Cuộc đời như tiểu thuyết của ‘Nữ hoàng trinh thám’

14/01/2017 - 11:55
Agatha Christie đã qua đời từ 40 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa ai soán được ngôi ‘Nữ hoàng trinh thám’ của bà. Agatha là nhà văn người Anh 'ăn khách' nhất thế giới trong thể loại này.

Agatha Christie sinh ngày 15/9/1890 tại Torquay Devon, Anh. Cha của bà làm nghề giao dịch chứng khoán, còn mẹ là một người phụ nữ thuộc dòng dõi quý tộc.

16 tuổi, bà được mẹ cho sang Paris (Pháp) học hát và piano nhưng chỉ một năm sau đó Agatha Christie quay trở lại London (Anh) gia nhập thế giới thượng lưu. Đang độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với một nhan sắc rực rỡ, tính cách lãng mạn, Agatha Christie như một ngôi sao chói sáng, thu hút sự chú ý của các chàng trai con nhà danh giá, trong đó có Archibald Christie - một phi công thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh.

hnh-nh-thu-nh-ca-christie.jpg
 Agatha Christie lúc nhỏ.

Cuộc tình đắm say của đôi trai tài gái sắc vừa chớm nở thì Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Archibald Christie được điều động sang Pháp chiến đấu. Trong nỗi nhớ mong da diết, hàng ngày, Agatha Christie chỉ còn biết viết thư gửi cho người yêu nơi trận mạc và chờ đợi hồi âm. Rồi trong một kỳ phép ngắn ngủi năm 1914, đôi uyên ương đã làm đám cưới. Khi chàng phi công trở lại chiến trường, Agatha Christie sống lẻ loi, cô độc. Trong sự xa cách chờ đợi và nhớ nhung ấy, Agatha Christie bắt đầu tập viết tiểu thuyết nhưng lúc đó bà chưa biết nên bắt đầu bằng thơ, tiểu thuyết tình cảm hay truyện trinh thám…

Mấy cô em họ của Agatha Christie thì bảo rằng, tiểu thuyết trinh thám rất chán, vì chỉ cần xem một vài trang là độc giả đã biết ngay ai là thủ phạm rồi. Họ còn nói thêm rằng, bà không thể viết tiểu thuyết trinh thám được vì đó là lĩnh vực của đàn ông. Nghe thấy thế, Agatha Christie bảo rằng: "Chẳng có ai cấm phụ nữ viết truyện trinh thám cả, và chị sẽ viết giỏi hơn cả đàn ông cho các em xem".

Nói là làm, Agatha lao vào viết truyện trinh thám với một tốc độ mà ngay cả cánh đàn ông cũng phải nể. Agatha Christie là người có sức làm việc phi thường. Trung bình bà viết xong một tiểu thuyết trong 6 tuần, đồng thời dành nhiều thời gian để sửa chữa tác phẩm - một quá trình khó khăn, đôi khi phải bỏ ra nhiều công sức hơn cả lúc viết tác phẩm đó.

Brian Aldiss, một người bạn của Agatha kể: "Bà hoàn thành cuốn sách cho đến chương cuối cùng, sau đó chọn ra kẻ khó tin nhất trong số những nghi phạm và quay lại phần đầu viết lại một số chi tiết để định hình nhân vật đó". Điều này khiến cho các tiểu thuyết trinh thám của bà luôn hồi hộp và cuốn hút đến tận trang cuối cùng.

christie-nm-22-tui.jpg
 Nữ văn sĩ năm 22 tuổi.

Tác phẩm đầu tay được Agatha Christie viết năm 1916 khi Archibald Christie đang ở chiến trường còn bà là một trợ lý dược ở một trạm cứu thương. Agatha Christie đã đánh máy tác phẩm của mình cẩn thận, đính kèm một lá thư nhỏ rồi gửi tới một số nhà xuất bản danh tiếng ở London. Tiểu thuyết này bị một vài nhà xuất bản từ chối cho đến khi nó được nhà xuất bản The Bodley Head đồng ý với điều kiện Agatha Christie phải thay đổi cái kết của câu chuyện. Cuốn sách được xuất bản năm 1920 với tựa đề The Mysterious Affair at Styles (Vụ án bí ẩn ở Styles). Sự ra đời của tác phẩm trinh thám đầu tay đã mang lại nhiều hứng khởi, cũng là sự khẳng định tính đúng đắn cho sự lựa chọn ban đầu của một cây bút trẻ.

Chiến tranh kết thúc, chàng phi công của Agatha Christie trở về lành lặn nhưng tâm tính trở nên thất thường. Việc chăm sóc Archibald Christie đã lấy đi của Agatha Christie rất nhiều thời gian, nhưng bù lại, khi cùng chồng thực thi những chuyến công vụ vòng quanh các nước thuộc địa của Anh, Agatha Christie đã thu lượm được đầy ắp tư liệu để sau này dựng thành các tác phẩm trinh thám li kỳ và hấp dẫn.

2.jpg
"Vụ án bí ẩn ở Styles" - tác phẩm đầu tay của Agatha Christie xuất bản năm 1920. 

Sau khi tác phẩm đầu tiên được xuất bản, Agatha tiếp tục cho ra đời hàng loạt truyện trinh thám khác như "Địch thủ bí mật"  năm 1922, "Vụ giết người trên sân gôn" năm 1923, "Người đàn ông trong bộ đồ nâu" năm1924...  Qua những cuốn sách này, ngòi bút của bà được định hình và dần đạt tới trình độ điêu luyện.

Tiếp đó, sự xuất hiện của các tiểu thuyết: "Vụ giết ông Roger Ackroyd", "Vụ án mạng ở Me'sopotamic", "Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông"… khiến tên tuổi của nữ nhà văn trẻ nổi như cồn.

Nhưng dường như sự nổi tiếng và danh vọng của bà không đồng hành cùng hạnh phúc. Mối tình được thử thách trong lửa đạn của vợ chồng bà đã đi đến hồi kết. Năm 1926, khi nghe Archibald Christie tuyên bố đã trót yêu người phụ nữ khác, Agatha Christie bỏ đi biệt tích 10 ngày liền. Cảnh sát đã tìm thấy chiếc xe của bà bỏ ở vệ đường, ở một nơi cách nhà vài chục cây số và sau đó tìm thấy Agatha Christie tại một khách sạn trong tình trạng mất trí nhớ. Người ta cho rằng bà bị mắc chứng mất trí nhớ tạm thời vì suy sụp sau cái chết của mẹ và sự phản bội của người chồng.

Sau một thời gian điều trị, Agatha Christie gửi con vào trường nội trú và lao vào những chuyến viễn du bất tận. Những chuyến đi ấy đã đưa bà đến với một tình yêu mới. Max Mallowan - một nhà khảo cổ học, kém Agatha Christie tới 14 tuổi đã thay chàng phi công Hoàng gia đem lại niềm vui và nghị lực để nữ văn sĩ tiếp tục sự nghiệp còn dang dở.

cun-tiu-thuyt-n-mng-trn-chuyn-tu-tc-hnh-phng-ng.jpg
 Cuốn tiểu thuyết "Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông".

Agatha Christie lại cùng Max Mallowan vượt đại dương sang Trung Đông, đến với những di chỉ khảo cổ đang ngủ sâu dưới lòng đất. Ngoài việc chăm sóc và trợ giúp công việc cho chồng, Agatha Christie đã tìm kiếm thêm rất nhiều tư liệu để hoàn thành những tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản sân khấu sau này… Cuộc hôn nhân với Max Mallowan thực sự bền vững trước mọi thử thách của số phận. Agatha Christie đã không ít lần khẳng định, đằng sau những thành công của bà trên văn đàn là bờ vai vững chắc của chồng, rằng "Những nhà khảo cổ học là những người chồng lý tưởng - vợ của họ càng già thì họ càng thích thú"...

Nghệ thuật tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie đã đạt tới trình độ điêu luyện. Phần lớn các các tiểu thuyết của bà đều được xây dựng trên những nghi vấn một cách đầy đủ và vận hành như một cuộc chơi đầy kỳ thú, trong đó độc giả chạy đua với thám tử vì cả hai đều nắm được đầy đủ các tình tiết của vụ án và đều có khả năng ngang nhau trong việc lật mặt nạ thủ phạm trong một không gian luôn mở.

56 năm theo đuổi nghề viết, nữ văn sĩ Agatha Christie đã cho ra đời 66 cuốn tiểu thuyết và 147 truyện ngắn trinh thám, 2 tập thơ, hơn 30 kịch bản sân khấu cùng với hai cuốn tự truyện. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 100 ngôn ngữ khác nhau, với trên 2 tỷ bản in được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới...

Theo Sách kỷ lục Guinness, Agatha Christie là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại về thể loại trinh thám, đứng thứ 2 nếu tính cả các thể loại khác (sau William Shakespeare).  "Ten Little Niggers" (Mười người da đen bé nhỏ) là tác phẩm được yêu thích nhất của Agatha Christie.

cun-tiu-thuyt-mi-ngi-da-en-nh.jpg
 Cuốn tiểu thuyết "Ten Little Niggers"(Mười người da đen bé nhỏ) là tác phẩm được yêu thích và bán chạy nhất của Agatha Christie với hơn 100 triệu bản trên toàn cầu. Sách còn có tên gọi khác là "And Then There Were None" (Và rồi chẳng còn ai) được nhà xuất bản Collins Crime Club phát hành lần đầu ở Anh ngày 6/11/1939 và còn được xuất bản (rồi chuyển thể thành phim) dưới tên "Ten Little Indians" (10 gã da đỏ nhỏ)

Ở Việt Nam, tên tuổi của bà gắn liền với 2 thám tử tài ba Hercul Poirot và Bà Marple trong những thiên tiểu thuyết li kỳ, hấp dẫn: "Đêm bi thảm", "Người thiếu phụ tuyệt vọng", "‘Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông", "Mười người da đen bé nhỏ", "Ngòi bút tẩm độc", "Người tình của Shalott", "Những chiếc đồng hồ kỳ lạ"… được ấn hành trong mấy thập niên vừa qua.

Năm 1955, Christie là người đầu tiên được nhận giải thưởng Grand Master Award của Hội nhà văn trinh thám Mỹ. Năm 1971, bà được trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh cho những cống hiến của mình.

agatha-christie-bn-cc-tc-phm-ca-b.jpg
 Agatha Christie bên các tác phẩm của mình

Agatha Christie qua đời ngày 12/1/1976 ở tuổi 86, tại Wallingford, Oxfordshire (Anh). Toàn bộ bản quyền tác phẩm của Agatha Christie hiện được cháu trai của bà, Mathew Prichard, lưu giữ.

Ngày 26/12/2015, kênh BBC1 (Anh) trình chiếu bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "And Then There Were None’" của nhà văn Agatha Christie.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm