Cuộc đời bi tráng của người phụ nữ đẹp nhất châu Âu thời Trung Cổ

03/12/2016 - 09:29
Eleanor là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thời Trung Cổ. Xuất thân là nữ công tước xứ Aquitaine, bà lần lượt trở thành hoàng hậu nước Pháp rồi hoàng hậu nước Anh. Nhiều sử gia còn bình chọn bà là người phụ nữ đẹp nhất châu Âu thời kỳ này.

Eleanor (1122 - 1204) là con gái đầu tiên của ngài William X, công tước xứ Aquitaine và bà Aleanor de Chatellerault. Vào thời điểm lúc bấy giờ, Aquitaine là vùng đất giàu có nhất nước Pháp với lãnh thổ bao gồm cả những vườn nho rộng lớn của vùng Bordeaux. Ngay từ nhỏ, Eleanor đã tỏ ra là một người thông minh, mạnh mẽ và có tinh thần hướng ngoại rất lớn. Bà được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo và toàn vẹn. Tuổi thơ của Eleanor trôi qua êm đềm, càng lớn bà càng xinh đẹp, làm điên đảo trái tim của những chàng trai con nhà quyền quý.

Ở 15 tuổi, Eleanor đã trở thành nữ công tước xứ Aquiaine sau khi em trai bà qua đời. Eleanor trở thành người kế vị chính thức của cha mình và là người thừa kế giàu có nhất châu Âu lúc bấy giờ. Lịch sử ghi nhận Eleanor là người phụ nữ giàu có và tài giỏi nhất trong lịch sử với quyền kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở miền Nam nước Pháp và số tài sản khổng lồ.

1.jpg
 Nhan sắc của công tước Eleanor xứ Aquitaine

Năm 1137, bà trở thành hoàng hậu Pháp khi kết hôn với vua Louis VII. Trong thời gian này, bà đã góp phần đưa Aquitaine thành một trong những thành phố tri thức và văn hóa lớn nhất Tây Âu thời bấy giờ.

Năm 1144, việc quân Hồi giáo uy hiếp Jerusalem đã dẫn đến cuộc Thập tự chinh thứ 2 do Thánh Bernard phát động. Đoàn Thập tự chinh gồm hai đội quân, một do vua Louis VII của Pháp, một do vua Konrad III của Đức chỉ huy lên đường chiếm Damascus (Syria) để tạo tiền đồn phòng thủ tốt hơn cho Jerusalem.

Xuất hiện tại nhà thờ Vezelay trong trang phục chiến binh, cưỡi trên con bạch mã đi vòng quanh nhà thờ, với tài hùng biện của mình, nữ hoàng Eleanor đã thuyết phục mọi người để bà cùng 300 phụ nữ khác cùng tham gia vào cuộc Thập tự chinh. Mục đích của nữ hoàng Eleanor khi đó là khẳng định quyền bình đẳng của nữ giới, đồng thời bà cũng muốn đóng góp công sức của mình vào cuộc thánh chiến có sự tham gia của Pháp. Cảnh tượng những thương binh rên la đau đớn mà không có đủ người chăm sóc đã đánh động tâm can của vị nữ hoàng. Bà đã quyết định vượt qua rào cản dư luận khi cho rằng phụ nữ không thể tham gia chiến tranh.

Sự xuất hiện của nữ hoàng Eleanor cùng những người hầu cận của mình vào thời điểm đó đã bị chỉ trích rất mạnh mẽ. Mặc áo giáp và cầm cương là điều mà chưa người phụ nữ hoàng tộc nào làm trước đó. Rất nhiều người phản đối đã gọi nữ hoàng Eleanor khi đó là ‘Nữ hoàng xấu xa’ và cho rằng hành động của bà đã làm xấu bộ mặt của hoàng tộc.

Xuất phát từ một cuộc hôn nhân không tình yêu nên sau 15 năm chung sống, năm 1152, hoàng hậu Eleanor đã đệ đơn ly hôn với hoàng đế Louis VII. Chuyện một hoàng hậu xin ly hôn với một vị hoàng đế là một việc làm chưa hề có tiền lệ trong lịch sử nước Pháp cũng như toàn thế giới ở thế kỷ XII.

Một thời gian sau, Eleanor kết hôn với công tước Henry xứ Anjou, người trở thành vua Henry II của nước Anh năm 1154. Hai người có với nhau 5 con trai và 3 con gái. Trong gần hai thập niên, bà tích cực tham gia việc cai trị đất nước cùng chồng, liên tục di chuyển giữa Anh và Pháp. Cho rằng Henry là một vị hoàng đế không thể lãnh đạo được đất nước vì yếu đuối, bà muốn đưa con trai là hoàng tử Richard lên làm hoàng đế.

3.jpg
 Trở thành hoàng hậu nước Pháp rồi hoàng hậu nước Anh, cuộc đời bà trải qua nhiều sóng gió, thậm chí từng bị chồng mình giam lỏng trong suốt 15 năm.

Năm 1173, cuộc nổi dậy của mẹ con hoàng hậu Eleanor đã bị hoàng đế Henry phát hiện. Ông đã quyết định trừng phạt đương kim hoàng hậu bằng cách giam lỏng bà trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, ngôi vị hoàng hậu nước Anh của bà không bị tước mất.

Sau khi vua Henry qua đời năm 1189, người con trai cả lúc này là vua Richard I đã ra lệnh thả bà. Bất chấp tuổi đã cao, năm 1190, bà trở thành người đồng trị vì vương quốc khi vua Richard lãnh đạo cuộc Thập tự chinh lần thứ ba.

Tất cả những mong muốn của Eleanor khi đó chỉ là vun đắp cho sự nghiệp và hạnh phúc của những người con trai. Chính bà là người đi tìm vợ cho các con và chính bà cũng là người đã cứu Richard - người con mà bà yêu quý nhất thoát khỏi sự giam giữ của kẻ thù trong cuộc Thập tự chinh.

Năm 1199, Richard qua đời, để lại ngôi báu cho Eleanor và người con út của vua Henry là John. Vai trò của Eleanor trong triều đình Anh lúc này đã suy giảm. Bà vẫn tiếp tục tham gia cai quản xứ Aquitaine và dành những năm cuối đời mình tại đây. Bà qua đời ngày 31/3/1204 và được an táng tại nhà thờ ở Fontevrault, cạnh vua Henry II.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm