“Cuộc chiến săn sale” cuối năm: Làm gì để mua sắm hiệu quả?

Hỉa Yến
23/12/2021 - 21:35
“Cuộc chiến săn sale” cuối năm: Làm gì để mua sắm hiệu quả?

Dịp cuối năm, nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển "sale up to 80" (giảm giá lên đến 80%).

Dịp cuối năm, nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển "sale up to 80" (giảm giá lên đến 80%).
"Tiền mất tật mang"

Minh Trang (30 tuổi, ở Láng Hạ, Hà Nội), cho biết, cô đã "nướng" hết gần 5 triệu đồng để mua những món đồ giảm giá trong dịp cuối năm này. "Mình đã thức từ 0h đến 3h chỉ để săn sale, khi thì vài miếng rửa bát, dây buộc tóc, ốp điện thoại, có lúc lại là bộ thời trang, mỹ phẩm đắt tiền", Trang chia sẻ. Trang cho biết: "Nói chung, cảm giác giành giật, tranh nhau mua một món đồ giá rẻ khiến mình hưng phấn. Tiếc rằng, nhiều món đồ mua xong lại không sử dụng, gây lãng phí".

Tương tự, Nguyễn Thúy Anh, sinh năm 2000 ở Hà Nội, cho biết, cô cũng đặt gần 20 đơn hàng trong một tháng qua. Tuy nhiên, số đồ Thúy có thể dùng được chỉ có 2 - 3 món, còn lại đều bị quăng vào góc tủ. "Tôi cứ nghĩ, giá rẻ thế này sao mình không mua, lại còn được miễn phí vận chuyển, mua chưa dùng có thể để đó mà. Thực chất, đồ mua về mà không dùng ngay thì có nguy cơ không sử dụng rất cao", Thuý Anh chia sẻ.

Lê Xuân Anh (Ba Đình, Hà Nội) kể rằng, chị vừa đặt mua 10 hộp khẩu trang cho trẻ em với giá 398.000 đồng. "Lúc ấy, tôi đã thật sung sướng vì nghĩ rằng mình săn được hàng rẻ. Mấy hôm sau, tôi tình cờ phát hiện ra, loại khẩu trang đó chỉ có giá 15.000 đồng/hộp, tức 150.000 đồng/10 hộp. Như vậy là tôi đang mua giá đắt nhưng bản thân lại nghĩ là rẻ", Xuân Anh kể lại.

Thời điểm này năm ngoái, Phan Phương Chi (Kim Liên, Hà Nội) đã mua phải một hộp kem dưỡng ẩm nhái. Hậu quả là cô phải đến bác sỹ khám và điều trị da trong thời gian dài. Kể từ đó, việc lựa chọn sản phẩm chất lượng với Chi còn quan trọng hơn việc mua hàng giá rẻ.

Dịp cuối năm, nhiều cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đồng loạt treo biển "sale up to 80" (giảm giá lên đến 80%). Nếu không để ý, người mua sẽ tin. Chị Thuý Hằng, chủ một cửa hàng thời trang ở Hà Nội, tiết lộ, chiêu thức này sẽ dẫn dụ khách hàng đến mua sắm. Những sản phẩm giảm giá tới 80% thường là đồ lỗi mốt. Còn đồ mới thì chỉ giảm giá 5% - 10%. Mục đích chính trong các đợt giảm giá này là giới thiệu sản phẩm mới đến khách hàng.

Kinh nghiệm "săn" đồ giảm giá cuối năm

Chuyên gia tiêu dùng Nguyễn Thuý Anh, Giám đốc công ty truyền thông Idea Link, tư vấn, "săn sale" chỉ có ý nghĩa thực sự khi mọi người mua được đồ tốt, giá rẻ chứ không phải là mua đồ lỗi, giá rẻ. Cũng giống như mô hình mua sắm truyền thống, trên sàn thương mại điện tử cũng có nhiều gian hàng và không phải địa điểm nào cũng tốt. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn bán hàng giả, hàng kém chất lượng khiến khách hàng "tiền mất tật mang". Để trở thành người tiêu dùng thông thái, khách hàng cần "bỏ túi" những kinh nghiệm sau khi "săn sale" dịp cuối năm:

Lên danh sách các mặt hàng cần mua: Bạn hãy xác định rõ các mặt hàng mà bạn cần mua trong dịp khuyến mãi. Bạn nên ưu tiên những mặt hàng đang cần và được ưu đãi nhiều, những sản phẩm khác mua sau hoặc mua trong những lần khác.

Xem xét chất lượng sản phẩm: Bạn nên xem kỹ thông tin sản phẩm, đa phần chúng đều cập nhật thông tin nhưng đôi khi chúng ta không để ý, dẫn đến việc mua hàng cận date, không dùng được lâu dài hoặc hư hỏng khi về đến tay.

Tìm hiểu kỹ về giá: Những dịp mua sắm cuối năm, các nhãn hàng thường đưa ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Vì vậy, tâm lý của người mua rất dễ rơi vào "bẫy" khuyến mãi. Họ sẽ quyết định mua nhanh chóng mà không cần đắn đo, cân nhắc xem sản phẩm có chất lượng và cần thiết hay không. Để không mắc "bẫy" nêu trên, bạn nên tìm hiểu mức giá gốc để biết được liệu mặt hàng đó có được ưu đãi thật sự hay chỉ là một "cú lừa" từ người bán.

Chọn trang bán hàng uy tín: Nếu mua hàng ở nước ngoài thì việc này càng cần thiết. Bạn nên ưu tiên những thương hiệu "ruột" mà mình hay mua hàng trước đó bởi như vậy tỉ lệ đơn hàng thành công của bạn sẽ cao hơn và khả năng mua được hàng ưng ý cũng tăng lên.

Sưu tầm mã giảm giá: Vào các ngày hội mua sắm online, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo luôn cập nhật mã giảm giá để các "tín đồ" mua sắm lưu lại và sử dụng cho các đơn hàng. Bạn có thể lưu mã giảm giá trước và nhanh tay sử dụng vào các khung giờ ưu đãi.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm