pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022-2024 không có giải Nhất

Tác giả Vũ Ngọc Thư và Ngô Tú Ngần (thứ 2 và 3 từ trái sang) nhận giải Nhì
Ngày 24/7/2025, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022-2024.
Sau 2 năm phát động (tháng 9/2022 đến tháng 9/2024), cuộc thi đã nhận được gần 2.700 tác phẩm gửi về tham dự. BTC cho biết, thành phần tác giả tham gia cuộc thi rất phong phú, có người ngoài 90 tuổi, có em nhỏ mới 10 tuổi; có các cây bút chuyên nghiệp, nhà văn thành danh và cả những người lần đầu cầm bút.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, cho biết: Cuộc thi đã phản ánh đúng mặt bằng hiện tại của truyện ngắn Việt Nam cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác phẩm khắc họa các khía cạnh đời sống xã hội với sự nhạy bén, sắc sảo và tinh thần trách nhiệm. Ở khía cạnh nghệ thuật, các truyện ngắn thể hiện sự đa dạng trong phong cách thể hiện, từ lối viết truyền thống đến tinh thần tìm tòi, cách tân về giọng điệu, bút pháp và cấu trúc. Đặc biệt, cuộc thi cho thấy tình yêu văn chương vẫn cháy bền bỉ trong lòng người viết, bất kể tuổi tác hay xuất thân.
Sau 2 vòng chấm thi, Ban Tổ chức đã quyết định trao 10 giải thưởng, gồm 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 6 giải Khuyến khích, không có giải Nhất. Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, việc để trống hạng mục cao nhất của cuộc thi cũng như hạn chế số lượng giải ở các hạng mục khác nên nhìn nhận ở khía cạnh tích cực hơn, đó là sự đòi hỏi cao của Hội đồng Giám khảo. "Đòi hỏi ấy hết sức chính đáng, bởi đó là lời nhắc ý nhị với nhau rằng còn những bước hoàn thiện ở phía trước mà mỗi tác giả cần tiếp tục vươn tới nếu thực sự muốn chinh phục đỉnh cao của nghệ thuật truyện ngắn", nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận định.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022-2024, phát biểu
2 tác phẩm được giải cao nhất cuộc thi là Bờ sông lặng sóng của tác giả Vũ Ngọc Thư và Trăm Ngàn của Ngô Tú Ngần. Trong đó, Bờ sông lặng sóng đề cập câu chuyện thời hậu chiến, với những éo le về số phận con người. Thảo - một người lính tưởng như đã hy sinh, nay trở về trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Trong khi đó người vợ của anh, sau 3 năm để tang chồng đã tái giá với Huấn - một người lính và cũng là bạn của Thảo. Sự gắng gượng của các nhân vật sau cơn giông tố ác liệt mà chiến tranh để lại ám ảnh người đọc. Để rồi sự vị tha, nhân ái trong mỗi người được thức dậy, tha thứ cho nhau và xóa bỏ hận thù.
Truyện ngắn Trăm Ngàn của Ngô Tú Ngân là một câu chuyện có thể xảy ra ở đâu đó, thời nào đó, đề cập số phận nhân vật - tên là Trăm Ngàn - là "kết quả" của một mối tình tréo ngoe, không thành. Anh lớn lên trong sự hắt hủi của chính gia đình và luôn ao ước một lần được gặp mẹ. Là người yêu nghệ thuật sân khấu, Trăm Ngàn mong muốn được hóa thân thành những nhân vật ông hoàng bà chúa, mua vui cho người dân nghèo. Đây là một câu chuyện buồn về số phận con người, sự tìm kiếm ròng rã nhưng vô vọng của biết bao người không may mắn. Tuy vậy, tác phẩm vẫn sáng lên tình người, khát khao đi tìm nguồn cội.
Giải Ba cuộc thi được trao cho truyện ngắn Nhi thư của Hà Đình Cẩn, Miền xa ngái của Phạm Xuân Hùng. Giải Khuyến khích thuộc về Núi vỡ của Lữ Hồng, Cây gạo ở chợ chiều của Cầm Thị Đào, Tiếng vọng của Vương Đình Khang, Đất ao của Đào Quốc Vịnh, Thư viện người của Lê Văn Thân, Rượu hoa mất trí của Như Bình.