Trước đó, bệnh nhân Ka Hữu (SN 1991, quê Lâm Đồng) xuất hiện các triệu chứng đột ngột choáng váng, hoa mắt, đứng không vững , đánh trống ngực… nên đã được gia đình đưa vào BV Đa khoa Lâm Đồng.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán loạn nhịp nhanh thất, được xử lý sốc điện giúp ra cơn và được nhanh chóng chuyển lên BV Chợ Rẫy. Tại thời điểm này, nhịp tim đo được của chị Hữu là 250 lần/phút.
Khai thác bệnh sử của bệnh nhân, các bác sĩ BV Chợ Rẫy nhận thấy trước đây chị Hữu chưa từng có những triệu chứng như trên. Chị cũng không có tiền sử bệnh lý tim mạch, nội ngoại khoa khác.
Tuy nhiên theo gia đình bệnh nhân cho biết, trước đây, một người em gái của chị lúc 17 tuổi bất ngờ bị đột tử không rõ nguyên nhân.
Sau khi tiến hành siêu âm tim, chụp MRI, ECG, chị Hữu được chẩn đoán bị nhanh thất do bệnh cơ tim thất phải nguy cơ cao. Sau đó, đã được chống loạn nhịp tim bằng thuốc và cấy IDC (máy phá rung) ngừa đột tử. Đến nay, nhịp tim của chị Hữu dần ổn định, tiếp xúc tốt, nguy cơ đột tử được ngăn chặn.
Theo BS CKII Nguyễn Tri Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch – BV Chợ Rẫy, một chiếc máy phá rung có giá khoảng hơn 200 triệu đồng, sử dụng khoảng 7-8năm. Sau khi được cấy máy phá rung, bệnh nhân sẽ được thường xuyên kiểm tra máy để điều chỉnh thông số cài đặt phù hợp.
“Mỗi lần vô cơ nhịp nhanh thì máy sẽ sốc để nhịp tim được trở về bình thường. Như vậy, cứ mỗi lần máy hoạt động thì chính là một lần người bệnh được cứu từ cõi chết trở về. Ngoài cài máy để ngăn ngừa thì bệnh nhân còn phải sử dụng thuốc, việc sử dụng thuốc là suốt đời. Đối với ca bệnh này thì bệnh nhân đã được may mắn cứu sống vì vào bệnh viện kịp thời”, BS Thức cho hay.
BS CKII Đặng Quý Đức, Phó Khoa điều trị rối loạn nhịp - BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh cơ tim thất phải (ARVC/D) gây bất thường về cấu trúc thất ở cơ tim, khiến tế bào cơ tim bị thay thế bằng tế bào sợi và tế bào mỡ.
Triệu chứng của bệnh là hồi hộp, choáng váng, ngất, thậm chí đột tử vì rối loạn nhịp thất, suy tim mà không rõ nguyên nhân. Một dấu hiệu khác là trong gia đình có người đột tử mà không biết rõ nguyên nhân.
Về chẩn đoán, không cần lấy cơ tim thất phải ra mà vẫn có thể chẩn đoán được bênh bằng những tiêu chuẩn chẩn đoán với các nhóm triệu chứng thông qua siêu âm, chụp MRI, điện tim, điện tâm đồ, chạy gắng sức…