Cựu Đệ nhất phu nhân Nam Tư chìm trong bi kịch cuối cuộc đời

12/12/2016 - 17:14
Bà Jovanka Broz, vợ cố Tổng thống Cộng hòa Liên bang XHCN Nam Tư Josip Broz Tito, không chỉ là Đệ nhất phu nhân trẻ nhất mà còn là một trong những người phụ nữ nổi tiếng của lịch sử châu Âu hiện đại.

Bà chào đời ngày 7/12/1924 tại thành phố Lika, miền trung Cộng hòa Croatia hiện nay, với nhũ danh (tên cha mẹ đặt lúc mới sinh) thời trẻ là Jovanka Budisavljevic. Năm 17 tuổi, cô gái Jovanka tình nguyện gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Nam Tư (SKOJ), ‘cánh tay phải’ của đảng Cộng sản Nam Tư do Chủ tịch J. Tito lãnh đạo đang tham gia cuộc kháng chiến chống phát xít Đức xâm lược. Sau khi Thế chiến II kết thúc, nữ sĩ quan quân y Jovanka vẫn tiếp tục phục vụ trong Quân đội nhân dân Nam Tư với quân hàm trung tá.

2.jpg
 Chân dung bà Jovanka Broz thời trẻ.

Số phận run rủi khiến Jovanka gặp Thống chế J. Tito lần đầu vào năm 1942, khi nhà lãnh đạo phải phẫu thuật mổ thoát vị đĩa đệm cột sống tại bệnh viện dã chiến nơi cô đang làm việc ở Bihac, thủ đô kháng chiến của quân du kích Nam Tư.

‘Tôi luôn có dịp gần gũi anh ấy, cố gắng động viên nhằm xoa dịu những cơn đau thể xác hành hạ... Khi ra viện, Tito thổ lộ rằng thời gian nằm viện được tôi chăm sóc là quãng đời yên bình và hạnh phúc nhất của anh ấy’, đó là những lời cựu đệ nhất phu nhân J. Broz thổ lộ trong cuốn tự truyện "My life, my truth" (Cuộc sống của tôi, sự thật về tôi), do văn sĩ nổi tiếng người Serbia Zarko Jokanovic chấp bút.

Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, nhờ những ấn tượng tốt đẹp trong quá khứ nên cô y tá Jovanka được nhà lãnh đạo tối cao ưu ái bổ nhiệm làm thư ký riêng của mình. Lúc này J. Tito đã ly hôn vợ là Herta Haas sau 3 năm chung sống. Tình cảm mặn nồng thôi thúc dẫn đến đám cưới giữa Jovanka và J. Tito vào cuối năm 1952.

Theo tập tục truyền đời ở Nam Tư, cô dâu 28 tuổi Jovanka chuyển sang danh xưng mới mang họ của chồng là Jovanka Broz, trở thành đệ nhất phu nhân trẻ tuổi nhất trong lịch sử châu Âu hiện đại. Từ đó trở đi bà J.Broz luôn xuất hiện cùng Tổng thống J. Tito trong những dịp trọng đại với nụ cười thường trực trên môi.

3.jpg
 Vợ chồng cố Tổng thống Cộng hòa Liên bang XHCN Nam Tư Josip Broz Tito.

Các nhà bình luận chính trị đánh giá rằng, chính người vợ Jovanka là nguồn động viên tinh thần, khiến nhà lãnh đạo kiệt xuất J. Tito có thêm sức mạnh để củng cố sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em, duy trì một Liên bang Nam Tư vững mạnh.

Còn giới sử gia Nam Tư từng tôn vinh đệ nhất phu nhân J. Broz là ‘Jacqueline Kennedy của châu Âu’, bởi sự tương đồng hiếm có giữa 2 người phụ nữ nổi tiếng thế giới về trình độ hiểu biết các vấn đề, nhất là trong lĩnh vực giao tiếp và phong cách ăn mặc hợp thời trang.

Tháng 4/1955, tại Hội nghị Bandung (Indonesia), bà J. Broz là người phụ nữ duy nhất hiện diện trong lễ tuyên bố thành lập phong trào ‘Không liên kết’, quy tụ 118 quốc gia trên thế giới theo đường lối chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc. Chính Tổng thống Nam Tư J. Tito đã được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của phong trào ‘Không liên kết’, tổ chức chính trị quy mô toàn cầu lớn thứ 2 sau Liên Hiệp Quốc.

4.jpg
 Bà được giới sử gia Nam Tư ví như ‘Jacqueline Kennedy của châu Âu’

Tuy vậy, ngay sau khi Thống chế J. Tito qua đời vào tháng 5/1980, những thế lực muốn chia rẽ Liên bang Nam Tư liền trỗi dậy. Động thái hèn hạ đầu tiên nhắm vào cựu đệ nhất phu nhân J. Broz. Ngay sau lễ Quốc tang, bà bị ‘mời’ ra khỏi dinh Tổng thống trong khu trung tâm Dedinje giữa đêm khuya, ép buộc chuyển đến một ngôi nhà tồi tàn ở ngoại ô Belgrade và cấm ngặt việc tiếp xúc với bên ngoài. Đồng thời khoản lương hưu khiêm nhường của người quả phụ cũng bị chính thể mới nhẫn tâm cắt bỏ.

‘Nhiều thập niên kế tiếp tôi đã bị bức hại và ngược đãi’ - cựu đệ nhất phu nhân J. Broz kể lại trong cuốn tự thuật - ‘Bị giam lỏng trong căn hộ dột nát và không có hệ thống sưởi ấm vào mùa đông. Không có giấy tờ cá nhân tùy thân... Tệ nhất là không có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh đối với một người có tuổi hay đau ốm triền miên. Mãi đến năm 2009, nghĩa là 17 năm sau khi Liên bang Nam Tư không còn tồn tại, họ mới chịu cấp quốc tịch Serbia cho tôi, cũng như khôi phục khoản lương hưu ít ỏi mà tôi xứng đáng được hưởng dành cho một người đã tham gia kháng chiến chống phát xít’.

Trong phần giới thiệu cuốn "My life, my truth" nói về cuộc đời thăng trầm của bà J. Broz, tác giả Z.Jokanovic đã đề cập tới câu chuyện của người bạn gái thân cận với cựu đệ nhất phu nhân Nam Tư là bà Slobodanka Hinic.

ba-jovanka-nam-1970.jpg
 Sau khi chồng qua đời, cuộc sống của bà vô cùng khó khăn do những thế lực muốn chia rẽ Liên bang Nam Tư trỗi dậy. Cựu đệ nhất phu nhân Nam Tư Jovanka Broz mất ngày 20/10/2013 ở tuổi 89

Trong một lần đến thăm bà bạn già J. Broz đang sống tại tòa chung cư xuống cấp trầm trọng trên phố St Uzhichka, khi tận mục sở thị căn hộ thiếu tiện nghi tối thiểu và dột tứ tung lúc trời mưa, bà Hinic đã mở lời khuyên: ‘Sao cậu không đề nghị chính quyền sửa sang lại, bởi họ có cấp không cho bạn đâu trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà hàng tháng?... Dù sao cũng phải để cho giới truyền thông biết thảm trạng của mình chứ, để họ tác động đến những người có trách nhiệm cũng là thuộc hạ của ông nhà thời trước’.

Cựu đệ nhất phu nhân đã nhẹ nhàng trả lời: ‘Nền kinh tế đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, nên tớ không muốn ‘đổ thêm dầu vào lửa’.

Bà J. Broz từng là nhân chứng của vô số sự kiện lịch sử quan trọng tại khu vực Balkans, do đó không chỉ báo chí Serbia mà truyền thông các nước khác thuộc Nam Tư (cũ) cũng luôn để tâm đến số phận của bà. Cho dù không mấy khi hiện diện trước ống kính, những sự việc liên quan tới bà luôn thu hút sự chú ý của công luận và truyền thông.

Do căn bệnh suy tim mãn tính nên bà J. Broz đã qua đời vào ngày 20/10/2013, thọ 89 tuổi. Di nguyện của cựu đệ nhất phu nhân Nam Tư là được an táng cạnh chồng ở nghĩa trang trung tâm Kuna Svetna đã được thực hiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm