Đa dạng hình thức vay để chặn tín dụng đen: 'Sức ép và rủi ro cho các ngân hàng'

19/03/2019 - 09:36
Trả lời PNVN, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận xét, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kêu gọi các ngân hàng nới rộng tín dụng, đa dạng hóa hình thức vay vốn để hạn chế tín dụng đen là chủ trương đúng. Song, mặt khác, điều này có thể dẫn đến sức ép và rủi ro cho các ngân hàng.
Rủi ro với các ngân hàng
 
Thưa ông, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là NHNN đã rất cố gắng đưa ra những giải pháp để ngăn chặn, song đến giờ, tín dụng đen vẫn tiếp tục hoành hành. Vậy nguyên nhân do đâu?
 
Có rất nhiều lý do khiến tín dụng đen vẫn tiếp tục hoành hành. Một điều mà ai cũng có thể thấy đó chính là một bộ phận người dân không được tiếp cận vay tiền từ các ngân hàng bởi họ không có tài sản đảm bảo, cũng như không có khả năng chứng minh thu nhập. Trong khi đó, họ đang có nhu cầu vượt quá khả năng chi trả của mình. Họ buộc phải tìm đến các tổ chức tín dụng đen hay còn gọi là tín dụng không chính thức hoặc ngân hàng ngầm.
 
 
tindungden.jpg
Ảnh minh họa

 

Một loại tín dụng đen đang rất phổ biến, đó là cho vay qua ứng dụng thông tin. Những người có tiền, thông qua ứng dụng công nghệ trung gian để tìm kiếm những người có nhu cầu vay tiền. Còn những người đang cần tiền, thông qua ứng dụng đó để tìm kiếm người cho vay. Điểm chung của tín dụng đen là không có hợp đồng tín dụng thông thường, bao gồm tên người đi vay, cho vay, chương trình trả nợ, cách tính lãi suất và điều kiện thông thường của hợp đồng trả nợ.
 
 
nguyentrihieu.jpg
TS Nguyễn Trí Hiếu

 

Bên cho vay và đi vay được chắp nối để thực hiện giao dịch rất đơn giản. Người đi vay và cho vay chỉ cần thỏa thuận bằng miệng hoặc thông qua giấy tờ. Người đi vay có thể nhận được khoản tiền trong vài tiếng đồng hồ, thậm chí có người còn mang tiền đến nhà cho mình. Cũng bởi tính không giới hạn điều kiện mà tín dụng đen rất phổ biến. Vấn nạn này thường xuất hiện ở nhóm những người có thu nhập bấp bênh, thấp như sinh viên, người kinh doanh nhỏ lẻ…
 
Tình trạng tín dụng đen ngày càng phổ biến khiến các cơ quan chức năng và giới tài chính rất e ngại. Nó đang vượt quy định của pháp luật về lãi suất, các hình thức vay và cho vay. Trong trường hợp một số người đi vay không có khả năng trả nợ, người cho vay đã sử dụng các biện pháp thu hồi nợ bất chính, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Đó là lý do khiến tín dụng đen trở thành một tệ nạn của xã hội.
 
NHNN yêu cầu các ngân hàng nới rộng điều kiện vay cũng như đa dạng hóa các hình thức tín dụng, thậm chí vay theo ngày, theo tuần đối với người vay. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
 
Trước hết, phải khẳng định rằng, chủ trương của NHNN kêu gọi các ngân hàng nới rộng tín dụng để hạn chế tín dụng đen đó là chủ trương đúng. Nhưng với chủ trương đó mà có thể hi vọng diệt trừ được tín dụng đen thì đó là điều không thể. Bởi chủ trương đúng chưa đủ, cần phải có phương pháp đúng.
 
Thực tế, ngay cả các nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, cho thấy là luôn luôn có một bộ phận người dân không thể tiếp cận được nguồn vốn vay của các ngân hàng. Thêm vào đó, dù ngân hàng có mở rộng cánh cửa thế nào đi chăng nữa thì ngân hàng vẫn có những quy định, tiêu chí, điều kiện cho vay chặt chẽ, đó là nguyên tắc hoạt động bất di bất dịch của lĩnh vực ngân hàng. Ở đây cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngân hàng có những nguyên tắc riêng, chứ không phải là chỗ bố thí hay quỹ phúc lợi xã hội, nên ngân hàng không thể rộng tay được.
 
Tôi cho rằng dù NHNN có yêu cầu thế nào đi chăng nữa thì các ngân hàng hiện nay cũng không thể chấp nhận sự rủi ro quá mức khi hào phóng cho vay để cuối cùng lại phải lãnh nợ xấu. Mà khi nợ xấu xảy ra thì chính NHNN lại là cơ quan kiểm tra họ và chính họ phải chịu trách nhiệm về vấn đề nợ xấu của mình. Đây là điều các ngân hàng không hề mong muốn.
 
Còn ở góc độ người vay, chủ trương của NHNN có thể sẽ tạo ra những cơ hội cho người vay được tiếp cận nguồn vốn tín dụng được dễ dàng hơn đôi chút, nhưng về cơ bản thì vẫn phải tuân thủ đúng theo các nguyên tắc của ngân hàng, do đó, cũng không nên kì vọng gì nhiều. Nói đúng hơn, chủ trương và lý thuyết về cơ bản là đúng nhưng còn phương pháp khi áp dụng vào thực tế thế nào lại là một câu chuyện khác.
 
Không riêng gì Việt Nam, ngay cả những nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu cũng vậy thôi, nghĩa là luôn có những bộ phận người dân không thể vay ngân hàng được dù cho ngân hàng có mở rộng cánh cửa thế nào đi chăng nữa. Bộ phận này có thể là từng có lịch sử để xảy ra nợ xấu với ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, hoặc là không có việc làm và thu nhập thường xuyên - những điều kiện tối thiểu để ngân hàng có thể xem xét cho vay.
 
 
Nên để lãi suất theo cung - cầu
 
Có ý kiến cho rằng, giải pháp để giúp người dân tiếp cận với nguồn tín dụng hợp pháp, đẩy lùi tín dụng đen chính là cho vay tiêu dùng. Phương án này được đánh giá là phù hợp với khoản vay và đối tượng vay. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
 
Tôi cho rằng các gói cho vay tiêu dùng có khả năng thay thế phần nào tín dụng đen nếu như công ty tài chính cũng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điều kiện cho vay dễ dàng cũng như đưa ra các chương trình cho vay nhỏ lẻ, phù hợp với nhu cầu người cho vay. Đây là một tín hiệu rất tích cực.
 
Xét về tiềm năng của thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, cơ hội phát triển của các công ty, tổ chức tài chính rất lớn. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh. Nhu cầu tài chính của con người ngày càng cao. Trong khi đó, tín dụng truyền thống đang gặp rào cản về giới hạn. Những khoản vay của ngân hàng đưa ra bị ràng buộc nhiều điều kiện.
 
Việt Nam là nước đông dân số với trên 90 triệu người và nhóm độ tuổi trẻ và trung niên khá lớn. Nhóm đối tượng có thu nhập trung bình ngày càng gia tăng và có nhu cầu tài chính gia tăng. Đây là lý do khiến các công ty tài chính có thể dễ dàng triển khai các gói vay đến khách hàng.
 
 
vay-tien-nong.jpg
Ảnh minh họa

 

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển và đóng vai trò như sự kỳ vọng?
 
Hiện tại, nhiều điều kiện trong đó, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng còn chưa cởi mở đủ để tạo điều kiện cho thị trường này phát triển. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại luôn có lãi suất tốt nhất trong các hoạt động cho vay nhưng họ cũng đòi hỏi chỉ tiêu chặt chẽ về khả năng trả nợ như đòi hỏi khách hàng phải có tài sản thế chấp hoặc chứng minh được phương án trả nợ và mức thu nhập an toàn. Trong khi đó, các công ty tài chính có mức độ yêu cầu cho vay thoáng hơn so với hệ thống ngân hàng thương mại và bù lại họ buộc phải định ra mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro.
 
Ngoài rào cản về lãi suất, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ cho vay tiêu dùng còn do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam và nền kinh tế chưa đủ mạnh để vay tiêu dùng bứt phá. Nhiều chủ thể chưa nhận thức chưa đúng và đủ về tín dụng tiêu dùng. Văn hóa đi vay để tiêu dùng còn ở mức thấp.
 
Do đó, thị trường cho vay tiêu dùng dù có tiềm năng rất lớn, chúng ta nên có cái nhìn toàn diện và tích cực hơn để thúc đẩy ngành tài chính tiêu dùng phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho người tiêu dùng. Khi nhu cầu tiêu dùng tăng thì các công ty tài chính sẽ thiết kế nhiều sản phẩm hữu ích, phù hợp với lãi suất cạnh tranh tốt hơn.
 
Ông đánh giá thế nào về đề xuất cho rằng thị trường cho vay tiêu dùng nên để lãi suất theo cung cầu, nghĩa là theo sự vận hàng của thị trường?
 
Tôi đồng ý với quan điểm nên để lãi suất cho vay tiêu dùng được điều chỉnh thông qua cung cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, pháp luật cần đưa ra các quy định để đảm bảo chặt chẽ mối quan hệ giữa bên cho vay và người tiêu dùng. Kinh nghiệm các nước, ví như Mỹ, cho thấy, các công ty tài chính hoạt động không như ngân hàng. Với công ty tài chính, họ không được phép huy động tiền gửi của người dân. Người dân cũng không thể đến đó mà gửi tiết kiệm cho họ.
 
Thường các công ty tài chính phải phát hành trái phiếu, tức là đi vào thị trường tài chính để phát hành trái phiếu huy động tiền từ các tổ chức tín dụng khác. Chính vì thế mà vốn của họ không phải là vốn rẻ, có thể họ phải trả đến 10% thậm chí 15% trên vốn mà họ có thể vay từ thị trường tài chính, thêm vào đó là các rủi ro của họ với các món nợ cho vay. Do vậy, các công ty tài chính đưa ra lãi suất cao hơn các ngân hàng thương mại vì thực chất, hoạt động của họ khác với ngân hàng và họ được hoạt động theo luật chuyên ngành. Theo quan sát, ngay cả các nước đang phát triển như Đức, Mỹ thì các khoản cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cũng có mức cao từ 0,5 đến 3 lần so với mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.
 
Trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân càng ngày càng cao. Đặc biệt là trong dịp lễ tết thì nhu cầu mua sắm, hỗ trợ chi tiêu trong gia đình từ ăn mặc, sửa chữa nhà cửa… càng ngày càng lớn. Trong khi đó, bình quân thu nhập đầu người của người dân Việt Nam chỉ vào khoảng 2.500 USD/người/năm (tương đương với mức thu nhập trên 50 triệu đồng). Nhìn chung, đây vẫn là một mức thu nhập thấp. Do đó, nếu như nhu cầu tăng cao nhưng thu nhập không đáp ứng đủ thì sẽ đi vay mượn để đáp ứng nhu cầu.
 
Xin cảm ơn ông! 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm