Cứu sống mẹ con sản phụ bị suy thai cấp do sa dây rốn
29/10/2018 - 17:41
Sản phụ mang thai lần 2 được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau bụng vỡ ối, chuyển sinh. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện thai nhi trong tình trạng suy cấp do dây rốn bị sa xuống cổ tử cung.
Chiều ngày 29/10, bác sĩ Nguyễn Phúc Long, Phó Giám đốc BV Đa khoa Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, BV vừa cứu sống mẹ con sản phụ Trần Thị Ái V. (39 tuổi, ở xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên) bị suy thai cấp do sa dây rốn.
Ngay lập tức, các bác sĩ cho sản phụ thở ô xy, hỗ trợ đẩy em bé lên để tránh chèn ép dây rốn, đồng thời chuyển mổ cấp cứu.
Sau 10 phút, các bác sĩ đã mổ lấy ra bé gái nặng 2,9 kg, an toàn, khỏe mạnh.
Hiện tại, sức khỏe của mẹ con sản phụ V. đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại BV.
Theo Bộ Y tế, tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi vỡ ối. Đây là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hông hoặc do khi bị sa ra ngoài âm đạo, việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ do co thắt của các mạch máu dây rốn. Nếu không lấy thai ra ngay, có khả năng thai sẽ chết trong vòng 30 phút. Trung bình, cứ 300 trẻ chào đời có 1 ca mắc sa dây rốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn. Theo đó, về phía mẹ, những người sinh nhiều lần nên ngôi thai bình chỉnh không tốt gây các ngôi bất thường; khung chậu hẹp, méo; có khối u tiền đạo. Về phía thai, các trường hợp gây sa dây rốn do ngôi thai bất thường, ví dụ ngôi ngược, ngôi ngang do ngôi không tỳ vào cổ tử cung nên dây rốn có thể sa trước ngôi; sa một chi làm dây rốn sa theo.
Sa dây rốn thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ (thai khoảng hơn 38 tuần). Hiện tượng này dễ gây suy thai cấp khi mẹ chuyển dạ. Nếu lấy thai ra chậm, bé dễ suy hô hấp, tử vong hoặc nếu sống sót bé dễ mắc tổn thương não do thiếu oxy.
Khi bị sa dây rốn, sản phụ có thể cảm thấy dây rốn trong vùng kín. Khi cảm thấy sự bất thường, cần gọi xe cấp cứu ngay lập tức và thông báo khẩn cấp về tình trạng sa dây rốn. Thai phụ không cố gắng đẩy dây rốn trở lại, tránh ăn uống trước khi sinh vì xác suất phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.