi thao tác xử lý phải thật nhẹ nhàng, nhanh chóng, cẩn thận, vì chỉ cần một chút bất cẩn cũng có thể dẫn đến bi kịch.
Với tuổi thai nhỏ và nhẹ cân như vậy, chắc chắn cặp song sinh sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách sinh tử. Đến ngày thứ 3 sau khi chào đời, bé gái bị xuất huyết não và đội ngũ y bác sĩ phải áp dụng một loạt các phương pháp để duy trì mạng sống của em.
Sau nhiều ngày điều trị, hai đứa bé đã có da có thịt và có thể xuất viện.
Sinh non khiến các cơ quan của 2 đứa trẻ kém phát triển, hệ thống miễn dịch và hô hấp vô cùng mỏng manh. Sau đó, cặp song sinh long phượng lại gặp phải trở ngại khác – viêm phổi nặng. Sau một thời gian điều trị, cuối cùng các bác sĩ đã giúp hai chị em vượt qua giai đoạn nguy hiểm ở thời điểm 22 ngày sau khi chào đời. Máy thở cũng được tháo ra và không có biến chứng nghiêm trọng nào khác xảy ra.
Trong quá trình điều trị, ngoài xuất huyết não và viêm phổi, hai đứa trẻ còn bị loạn sản phế quản phổi, không dung nạp thức ăn, thiếu máu, mất cân bằng điện giải và một số vấn đề khác nhưng đều được các nhân viên y tế điều trị và chăm sóc tận tình.
Cân nặng hiện tại của 2 đứa trẻ lần lượt là 2,35kg và 3,34kg.
Sau 88 ngày chào đời, cặp đôi được chuyển ra khỏi NICU. Vượt qua nhiều nguy hiểm, cân nặng của 2 đứa trẻ cũng nhanh chóng tăng lên lần lượt là 2,35kg và 3,34kg. Tới ngày 11/8 vừa qua, cuối cùng hai đứa trẻ được xuất viện sau 116 ngày nằm viện với tình trạng khỏe mạnh.