pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cựu Miss Teen Trang Thiên: “Có mẹ chồng là bác sĩ sản khoa như đi thi mà biết trước đề bài”
Khoảng hơn chục năm về trước, Miss Teen là cuộc thi giúp hàng loạt hot girl được nhiều người biết đến hơn. Trang Thiên (tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1995) là một trong số đó. Sau khi đạt danh hiệu Miss Teen 2012, cô nàng tiếp tục theo học tại Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và lấn sân sang lĩnh vực âm nhạc.
Giữa năm 2022, Trang Thiên bất ngờ theo chồng bỏ cuộc chơi. Không lâu sau, cô nàng hạ sinh em bé đầu lòng và đặt tên ở nhà là Suzy. Hiện tại Trang đang tạm gác công việc, làm mẹ bỉm sữa toàn thời gian.
Trang Thiên hồi thi Miss Teen và bây giờ
Cùng lắng nghe tâm sự và cả những câu chuyện dở khóc dở cười của Trang Thiên trong lần đầu tiên có em bé!
Đi sinh chỉ hết 5 triệu đồng
Trong suốt quá trình mang thai, Trang Thiên tự nhận mình có phần may mắn khi không nghén quá nhiều mà chỉ thường xuyên buồn ngủ. Tuy nhiên, cô cũng không tránh khỏi những thay đổi về mặt tâm lý như nhiều mẹ bầu khác như nhạy cảm hơn, dễ xúc động, dễ cáu giận,... Những lúc như vậy, cô thường nghe pháp thoại để giải tỏa cảm xúc.
Trang Thiên quyết định sinh thường, ở bệnh viện Việt Nhật (tên thường gọi của khoa Sản - bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Chi phí trọn gói bao gồm tiền giường và tiền thuốc trong 3 ngày ở bệnh viện hết khoảng hơn 5 triệu đồng.
“Vì sinh bé đầu lòng nên mình chọn bệnh viện lớn cho yên tâm. Phòng dịch vụ ở đây có 2 giường, rất yên tĩnh và sạch sẽ. Quả thực lúc thanh toán viện phí, mình cũng giật mình. Mình nhớ là có được bảo hiểm hỗ trợ nữa nhưng chi tiết thì không rõ vì mẹ làm thủ tục cho”.
Về việc nhiều mẹ bỉm sẵn sàng chi dăm bảy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng cho các dịch vụ bệnh viện khi đi sinh, Trang Thiên bày tỏ: “Mình nghĩ là tùy nhu cầu và kinh tế của mỗi gia đình mà các mẹ lựa chọn bệnh viện phù hợp nhất. Và cũng tuỳ sinh thường hay sinh mổ nữa vì sinh thường chi phí thấp hơn rất nhiều. Nếu gia đình có điều kiện, tin tưởng các bác sĩ tại bệnh viện quốc tế và muốn được phục vụ khi đi sinh từ A đến Z, đi sinh như đi nghỉ dưỡng thì việc chi tiền mạnh tay cũng là điều bình thường”.
Bản thân Trang Thiên chọn sinh thường vì muốn mẹ có khả năng phục hồi nhanh hơn và tốt cho em bé hơn. Tuy nhiên, Suzy nhà cô lại hơi “lì” một chút, đủ ngày đủ tháng rồi nhưng không có dấu hiệu muốn ra ngoài nên bác sĩ quyết định tiêm thuốc kích sinh. Sau cơn đau vật vã mười mấy tiếng đồng hồ, mẹ đau tưởng chết đi sống lại thì em bé cũng chào đời.
“Vừa nhìn thấy con, thú thật mình có chút bỡ ngỡ kiểu ‘hoá ra đây là em bé hàng ngày nằm trong bụng mình đây sao?’. Sau đó cứ ngắm con và nghĩ ‘Sao mình nặn ra được cái cục bé xíu yêu yêu thế này nhỉ? Trông giống mình không nhỉ?’. Sinh con quả thực là một hành trình kỳ diệu” - người mẹ trẻ kể lại.
Mẹ chồng lo từ A - Z
Cho đến hiện tại, Trang Thiên vẫn rất biết ơn sự giúp đỡ từ 2 bên nội ngoại để có thể sinh em bé được mẹ tròn con vuông, nhất là khi mẹ chồng cô là bác sĩ sản khoa.
“Đến bây giờ, một trong những điều mình thấy may mắn nhất là có được ba mẹ chồng tâm lý, yêu thương con dâu. Mẹ chồng có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề rồi nên quá trình mang bầu hay sinh đẻ đều có mẹ tư vấn, đồng hành.
Mình hay đùa rằng có mẹ chồng là bác sĩ sản khoa giống như đi thi mà biết trước đề bài vậy. Mẹ giải đáp mọi thắc mắc nên dù sợ nhưng khi vào phòng sinh, mình cảm thấy tự tin, yên tâm hơn nhiều. Mẹ dặn trước là phải hít thở như thế nào, phải hợp tác và tin tưởng vào bác sĩ ra sao để tâm lý bình tĩnh và sinh con được thuận lợi. Mẹ còn chuẩn bị sẵn các loại thuốc cần có sau sinh cho mình.
Nhiều người lúc đi sinh đau quá hay kêu chồng, có người mắng cả chồng, kêu trời kêu đất nhưng lúc đau nhất mình lại gọi "Mẹ Nam ơi" - tên mẹ chồng, như muốn cầu cứu mẹ vì bình thường cái gì cũng hỏi mẹ.
Trong suốt thời gian mình nằm viện, mẹ tất bật chạy ra chạy vào động viên, chăm sóc đầy đủ. Mẹ chu đáo đến nỗi mọi người trong viện còn tưởng là mẹ đẻ vì không có mấy ai chăm con dâu như vậy”.
Ngoài ra, cô còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của mọi người trong nhà nên ngày đi sinh, có thêm cả chồng, mẹ và chị gái “hộ tống”. Sau đó chị gái và mẹ thay nhau chăm sóc Trang và em bé nên cô cũng có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Nhà có giúp việc nhưng chăm con chủ yếu là do mẹ nên từ khi có em bé, cuộc sống của Trang Thiên cũng thay đổi rất nhiều. Hai vợ chồng ít có thời gian hẹn hò lãng mạn như trước, điện thoại mở ra chỉ thấy hình con chứ không thấy mặt bố mẹ,... “Nhiều lúc cảm giác như cuộc đời này của mình từ giờ thuộc về con rồi” - Trang tâm sự.
Một thay đổi đáng kể khác của người mẹ trẻ là từ khi sinh con đến giờ chỉ toàn sắm đồ cho con, quần áo mỹ phẩm hay giày dép của mẹ thì vài tháng mới mua một lần. “Sau khi sinh con thì tiết kiệm chi tiêu của bố mẹ là đúng, vì mình nghĩ nhiều cho con hơn cho bản thân. Mình không phải cái gì cho con cũng phải hàng xịn nhưng những thứ ảnh hưởng đến sức khoẻ của con thì sẽ chọn tốt một chút. Đó là thứ đáng đầu tư nhất vì nếu con bệnh thì sẽ còn tốn kém, mệt mỏi hơn gấp nhiều lần. Tất nhiên mua gì cũng phải phù hợp với tài chính mỗi gia đình”.
Theo quan điểm của Trang Thiên, không phải cứ đắt đỏ là tốt cho con mà phải được đảm bảo về độ an toàn. Ví dụ đồ thiên về hữu cơ, thành phần thiên nhiên lành tính, không chứa các hóa chất độc hại gây kích ứng cho trẻ,...
Thỉnh thoảng, người mẹ trẻ cũng nhớ thời gian được tự do làm những gì mình thích, nhớ công việc sáng tác và ca hát trước đây. Tuy nhiên, khi nhìn con bé bỏng trong tay, nhìn con cười mỗi ngày thì cô lại cảm thấy mọi điều mình hy sinh đều xứng đáng. Trang Thiên khẳng định công việc thì sau này có thể tiếp tục nhưng con lớn rồi sẽ không bé lại được nữa nên muốn dành thật nhiều thời gian cho con thời điểm này.