Cuộc đời cực lạc và đau khổ của chủ nhân Nobel Văn học 2020

Mộc Anh - Ảnh: St
12/10/2020 - 09:12
Cuộc đời cực lạc và đau khổ của chủ nhân Nobel Văn học 2020
“Cuộc đời của một nhà thơ dao động giữa cực lạc và đau khổ” - Louise Glück nói một cách hình ảnh về công việc của mình. Bà cũng không giấu diếm dự định mua một căn nhà từ tiền thưởng giải Nobel Văn học 2020.

"Tôi không có sự chuẩn bị trước", đó là chia sẻ đầu tiên của nhà thơ Louise Glück khi hay tin bản thân được Viện Hàn lâm Thụy Điển lựa chọn trao giải Nobel văn học năm nay. Thậm chí khi thư ký của tổ chức này gọi điện đến để báo tin, nữ nhà thơ người Mỹ đã hỏi lại để xác nhận vì bà không thể tin rằng đó là sự thật.

Mặc dù không thích các cuộc phỏng vấn nhưng Louise Glück vẫn tự nhận là người sống khá hòa đồng. Bà không phải là một văn nghệ sĩ lựa chọn lối sống ẩn dật. Hơn 5 thập kỷ qua, với hàng chục tập thơ được xuất bản và hàng loạt giải thưởng như Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng của Hội phê bình Sách Quốc gia và Huy chương Nhân văn Quốc gia…, dường như Louise Glück đã thích ứng với sự tung hô.

Thế nhưng, sau khi được công bố là chủ nhân mới của Nobel văn chương, việc các nhà báo xếp hàng dài trên đường phố bên ngoài nhà riêng ở Cambridge, Mass và điện thoại không ngừng đổ chuông từ 7 giờ sáng, nữ nhà thơ 77 tuổi cũng toát mồ hôi hột và thú nhận bà như rơi vào một "cơn ác mộng".

Giải Nobel Văn học 2020 vinh danh nữ sĩ Louise Glück

Giải Nobel Văn học 2020 vinh danh nữ sĩ Louise Glück

Nhiều tháng qua, trong bối cảnh đại dịch Covid 19, Louise Glück vẫn không ngừng sáng tác. Dường như viết đã trở thành bản năng của bà. Nữ thi sĩ đã đọc thần thoại Hy Lạp từ khi mới là một cô bé và bà cầm bút viết về cái chết năm 10 tuổi.  

Nữ nhà thơ từng tự nhận mình là một đứa trẻ cô đơn. Và việc đọc những trang thơ an ủi tâm hồn bà thời thơ bé. Ở tuổi 77, Louise Glück vẫn thường viết tay và nhiều bài thơ của bà không có bản nháp. Nghĩa là nữ thi sĩ rất ít chỉnh sửa câu từ so với phác thảo ban đầu. Ngay cả khi bị chứng viêm phế quản hành hạ, Louise Glück vẫn không ngừng viết.

Sinh ra ở thành phố New York và lớn lên ở Long Island. Cha bà, Daniel Glück là một doanh nhân thành đạt, người đóng góp lớn vào sự phát triển của hãng đồ gia dụng X-Acto Knife. Đặc biệt, ông là người nhập cư từ Hungary. Đó là lý do một người Mỹ như Louise Glück lại có cái họ "Glück" khá độc đáo. Dù có năng khiếu ngôn ngữ từ bé và được cha mẹ khuyến khích đọc và viết nhưng chứng biếng ăn từ thời thiếu nữ khiến Louise Glück gặp rất nhiều khó khăn để trưởng thành và sáng tác.

Sự nghiệp sáng tác của Louise Glück được đánh giá là khá thăng trầm. Bà từng viết liên tục không ngưng nghỉ nhưng cũng có giai đoạn nhiều năm ngừng sáng tác. Đời tư và hôn nhân đổ vỡ được coi là ảnh hưởng khá lớn đến tinh thần và nội dung các sáng tác của nữ nhà thơ, mặc dù bà luôn kín tiếng về đời tư.

Không nhạy cảm với việc các bài thơ của mình bị các nhà phê bình mang ra mổ xẻ vì cho rằng "Thẩm quyền của nhà thơ đã kết thúc khi họ ghi sáng tác của mình lên trang giấy" nhưng Louise Glück lại tỏ ra khá nhạy cảm khi đọc lại những sáng tác trong tập thơ đầu tay của mình, dù thời điểm đó bà đã rất tự hào. Lý do là những câu từ được viết ra khá bản năng và non nớt. Nhà thơ cũng không thích đọc to thành câu những bài thơ của mình. Bởi bà cho rằng chiều sâu của bài thơ ấy sẽ giảm sút khi vang lên. "Thơ là sự giao tiếp giữa miệng và tai. Nhưng không phải miệng và tai thực sự, mà là tâm trí gửi một thông điệp và tâm trí tiếp nhận nó".

Cuộc đời cực lạc và đau khổ của chủ nhân Nobel Văn học 2020 - Ảnh 2.

Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Louise Glück có nhiều thăng trầm

Trong khi nhiều bạn văn thường xây dựng một hình ảnh khá hoàn hảo, nhất là trong bối cảnh họ mới nhận giải thưởng văn chương danh giá nhất thế giới, Louise Glück vẫn khá thẳng thắn. Bà cho rằng việc bản thân không có sự chuẩn bị trước khi nhận tin thắng giải Nobel không phải là một câu nói thể hiện bản thân là một người khiêm tốn. Thực chất Nobel văn học hàng năm vẫn thường trao cho những văn thi sĩ có xuất thân đặc biệt cũng như tác phẩm có tính biểu tượng vì dường như Hội đồng trao giải muốn hướng đến những thông điệp xã hội. Louise Glück cũng hé lộ về việc bản thân không phục một số nhà văn từng nhận giải Nobel văn học.

Kể từ sau khi nhà thơ Toni Morrison được trao giải Nobel văn học vào năm 1993, nước Mỹ mới lại có một nữ thi sĩ được Viện Hàn lâm Thụy Sĩ lựa chọn để vinh danh tại giải thưởng uy tín này. Louise Glück không giấu diếm dự định sẽ mua một căn nhà mới ở Vermont từ số tiền thưởng.

Hơn một thập kỷ qua, cùng với việc giảng dạy và sáng tác, Louise Glück luôn thể hiện tinh thần cổ động những nhà sáng tác trẻ, các nhà thơ mới nổi. Nữ nhà thơ nói rất hình ảnh về công việc của mình rằng: "Cuộc đời của một nhà thơ dao động giữa cực lạc và đau khổ". Và theo bà, sáng tác, những người bạn và khu vườn là niềm an ủi với bản thân mình. Tuyển tập mới hoàn thành của Louise Glück có tựa đề "Winter Recipes From the Collective", dự kiện phát hành vào năm tới.

Louise Glück sinh năm 1943 tại New York, Hoa Kỳ. Bà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Colombia, giảng dạy ở các trường đại học, được phong hàm giáo sư chính của trường Williams ở Massachuset. Bà đã xuất bản nhiều tập thơ như: Đầu lòng (Firstborn, 1968), Ngôi nhà trên đầm lầy (The House on marshland, 1975), Mảnh vườn (The Garden, 1976), Hình hài hư hao (Descending Figure, 1980), Chiến thắng của Achilles (The Triumph of Achilles, 1985). Bà đã nhận được hầu hết các giải thưởng quan trọng nhất về thi ca của Mỹ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm