Cuộc sống đến từ những người tình nguyện có trái tim ấm nóng

02/07/2019 - 07:27
Việc tình nguyện hiến máu cứu người giờ đây không phải là một hành động xa lạ đối với mỗi người trong xã hội. Hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp truyền thống quý giá của dân tộc, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, tình yêu thương con người, lòng nhân ái bao dung, biết sẻ chia trong cuộc sống.
Trao đi món quà vô giá
 
Máu là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống, là một phần không thể thiếu trong cơ thể con người. Cuộc sống của con người dù ở bất kỳ giai đoạn nào cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và xã hội. Những rủi ro, bất hạnh, khó khăn ngoài ý muốn làm cho nhiều người kể cả bản thân chúng ta có lúc rơi vào tình cảnh nguy cấp, để có thể giữ được sự sống ta rất cần được sự trợ giúp của xã hội. Vì vậy, việc hiến máu mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
 
Anh Nguyễn Xuân Giáp - Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, người đã 23 lần hiến máu 
 
 
Trong số hàng ngàn tình nguyện viên tham gia hiến máu thường xuyên, anh Nguyễn Xuân Giáp - Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội cho biết, bản thân anh đã hiến máu 23 lần. Ban đầu anh tham gia vào đội hiến máu của trường Đại học Mỏ - Địa chất, sau đó hiểu hơn về ý nghĩa của hoạt động hiến máu, anh đã vận động thêm nhiều sinh viên. Sau một năm, anh Giáp trở thành trưởng nhóm của 40 bạn tình nguyện viên. Với nhiệt huyết hăng say để cứu người, anh đã trở thành “thủ lĩnh” của đội hiến máu tình nguyện khu vực quận Bắc Từ Liêm.
 
Thông điệp “Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại” đã bao trùm ý nghĩa và mục đích lớn lao trong các chiến dịch hiến máu nhân đạo. Hiến máu nhân đạo không chỉ mang lại sự sống của con người mà còn là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng

 

Anh Giáp cho biết, sau khi được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, anh cảm thấy tự hào được gánh trên vai trách nhiệm của một người đi tiên phong. Hội chia làm 12 chi hội trực thuộc, chia ra các quận khác nhau trong Hà Nội để quản lý. Có tất cả 82 đội máu tình nguyện viên chia ra các trường đại học ở Hà Nội. Trung bình mỗi đội máu có từ 20 - 30 tình nguyện viên sẽ làm công tác chuyên môn là vận động hiến máu bao gồm tổ chức các chương trình vận động hiến máu trong năm như tổ hiến máu bus, trong nhà, các quận, phường hỗ trợ các tổ chức hiến máu của các trường đại học tình nguyện viên. Trung bình mỗi năm Hội thu về 40.000 - 50.000 đơn vị máu, trong đó mỗi đơn vị máu sẽ cứu được từ 2-3 người tuỳ theo thể trạng và tình trạng bệnh nhân thì số lượng máu này đã cứu được hơn 100.000 người.
 
Ngoài ra, Hội còn tổ chức những lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng cho các tình nguyện viên. “Chính các bạn đó là những lực lượng vừa hiến máu vừa truyền đạt thông tin, kêu gọi các tình nguyện viên mới và vận động hiến máu”, anh Giáp tự hào chia sẻ về những tình nguyện viên của mình. Hiện anh Giáp đang công tác tại Viện Huyết học truyền máu TW với vai trò là vận động hiến máu và tổ chức hiến máu.
 
 
Tình nguyện viên Nguyễn Thị Thu Huệ (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trong nhóm
 
 
Với Nguyễn Thị Thu Huệ - tình nguyện viên của Hội thanh niên hiến máu, sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Kỹ thuật Asean cho biết, đa phần những người hiến máu tình nguyện là sinh viên. Hoạt động hiến máu thường xuyên của Hội thanh niên hiến máu Hà Nội là tổ chức kêu gọi hiến máu tại tất cả các khu vực, mỗi khu vực có những đội trực thuộc, khắp thành phố Hà Nội. Trước khi tổ chức hiến máu tại khu vực nào thì Huệ cùng các tình nguyện viên đi vận động thanh niên tại các dãy nhà trọ, cổng trường đại học gần đó kết hợp với truyền thông trên mạng xã hội.
 
“Hiến máu có thể thanh lọc máu trong cơ thể, sau khi mất đi một lượng máu nhất định, tủy xương sẽ sản sinh ra lượng máu mới nuôi dưỡng cơ thể giúp da trở nên hồng hào hơn. Đó là những kiến thức mà tôi và các tình nguyện viên khác đã học và dùng nó để thuyết phục cộng đồng”, Huệ chia sẻ về công việc.
 
Nhiều người tình nguyện như chị Yến rất hạnh phúc khi những giọt máu của mình đem lại sự sống cho những người khác 
 
Trong khi đó, chị Nguyễn Hải Yến - ở Đông Anh là người hiến máu thường xuyên chia sẻ “Hiến máu là một hành động đẹp, một lần hiến máu thôi cũng cứu được cho rất nhiều người bệnh nên em muốn đủ sức khỏe để hiến máu lâu dài. Hiến máu sẽ đem lại cho ta niềm vui vì được giúp đỡ ai đó đang cần lượng máu quý giá, mà nếu như không có nó, họ không thể tồn tại tiếp trên cõi đời này. Em thấy thật vui khi máu của mình có thể cứu sống mạng người, vì thế chúng ta nên nhân nhiều niềm vui ấy bằng cách hiến máu tình nguyện khi chúng ta có thể”.
 
Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại
 
Theo TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có việc lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai. Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020.
 
Người bệnh được truyền máu không những được tiếp nhận vào cơ thể mình một loại thuốc quý mà còn được đón nhận cả một tình thương bao la

 

Tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu - quy đổi là 1,68% dân số tham gia hiến máu. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%.
 
Máu có chức năng cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Ngày nay, khoa học tuy đã có sự phát triển nhưng vẫn chưa có một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu. Bởi vậy, muốn cứu sống được người bệnh có nguy cơ mất máu cao cũng như trong điều trị các bệnh hiểm nghèo cần truyền máu, không có cách nào khác là cần được hiến tặng, chia sẻ những giọt máu hồng của người khác để góp phần vào việc duy trì sự sống cho người cần máu.
 
Mỗi đơn vị máu sẽ cứu được từ 2-3 người tuỳ theo thể trạng và tình trạng của bệnh nhân
 
Hàng năm, nhiều tổ chức nhân đạo ở các địa phương đã đứng ra kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong xã hội cùng đồng cảm và chia sẻ đối với những người bị bệnh hiểm nghèo, những người đang cần máu một sự chia sẻ và đồng cảm bằng hành động hiến tặng những giọt máu hồng của mình để cứu nhiều người trước nguy cơ đang cần đến máu để duy trì sự sống.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm