Cứu sống thai phụ có túi phình mạch máu não nguy hiểm

25/10/2018 - 11:09
Thại phụ mang thai ở tuần 37 được các bác sĩ cứu sống sau khi được chẩn đoán bị xuất huyết dưới nhện, một bệnh lý vỡ túi phình động mạch não nguy hiểm.
Khi đang mang thai ở tuần thứ 37, chị  N.T.N (33 tuổi, ngụ Q.4 TP.HCM) đến khám tại một bệnh viện sản khoa vì xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt dữ dội. Sau khi thăm khám, chị được tư vấn đến một bệnh viện đa chuyên khoa để được chẩn đoán toàn diện và chính xác hơn.
 
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thai phụ được chẩn đoán bị xuất huyết dưới nhện, một bệnh lý vỡ túi phình động mạch não nguy hiểm. Sau khi hội chẩn và cân nhắc các nguy cơ, các bác sĩ đã quyết định chủ động mổ lấy thai và tiếp tục can thiệp mạch máu não điều trị cho thai phụ sau sinh để giữ an toàn cho cả mẹ và con.
 
Ca mổ lấy thai sau đó đã thành công, con chị N. chào đời an toàn. Ngay ngày hôm sau, sản phụ được thực hiện chụp DSA để xác định vị trí túi phình động mạch não sau và được can thiệp bít túi phình tại chỗ.
 
Chị N. sau đó tiếp tục được điều trị hồi sức, chống co thắt mạch và dẫn lưu thắt lưng để hạn chế giãn não thất. Hiện người bệnh đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt trở lại, còn đau đầu nhưng đã bớt nhiều so với lúc mới nhập viện và được chỉ định xuất viện sau 3 tuần điều trị.
 
bc-s-thm-khm-cho-bnh-nhn.jpg
Sức khỏe của sản phụ dần ổn định sau khi điều trị

 

TS.BS Trần Nhật Thăng, Phụ trách Khoa Phụ sản – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, người trực tiếp mổ lấy thai cho trường hợp bệnh nhân này cho biết, trường hợp này khá may mắn vì thai nhi đã phát triển đầy đủ nên bác sĩ quyết định chủ động mổ lấy thai. Nếu để sản phụ chuyển dạ tự nhiên thì những cơn gò, cơn đau khi chuyển dạ sẽ khiến tình trạng xuất huyết não nặng nề hơn, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con. Trong phẫu thuật lấy thai, người mẹ không cần gắng sức như sinh thường và được kiểm soát huyết áp trong suốt cuộc mổ nên đảm bảo cuộc mổ không ảnh hưởng đến túi phình mạch máu não của người bệnh.
 
“Sau mổ, em bé hoàn toàn khỏe mạnh và được gia đình đưa về nhà chăm sóc. Về phía sản phụ, sau khi can thiệp bít túi phình, chúng tôi vẫn theo dõi các nguy cơ sản dịch, nhiễm trùng, băng huyết…”, bác sĩ Thăng cho biết.
 
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vì chị N. đang mang thai nên việc điều trị xuất huyết dưới nhện rất phức tạp và gặp nhiều nguy cơ hơn các trường hợp thông thường.
 
Theo bác sĩ Tuấn, túi phình động mạch não dù được điều trị nhưng vẫn có 1-5% nguy cơ tái phát trong 5 năm đầu. Vì vậy, chị N. cần được theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý duy trì sinh hoạt điều độ và giữ huyết áp ổn định vì cao huyết áp là yếu tố nguy cơ trực tiếp làm xuất hiện túi phình khác.
 
Theo bác sĩ, xuất huyết dưới nhện hay xuất huyết trong khoang dưới nhện nội sọ là bệnh lý chảy máu nội sọ xung quanh não. Nguyên nhân gây ra xuất huyết dưới nhện thường là chấn thương hoặc do vỡ túi phình động mạch não. Tỷ lệ người dân có túi phình động mạch não khá cao, chiếm 3-5% dân số.
 
Xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não là cấp cứu ngoại khoa. Nếu người bệnh không được bít hoặc kẹp túi phình mạch máu não kịp thời thì nguy cơ vỡ lại rất cao, lên đến 20-30% trong 2 tuần đầu tiên và 50% trong 6 tháng đầu. Nếu túi phình động mạch não vỡ lại, 70-90% người bệnh sẽ tử vong.
 
Ngoài ra, xuất huyết dưới nhện còn có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như nhồi máu não, giãn não thất làm tổn thương hệ thần kinh của người bệnh. Xuất huyết dưới nhện là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, việc điều trị xuất huyết dưới nhện cần điều trị toàn diện, bao gồm điều trị triệt để túi phình, hồi sức sau phẫu thuật và theo dõi, phòng ngừa những biến chứng khác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm