Cựu sinh viên RMIT nỗ lực đẩy mạnh trao quyền cho phụ nữ

PV
29/11/2023 - 11:13
Cựu sinh viên RMIT nỗ lực đẩy mạnh trao quyền cho phụ nữ

Trần Thị Ngọc Trân và đồng sáng lập ForGood Huỳnh Lê Khánh tại buổi ra mắt Cộng đồng Nữ doanh nhân Việt Nam (WECV)

Trần Thị Ngọc Trân (cựu sinh viên ĐH RMIT) đã biến đam mê với giáo dục thành hành động qua sáng kiến Future For Women - chương trình cung cấp kỹ năng và nguồn lực cần thiết để phụ nữ khởi nghiệp thành công.

Hành trình của Trân bắt đầu từ niềm tin mãnh liệt và trải nghiệm của chính bản thân rằng giáo dục và truyền thông có thể ảnh hưởng tích cực đến hành vi một người, giúp họ làm chủ cuộc đời và đóng góp cho xã hội thay đổi không ngừng.

Từ nhỏ Trân đã luôn muốn làm việc gì đó mà cô có thể tự kiếm tiền và tự chủ về thời gian. "Suốt những năm 1990 khi internet và máy tính còn xa xỉ, tôi và mấy người bạn đã tập tành kinh doanh bằng cách bán thiệp chúc mừng có in những câu nói truyền cảm hứng", Trân chia sẻ.

Dẫu khởi sự kinh doanh đầu tiên phải đóng cửa không lâu sau đó vì ngày càng nhiều người có máy tính và tiếp cận internet hơn, ngọn lửa khởi nghiệp đã nhen nhóm trong cô và tiếp tục âm ỉ cháy suốt nhiều năm sau đó để chờ đúng thời điểm tỏa sáng.

Như phần lớn các bạn trẻ sinh ra sau ngày thống nhất đất nước, Trân nghe lời ba mẹ vào làm cho nhà nước. Cô làm trong mảng giáo dục vì theo phụ huynh thời bấy giờ, vậy sẽ ổn định và thích hợp với phụ nữ hơn.

"Tôi may mắn được làm ở một vị trí giúp tôi có cơ hội thiết kế và tạo ra những thứ mới mẻ, hợp tác với các đối tác ngoài trường và thường xuyên được học hỏi điều mới", Trân nói.

"Nhưng, sâu thẳm trong tâm tôi luôn cảm thấy thiếu thiếu gì đó".

Cựu sinh viên RMIT nỗ lực đẩy mạnh trao quyền cho phụ nữ- Ảnh 1.

Cựu sinh viên ngành Thạc sĩ Giáo dục (Lãnh đạo và Quản lý) RMIT Việt Nam và Đồng sáng lập tổ chức ForGood Việt Nam Trần Thị Ngọc Trân

Rồi học bổng Thạc sĩ Giáo dục (Lãnh đạo và Quản lý) (một trong những học bổng cao học đầu tiên của RMIT Việt Nam) đến với Trân vào năm 2006, cho phép cô được trải nghiệm nhiều điều đầu tiên và củng cố thêm niềm tin của cô vào tính khả thi của việc theo đuổi hành trình trao quyền cho phụ nữ để họ có được tương lai bền vững hơn. "Điều khiến tôi trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào môi trường giáo dục có thể thay đổi một người và thúc đẩy tôi xây dựng các chương trình tập trung vào trao quyền cho phụ nữ".

Trân không ngừng bước đi trên hành trình tích lũy kiến thức để chuẩn bị ra mắt ForGood Việt Nam với tầm nhìn xây dựng một Việt Nam bao hàm nơi tất cả mọi người, kể cả những người có hoàn cảnh khó khăn, được dự phần hoàn toàn vào xã hội.

Cô tham gia đợt huấn luyện có tên gọi Thay đổi diện mạo lãnh đạo nữ tại Trung tâm Đông Tây, làm việc cho tổ chức phi chính phủ Girl Rising với vai trò Giám đốc quốc gia ở Việt Nam, và được chọn là Học giả toàn cầu Echidna 2021 tại Viện Brookings, Washington DC. Hiện cô đang làm luận án Tiến sĩ tại trường Đại học Andrews ở Hoa Kỳ, tập trung nghiên cứu về lãnh đạo nữ và khởi nghiệp.

Mặc dù khởi đầu khá gập ghềnh do đại dịch toàn cầu, chương trình trọng tâm của ForGood - Future for Women - chứng kiến nhiều phụ nữ khởi nghiệp đã hoàn tất thành công chương trình huấn luyện toàn diện được thiết kế nhằm giúp học viên trưởng thành trên nhiều mặt khác nhau, trong đó có kiến thức, năng lực lãnh đạo, nhạy bén trong kinh doanh, trí tuệ cảm xúc, kỹ năng xã hội và kỹ năng khởi nghiệp.

Cựu sinh viên RMIT nỗ lực đẩy mạnh trao quyền cho phụ nữ- Ảnh 2.

Trần Thị Ngọc Trân chia sẻ Báo cáo Tác động của Future For Women

Học viên còn nhận được hỗ trợ để khắc phục các hạn chế về giới tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh do nữ làm chủ, nhận được cố vấn trực tiếp từ các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh tương ứng và thông tin thực tế về các nguồn hỗ trợ khác nhau.

"Chúng tôi còn trao quyền để các cựu học viên thành lập và tự điều hành mạng lưới Cộng đồng Nữ doanh nhân Việt Nam (WECV). Cộng đồng này hiện đã lớn mạnh lên với hơn 650 thành viên trên cả nước, tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và hợp tác giữa các thành viên", Trân nói.

"Mùa đầu tiên diễn ra giống như đi tàu lượn siêu tốc vì chúng tôi không thể lường trước được khối lượng công việc và mức độ chi tiết mà chúng tôi phải xử lý. Chẳng những vậy, đại dịch COVID-19 còn đem đến những thách thức chưa từng có, ảnh hưởng tới tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ có con nhỏ và gia đình", cô nhớ lại.

"Dẫu vậy, kết quả cuối cùng rất xứng đáng - không chỉ con số doanh nghiệp đăng ký mới, mà là cách học viên bồi đắp được khả năng tự lãnh đạo bản thân - nền tảng quan trọng để lãnh đạo doanh nghiệp và cộng đồng - xuyên suốt sáu tháng của khóa học".

Trân chia sẻ câu chuyện về một cô giáo với khao khát khởi nghiệp, người đã đi cả quãng đường dài từ một tỉnh miền núi đến TP. Hồ Chí Minh để tham dự khóa học vào mỗi cuối tuần.

Trân nhớ lại buổi học đầu tiên, "cô ấy nói cô ấy rất mệt vì phải dậy từ nửa đêm, bắt xe đò đi hơn 360 cây số để đến lớp".

"Vậy mà cô ấy là học viên không bỏ buổi học nào và luôn tìm cách ứng dụng những gì học được trên lớp vào công việc kinh doanh của mình. Người phụ nữ đáng kinh ngạc ấy đã dành giải Nhất cuộc thi 'Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, kinh doanh' của phụ nữ Đắk Lắk năm 2023".

"Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện truyền cảm hứng mà các học viên đem đến chương trình. Từng người trong số họ có những câu chuyện và trở ngại của riêng mình, nhưng tất cả đều bày tỏ ham muốn học hỏi và trưởng thành hết sức mạnh mẽ".

Cựu sinh viên RMIT nỗ lực đẩy mạnh trao quyền cho phụ nữ- Ảnh 3.

Nhóm học viên khoá 2 hoàn tất chương trình Future For Women

Đến cuối khóa học, có tổng số 26 doanh nghiệp do học viên thành lập và hiện hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như dịch vụ ăn uống, du lịch, giải pháp công nghệ, dịch vụ lưu trú, sân chơi trẻ em, chăm sóc sức khỏe, điện và điện tử, mỹ thuật, luật, nông nghiệp, v.v.

Các doanh nghiệp này có mặt ở nhiều địa phương trên khắp Việt Nam gồm Quảng Ninh, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Vĩnh Long và Cần Thơ. Chương trình nhận được sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2020-2021 và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Echidna Giving vào năm 2022-2023.

ForGood gần đây vừa được chọn là đối tác thực hiện chương trình Academy for Women Entrepreneurs 2023, một chương trình toàn cầu dành cho nữ doanh nhân trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Đây là năm thứ hai chương trình được triển khai ở Việt Nam.

"Ngoài ý nghĩa là làm điều gì đó tốt đẹp, ForGood trong tiếng Anh còn mang ý nghĩa là sự trường tồn mãi mãi, điều này thể hiện rõ nét khát vọng của chúng tôi - mang đến cho nữ doanh nhân khởi nghiệp và những người có hoàn cảnh khó khăn nền tảng vững chắc để họ có thể đứng vững, phục hồi và bước tiếp ngay cả khi họ thất bại hoặc trải qua thời gian đầy thử thách", Trân kết lời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm