Cuộc giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez vẫn tiếp diễn

N.A
29/03/2021 - 17:13
Cuộc giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez vẫn tiếp diễn

Ông Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez, theo dõi tình hình gần tàu container mang tên Ever Given bị mắc cạn. Ảnh: CNBC

Tàu container Ever Given đã bị mắc cạn hôm 23/3 trong khi di chuyển qua đoạn phía Nam của kênh đào Suez (Ai Cập). Đến ngày 29/3, con tàu chở hàng khổng lồ có kích thước gấp 4 lần sân vận động này đã nổi trở lại. Mặc dù vậy, chiến dịch giải cứu vẫn tiếp diễn và hậu quả của sự cố này vẫn chưa thể đong đếm hết được.

Sự cố tàu Ever Given khiến thế giới thiệt hại 10 tỷ USD/ngày

Sự cố tàu Ever Given bị mắc cạn đã chặn tất cả hoạt động giao thông vận tải qua kênh đào Suez, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã tiến gần hơn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện. Các nhà phân tích vận tải ước tính, tình trạng tắc nghẽn giao thông khổng lồ đã chiếm gần 10 tỷ USD thương mại mỗi ngày.

Ông Alan Murphy, người sáng lập Sea-Intelligence, một công ty phân tích và dữ liệu hàng hải, cho biết: "Tất cả dòng chảy thương mại bán lẻ toàn cầu đang nằm trong các container đó, hoặc 90% trong số đó. Vì vậy, mọi thứ đều bị tác động. Hãy đọc tên bất kỳ thương hiệu nào, và không khó để tìm thấy chúng ở một trong những chiếc container trên tàu Ever Given".

Quá trình giải cứu phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của lực lượng cứu hộ có thể dọn sạch cát, bùn và đá ở nơi con tàu Ever Given bị mắc kẹt và làm nhẹ tải trọng của tàu đủ để giúp nó nổi trở lại, trong khi tàu lai dắt cố gắng đẩy và kéo nó. Các chuyên gia phân tích cho biết, cơ hội tốt nhất để giải cứu tàu có thể đến vào ngày 29/3, khi thủy triều lên sẽ nâng mực nước của kênh lên khoảng 45 cm.

Cuộc giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez vẫn tiếp diễn - Ảnh 1.

Quang cảnh tàu Ever Given từ một ngôi làng dọc theo kênh đào Suez. Ảnh: Sima Diab

Hiện tại, theo Cơ quan quản lý kênh Suez của Ai Cập (SCA), tàu Ever Given đã được chỉnh lại đúng hướng phần đuôi tàu. Trung tướng Osama Rabei, người đứng đầu SCA, cho biết: "Vị trí của tàu đã được điều chỉnh lại 80% theo đúng hướng. Phần đuôi tàu đã được di chuyển cách khỏi bờ 102m so với trước đó đuôi tàu chỉ cách bờ 4m".

Theo ông Rabie, việc kéo tàu Ever Given mắc cạn nổi lên sẽ được tiến hành trở lại trong ngày 29/3 để giúp con tàu nổi hẳn lên và điều chỉnh lại vị trí của nó vào giữa dòng chảy. Bước đột phá trong nỗ lực giải cứu tàu Ever Given xảy ra sau khi các máy xúc và sà lan hút cát được điều động đến và hút hơn 27.000m3 cát quanh mũi tàu. Các đội giải cứu cũng đã tăng cường đào, nạo vét quanh siêu tàu Ever Given nằm chắn ngang kênh đào Suez. Các tàu lai dắt cũng hợp sức để đẩy và kéo con tàu về phía Nam.

Đại diện công ty giám sát hoạt động của tàu Ever Given và thủy thủ đoàn, Bernhard Schulte Shipmanagement, tiết lộ, ngay từ khi xảy ra sự cố, đã có 11 tàu kéo tham gia giải cứu siêu tàu chở hàng này và thêm 2 chiếc nữa gia nhập vào ngày hôm qua (28/3). Với sự có mặt của các tàu nạo vét, bao gồm cả tàu hút bùn chuyên dụng, mỗi giờ, các tàu có thể hút 2.000 m3 vật liệu.

Phải giữ tàu Ever Given còn nguyên vẹn

Trước đó, vào lúc 22h30 ngày 27/3, các tàu kéo đã định tận dụng thủy triều lên để lai kéo tàu Ever Given nhưng không thành công. Chiến dịch cứu tàu Ever Given sau đó tiếp tục được tiến hành trong thầm lặng nhưng rất khẩn trương.

Cuộc giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez vẫn tiếp diễn - Ảnh 2.

Một máy xúc tham gia chiến dịch giải cứu tàu Ever Given. Ảnh: Getty Images

Đội giải cứu gồm 8 chuyên gia cứu hộ và chuyên gia hải quân người Hà Lan giám sát chiến dịch. Đại úy Nick Sloane, một chuyên gia người Nam Phi chuyên về trục vớt cho biết, lực lượng giải cứu đã khảo sát con tàu và đáy biển, tạo ra một mô hình máy tính giúp thực hiện chiến dịch giải thoát xung quanh con tàu mà không gây hư hại. Ông Sloane chính là người dẫn đầu chiến dịch xử lý khủng hoảng Costa Concordia, con tàu du lịch bị lật vào năm 2012 ngoài khơi bờ biển Italy.

Lực lượng cứu hộ cũng cần phải đưa các tàu khác khỏi khu vực, nhiệm vụ đòi hỏi một nỗ lực phối hợp khổng lồ. Và họ phải tính đến khả năng sự cố mắc kẹt của Ever Given đã tác động tới đáy biển, khiến các tàu khác khó đi qua khu vực hơn, ngay cả khi "con quái vật khổng lồ" đã được "giải thoát", đại úy Paul Foran, một nhà tư vấn hàng hải từng tham gia các sứ mệnh giải cứu khác, cho hay.

Trong quá trình giải cứu, lực lượng cứu hộ hy vọng tàu Ever Given vẫn còn nguyên vẹn. Theo cả hai vị chuyên gia trên, việc con tàu bị võng ở giữa, mũi và đuôi tàu bị kẹt, khiến thân tàu dễ bị căng và nứt. Ông Mohammed Mosselhy, chủ sở hữu của First Suez International, một công ty hậu cần hàng hải tại kênh đào Suez, cho biết các đội thợ lặn đã kiểm tra thân tàu và chưa phát hiện dấu vết nào như vậy.

Cuộc giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez vẫn tiếp diễn - Ảnh 3.

Hình ảnh từ vệ tinh về vị trí tàu Ever Given bị mắc kẹt. Ảnh: Scott Reinhard

Thế nhưng, nếu xét theo Định luật Murphy, tàu Ever Given có thể bị hư hại. Đó là một định luật về vận xui được đưa ra năm 1949 theo tên của Edward Murphy - một kỹ sư trong lực lượng không quân Hoa Kỳ - nói rằng: Nếu một điều tồi tệ có thể xảy ra thì nó sẽ xảy ra.

Tàu Ever Given đã mang nguy cơ làm bạn với rắc rối ngay từ đầu, từ kích cỡ của nó khi là con tàu lớn bậc nhất thế giới. Rất may là cho đến giờ, tàu Ever Given vẫn còn nguyên vẹn.

Những thách thức tiếp theo trong chiến dịch giải cứu tàu Ever Given 

Nếu tàu kéo, tàu nạo vét và máy bơm không thể hoàn thành chiến dịch giải cứu, sẽ có thêm hàng loạt các tàu và máy chuyên dụng "xung trận": các tàu chở dầu nhỏ hút hết nhiên liệu của tàu; cần cẩu cao nhất thế giới dỡ từng container trên tàu. Trong trường hợp không có cần trục nào đủ cao hoặc đủ gần để dỡ hàng, các máy bay trực thăng hạng nặng có thể bốc dỡ các container lên đến 20 tấn - mặc dù chưa ai cho biết hàng hóa sẽ đi đâu.

Mặc dù các nhà phân tích và giới chức trách quản lý kênh đào Suez có vẻ lạc quan rằng con kênh khổng lồ này sẽ sớm được khơi thông, đại úy Sloane ước tính rằng, hoạt động cứu hộ sẽ mất ít nhất thêm 1 tuần nữa. Khi một con tàu có kích thước tương tự, CSCL Indian Ocean, mắc cạn gần cảng Hamburg vào năm 2016, phải mất gần 6 ngày để khơi thông sông Elbe.

Ông Richard Meade, Tổng Biên tập của Lloyd's List, một ấn phẩm hàng hải có trụ sở tại London (Anh), nói rằng nguyên nhân đơn giản đây là một con tàu lớn và vấn đề rất lớn.

Các nhà phân tích cho biết, nếu con tàu được giải thoát ngày 29/3, ngành vận tải biển có thể chịu đựng được, nhưng vượt qua giới hạn này, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng có thể bắt đầu thấm thía những gián đoạn lớn.

Hiện tại, tàu Ever Given đã nổi trên mặt nước. Trên bờ kênh, nhiều người dân địa phương bày tỏ niềm vui mừng khi con tàu được giải phóng. "Tạ ơn Thượng đế, tàu đã nổi rồi", một người thốt lên trong đoạn video được chia sẻ trên mạng.

Cuộc giải cứu tàu Ever Given trên kênh Suez vẫn tiếp diễn - Ảnh 4.

Trung tướng Osama Rabei, người đứng đầu SCA, phát biểu trong buổi họp báo về sự cố tàu Ever Given. Ảnh: Sima Diab

Tuy nhiên, đại diện SCA khẳng định, chiến dịch cứu hộ đang tiếp diễn bởi việc đưa con tàu 200.000 tấn nổi hoàn toàn vẫn chưa hoàn thành. Và dù con tàu có được giải cứu, các chuyên gia hàng hải vẫn chưa rõ tuyến đường thủy thương mại quan trọng nhất thế giới này sẽ mất bao lâu để thông thương trở lại, hoặc phải mất bao lâu để 450 tàu hàng đang mắc kẹt vì sự cố này ra khỏi kênh đào Suez.

Việc ùn ứ hàng hóa đã gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu vì thông thương qua kênh đào Suez chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu. Trước tình hình hiện tại, một số tàu đã quyết định không chờ đợi thêm được nữa và quay ngược khỏi kênh đào Suez để đi một chặng đường dài hơn nhiều quanh mũi phía nam của châu Phi, một hành trình có thể kéo dài thêm hàng tuần và tốn thêm 26.000 USD mỗi ngày cho chi phí nhiên liệu.

Nguồn: Theo New York Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm