Da bong tróc, sẹo loang lổ vì dùng lá thuốc đắp chữa bướu cổ

26/07/2018 - 10:33
Bị bướu cổ nhưng không đến bệnh viện điều trị mà nghe theo mách bảo, nhiều phụ nữ dùng lá thuốc đắp lên cổ. Hậu quả là sau đắp, cổ nhiều chị em có mùi tanh, hôi, da cổ bong ra từng mảng lớn, để lại sẹo xấu.

Các bác sĩ BV Nội tiết TƯ vừa phẫu thuật cho bệnh nhân Nguyễn Minh P., 31 tuổi, ở Hưng Yên. Chị P. bị bướu đa nhân hỗn hợp 2 thùy tuyến giáp.

Khi phát hiện bướu cổ, thay vì đến bệnh viện điều trị, chị P. đắp lá thuốc của thầy lang. Sau thời gian đắp, da cổ của chị bong từng mảng lớn và để lại sẹo xấu. Lúc này, chị mới đến bệnh viện để nhờ thăm khám, bác sĩ phải chỉ định mổ cắt bỏ sẹo cho chị sau đó mới phẫu thuật điều trị bướu cổ.

Gần đây, căn bệnh tái phát, khiến da cổ căng và khó chịu nên chị P. đến BV Nội tiết TƯ thăm khám và phẫu thuật. Các bác sĩ của bệnh viện đã khám và phẫu thuật cho chị P. vào hồi giữa tháng 7.

 

anh-noi-tiet.jpg
Bị bướu cổ nhưng điều trị bằng thuốc nam khiến vùng cổ của chị C. bị sẹo xấu

 

Cũng như chị P., chị Nguyễn Thị C. (40 tuổi) quê ở Thanh Ba (Phú Thọ) phát hiện mắc bướu cổ 19 năm nay. Nghe lời người quen, chị không dùng thuốc theo đơn của bác sĩ mà mua thuốc nam chữa bướu cổ tại Sơn Tây (Hà Nội). Thời gian đầu, 1 tuần một lần, chị được thầy lang dùng miếng ngải cứu chườm nóng cổ, sau đó đắp thuốc vào hai bên. Vết thương bỏng rát khiến chị thường phải bật quạt hướng thẳng vào cổ mặc dù đang trong thời tiết giá lạnh. Sau 1 năm kiên trì điều trị theo phương pháp này, chị thấy hai bên cổ có mùi tanh, hôi, da cổ bong ra từng mảng lớn. Người chữa trị cho chị khẳng định chị đã khỏi bệnh và đưa cho chị thuốc liền sẹo về bôi tại nhà.

5 tháng sau, chân tay chị thường xuyên bị run rẩy, tim đập nhanh. Chị đã đến BV Quân y 103 khám và mổ tại đây. Tuy nhiên, sau đó, chị bỏ không điều trị thuốc 7 năm, không khám lại.

Thời gian gần đây, chị tiếp tục thấy mệt mỏi, chân tay run, nuốt nghẹn, cổ to ra. Chị đã đến khám tại BV Nội tiết TƯ. Tại đây, chị được tư vấn về việc sử dụng thuốc, tiếp tục theo dõi trong 2 tháng để ổn định các chỉ số cần thiết, chuẩn bị cho việc phẫu thuật.

 

anh-noi-tiet1.jpg
Khi bị bướu cổ, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị

 

Theo TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết TƯ, dù đã có nhiều thông tin về tác hại của việc tùy tiện sử dụng thuốc Nam trong điều trị bướu cổ, song trên thực tế, nhiều người bệnh vẫn sử dụng phương pháp này. Là đơn vị chuyên khoa đầu ngành về chữa trị các bệnh tuyến giáp, BV Nội tiết TƯ thường xuyên tiếp nhận các ca bướu cổ điều trị bằng thuốc Nam, dẫn đến hậu quả tiền mất, bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn, kèm theo những vết sẹo lớn trên cổ gây mất thẩm mỹ, tự tin cho người bệnh.

Có thể nói, do hiểu biết còn nhiều hạn chế, nhiều người dân vẫn tin rằng, bướu cổ có thể chữa hoàn toàn bằng thuốc Nam, thông qua uống hoặc đắp, bôi trực tiếp lên vùng cổ. Thực tế, việc tùy tiện sử dụng các thuốc nói trên đã gây ra bỏng rát, lở loét nghiêm trọng vùng cổ. Đến khi các mảng thịt bong ra, người bệnh cho rằng mình đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, đó chỉ là những mảng thịt hoại tử rơi ra và để lại sẹo loang lổ trên cổ, còn gốc rễ của bệnh thì không trị được, bệnh tiếp tục gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Hiện nay, BV Nội tiết TƯ đã áp dụng nhiều phương pháp hiện đại để điều trị bướu cổ, trong đó, phương pháp sử dụng sóng cao tần, phẫu thuật nội soi tuyến giáp là những phương pháp có nhiều ưu việt, mang lại hiệu quả cao cả về sức khỏe và thẩm mỹ cho người bệnh. Theo TS Lương, khi bị bướu cổ, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn, điều trị, chứ không nên đắp hay chữa bằng thuốc Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm