pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân qua lời kể của con gái
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018)
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930-2018) tên thật là Lê Văn Ngọ, đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc và là một trong những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn thành lập nền âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp Việt Nam. Ông đã có một sự nghiệp sáng chói, sáng tác ở nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng ghi dấu ấn khó quên với người yêu nhạc và là một phần không thể tách rời với lịch sử âm nhạc Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau… giống như một cuốn tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, Tiến sĩ Lê Y Linh đã lần ngược lại thời gian để kể về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình.
Tiến sĩ Lê Y Linh đã sưu tầm các tài liệu, từ lý lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, ký ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các tác phẩm, sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình. Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh.
Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: "Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ "chỉ cần" điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông".
Với quan niệm đó, cuốn sách Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau… không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư - một nhà văn hóa - một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.
Cuốn sách được chia làm 4 phần: Phần 1 giới thiệu về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân; Phần 2 về tác phẩm của nhạc sĩ; Phần 3 quan điểm sáng tác của nhạc sĩ và Phần 4 những kỷ niệm với nhạc sĩ trong trí nhớ và trái tim của người thân, đồng nghiệp các thế hệ và người yêu nhạc.
Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ, nhạc sĩ Hoàng Vân không ghi nhật ký, không viết hồi ký, nên để có được các tư liệu về cha, cô đã phải tìm tòi, sưu tầm tác phẩm của ông tại Đài Tiếng nói Việt Nam nơi ông đã làm việc trong phần lớn cuộc đời. Gặp gỡ những người đã sống đã có dịp làm việc tiếp xúc với nhạc sĩ để kiểm chứng về các nguồn thông tin tài liệu.
Với tư cách một ngươi làm khoa học âm nhạc, Tiến sĩ Lê Y Linh đã dành một phần lớn trong Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau… để có thể bước đầu đánh giá về các tác phẩm của ông. Cô đã tổng hợp và phân tích, triển khai các ý kiến đánh giá về các tác phẩm của ông từ các nhà nghiên cứu, các nhà báo, nhà nghiên cứu như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thụy Loan, Trần Thị Trâm, Phạm Tú Hương, Phan Ngọc Thạch, Trần Văn Luân, Trần Văn Minh… Viết về cha nhưng Tiến sĩ Lê Y Linh đã chọn cách làm khoa học, để có thể khách quan trong nhận xét đánh giá, hoàn thành tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Tiến sĩ Lê Y Linh bày tỏ: "Khi đọc cuốn sách này, người đọc có thể sẽ hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo của một nhạc sĩ, về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này cũng giúp bạn đọc cảm nhận được một phần vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc, được sự hướng thượng trong nghệ thuật, nâng cao gu thẩm mỹ".
Cũng trong dịp này, Viện Âm nhạc cũng cho ra mắt cuốn sách Hoàng Vân - Nhạc và Đời với gần 20 bài khảo cứu về nhiều khía cạnh trong tác phẩm của nhạc sĩ. Cuốn sách giúp chúng ta có được cái nhìn bước đầu nhưng cũng là tổng hợp về phong cách Hoàng Vân.