Cứu sống người thịt lợn nhiễm liên cầu khuẩn nguy cấp

09/06/2016 - 23:08
Nhập viện trong tình trạng sốt cao rối loạn tri giác, hành vi kích động phải cố định tay chân tại giường, ông Lê Tấn Lực ( 52 tuổi), ngụ tại An Giang, được xác định nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Theo chia sẻ từ người nhà, ông Lực làm nghề bán thịt lợn đã có 20 năm và không biết mình lây bệnh qua con đường nào và lúc nào. Trước đó bệnh nhân bị sốt, nằm nhà khoảng 3 ngày, tới ngày thứ 4, do thấy ông Lực có biểu hiện rối loạn tri giác, hôn mê nên người nhà đã đưa tới BV Đa khoa An Giang, tại đây, BN được chẩn đoán viêm màng não, đã được điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ nhưng không đỡ nên được chuyển lên Chợ Rẫy (TP.HCM).

Theo PGS.TS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, ông Lực nhập viện trong tình trạng sốt cao, rối loạn tri giác, rất kích động… Chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân này bị viêm màng não mủ. Sau đó, bệnh nhân trở nặng và phải đặt nội khí quản, thở máy. Sau 3 ngày theo dõi, thì phát hiện ông Lực nhiễm khuẩn Streptococus.suis (liên cầu lợn) nên được điều trị riêng biệt. Sau 8 ngày điều trị tích cực, hiện sức khỏe ông Lực đã dần ổn định, tiếp xúc tốt.

anh-1.JPG
Sau 8 ngày điều trị, sức khoẻ của ông Lực đã ổn định. 

PGS.TS Trần Quang Bính cũng cho biết, vi khuẩn streptococcus.suis thường có trong đường hô hấp của lợn, có thể lây sang người. Các đường lây có thể trực tiếp qua vết trầy xước, vết thương trên da, niêm mạc, quần áo, khăn lau... khi giết mổ, chế biến, mua bán thịt lợn. Cũng có thể mắc bệnh khi ăn phải thức ăn chế biến từ lợn bị bệnh chưa được nấu chín như thịt tái, tiết canh. Người chăn nuôi, nhân viên thú y đi kiểm dịch cũng có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao.

Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Quá trình này càng ngắn thì chứng tỏ độc lực của vi khuẩn càng mạnh. Có thể khởi phát chỉ là cơn sốt, phát ban, đau họng, nhức đầu, nôn ói. Có khi không đặc hiệu. Nhiễm liên cầu khuẩn lợn dễ gây nhầm với các bệnh khác như viêm màng não với các biểu hiện cứng cổ, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức, ù tai giảm thính lực, bất thường hành vi… Khoảng 60% bệnh nhân là có biểu hiện viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc. Bệnh cũng có thể khởi phát với viêm phổi, đau khớp, sau đó diễn tiến suy đa cơ quan, tổn thương đa tạng như tuần hoàn, gan, thận...

'Đây là một ca nhiễm liên cầu lợn rất nặng. Thông thường với bệnh nhân bị liên cầu lợn thường phát hiện khoảng 200-300 vi khuẩn Streptococus.suis trong khi ông L lại tỷ lệ này gấp tới 20-30 lần với lượng vi khuẩn lên tới trên 6.000. Những vi khuẩn này đã tấn công và phá vỡ hàng rào máu não, tấn công vào thần kinh trung ương. Bệnh này cực kỳ nguy hiểm bởi tỉ lệ nhiễm bệnh bi tử vong rất cao, trên 30%', bác sĩ Bính chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm