Trường hợp thứ nhất là sản phụ T.T.T.H (30 tuổi, ngụ tại Tây Ninh) thai lần 2, được chỉ định mổ lấy thai. Khi chuyển qua hồi sức sau mổ, tử cung sản phụ bị đờ, được cho thuốc gò tử cung. Tuy nhiên, tình trạng băng huyết vẫn tiếp tục diễn tiến xấu, tổng cộng trong vòng 5 giờ từ khi mổ sản phụ mất khoảng 2,4 lít máu.
Qua hội chẩn các chuyên khoa có liên quan, các bác sĩ quyết định triển khai kỹ thuật thuyên tắc động mạch tử cung, kéo dài trong 30 phút.
Trường hợp thứ hai là sản phụ Đ.T.P.L. (34 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng), được chỉ định mổ lấy thai do vết mổ cũ. Lượng máu mất trong cuộc mổ là 0,7 lít; hai giờ sau khi mổ tình trạng băng huyết vẫn diễn tiến tiếp tục, lượng máu mất tổng cộng 1,5 lít, sinh hiệu ổn. Dù được chỉ định thuốc gò tử cung, tử cung không co hồi tốt nên có chỉ định thuyên tắc mạch.
Sau khi thực hiện phương pháp chủ động thuyên tắc động mạch tử cung, tình trạng chảy máu ở cả 2 sản phụ đã được chặn đứng. Các bác sĩ đang tiếp tục chăm sóc, theo dõi điều trị cho người bệnh. Hiện tại, sức khỏe của cả 2 sản phụ hiện đang bình phục tốt, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
ThS.BS Phạm Thị Thu Hương, Trưởng Khối Sản - BV Nhân dân Gia Định cho biết, băng huyết sau sinh là một cấp cứu sản khoa hiện nay vẫn còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ (chiếm 25% trên thế giới). Điều trị kinh điển trong sản khoa bao gồm các phương pháp bảo tồn khác nhau như: thuốc gò tử cung, xoa bóp tử cung, bóng chèn buồng tử cung… Can thiệp ngoại khoa là một lựa chọn khi điều trị nội khoa thất bại.
Phương pháp can thiệp nội mạch thuyên tắc động mạch tử cung, bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ, ê-kíp can thiệp sẽ mở 1 vết cắt từ 2 - 3mm ở vùng bẹn sau đó luồn ống thông chủ vào hệ thống động mạch nuôi tử cung. Sau khi xác định được vùng chảy máu, qua hệ thống ống thông chủ, các vi ống thông nhỏ có kích thước dưới 1mm được luồn vào những nhánh mạch máu và bơm các vật liệu tắc mạch tạm thời giúp cầm máu.
Trong khoảng 10 ngày, các vật liệu tắc mạch tạm thời sẽ tự tiêu hoàn toàn giúp khôi phục nguồn máu nuôi tử cung, nhờ vậy ít gây biến chứng, khắc phục được tình trạng đau bụng kéo dài do tắc mạch vĩnh viễn.
Trong trường hợp vật liệu tắc mạch tạm thời (xốp cầm máu) không cầm được máu thì các vật liệu tắc mạch vĩnh viễn như keo, coil hoặc các hạt tắc mạch sẽ được sử dụng. Thời gian thực hiện thủ thuật trung bình khoảng 30 phút sẽ hạn chế tối đa nguy cơ mất máu, xâm lấn, giúp nâng cao khả năng cứu sống người bệnh.